.
CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Con vẫn khỏe mạnh dù mẹ nhiễm HIV

Được học khái niệm cơ bản về vi-rút HIV, cơ chế lây truyền và nhất là những cách tiêu diệt HIV trong môi trường, các học viên ồ lên: Hóa ra vi-rút HIV không quá kinh hãi như mọi người vẫn tưởng…

Thế nhưng ngay sau đó, thầy giáo đặt câu hỏi: Nếu biết bà bán bún nhiễm HIV, bạn có đến ăn không? Nếu người nhà nhiễm HIV, bạn có giữ kín chuyện đó không? Một người mẹ nhiễm HIV thì sinh con sẽ chắc chắn bị HIV? Lập tức, nhiều người dường như quên sạch lý thuyết và quay trở lại với nỗi sợ ăn sâu trong mình. Đó là sẽ không ăn bún của người chủ quán HIV, sẽ không cho ai biết chuyện người nhà nhiễm HIV và mẹ có H, dĩ nhiên đẻ ra đứa con có H…

Dù tính đến nay đã 34 năm kể từ khi ca HIV đầu tiên trên thế giới được ghi nhận, đã 25 năm Việt Nam xuất hiện HIV và 22 năm Đà Nẵng lần đầu có ca nhiễm HIV, nhưng nói đến người có H, mọi người vẫn sợ hãi, xa lánh và muốn “tránh cho lành”.

Việc giấu kín, né tránh căn bệnh này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người đánh mất cơ hội tiếp cận sớm các dịch vụ y tế cần thiết cho người có H.

Một bác sĩ phòng, chống HIV tâm sự: Trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 63 ca nhiễm mới HIV (bao gồm đối tượng ngoài tỉnh). Đáng nói, nhiều người nhiễm không khai đúng địa chỉ chỗ ở vì muốn giấu tung tích. Điều này gây khó trong việc nắm bắt tình hình bệnh và phối hợp điều trị.
“Vừa phát hiện một cặp vợ chồng công nhân nhiễm HIV, chúng tôi đến phòng trọ tìm thì được biết họ mới dời đi từ hôm qua. Họ đi đâu, chủ trọ không rõ”, vị bác sĩ trên nói. Một gia đình khác khi phát hiện con bị HIV, cả bố và mẹ đòi… chết trước, vì sợ con ở chung nhà sẽ lây bệnh rồi cả nhà cũng sẽ chết, sợ hàng xóm xa lánh, sợ xã hội kỳ thị, v.v… Gia đình này liên hệ với cán bộ y tế vì muốn tìm nơi “tống” con đi chỗ khác chứ không phải hy vọng có thuốc giúp người bệnh có thể “sống vui, sống khỏe” với vi-rút HIV.

Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, cứ một ngày, trên thế giới có 6.000 ca nhiễm mới. Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015 có hơn 3.200 ca nhiễm mới, trong đó 1.326 ca chuyển sang giai đoạn AIDS. Các ca nhiễm này chủ yếu ở nam giới và lây qua đường tình dục. Tại Đà Nẵng, quận Liên Chiểu là địa bàn có nhiều ca nhiễm mới nhất trong 6 tháng qua, với 11 người mắc trên tổng số 63 ca toàn thành phố, cao gấp đôi so với các quận, huyện còn lại.

Điều đáng nói, hiện nay Đà Nẵng có các trung tâm, phòng khám và các nhóm tiếp cận cộng đồng cho nhiều đối tượng khác nhau, từ người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai, nhưng khi phát hiện người nhà nhiễm HIV, nhiều gia đình tỏ ra bấn loạn, tìm cách giấu giếm thay vì lập tức tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền và điều trị.

Các phòng khám, tư vấn, xét nghiệm HIV gồm có: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố (311/42 Trường Chinh); Phòng khám ngoại trú người lớn tại khoa Da lây, Bệnh viện Da liễu; Phòng khám ngoại trú trẻ em tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi; Phòng Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tại khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có các nhóm đồng đẳng phụ nữ bán dâm, người chích ma túy và đồng tính nam phụ trách tư vấn, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho đối tượng nguy cơ cao.

Đối với phụ nữ đang mang thai, bác sĩ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết, cứ 100 người nhiễm HIV và không có can thiệp bệnh thì sẽ cho ra 36 đứa trẻ nhiễm HIV và 64 đứa bé không nhiễm. Như vậy, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con trong trường hợp không dùng thuốc điệu trị trung bình là 25-40%. Tuy nhiên, nếu người mẹ phát hiện HIV khi đang mang thai và sử dụng các biện pháp dự phòng lây truyền mẹ sang con thì khả năng hầu hết trẻ em ra đời không bị HIV từ mẹ là hoàn toàn có thể.

Trong quá trình mang thai, phụ nữ nên đến tư vấn và xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Nếu nhiễm H, bà mẹ được cung cấp thuốc điều trị ARV dự phòng cho bé và cấp sữa thay thế sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, đồng thời được tư vấn các dịch vụ dự phòng, chăm sóc thích hợp khác.

Mới đây nhất, cuối tháng 7-2015, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có quy định mới thay đổi về tiêu chuẩn khởi động điều trị cho bệnh nhân HIV. Bệnh nhân có thể tiếp cận sớm hơn với điều trị kháng vi-rút, vốn được xem là cốt lõi của điều trị HIV.

Riêng với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, việc điều trị ARV được chỉ định áp dụng càng sớm càng tốt thay vì chỉ khởi động điều trị dự phòng mẹ con từ tuần thai thứ 14 như trước đây. Với thay đổi này, ngành y tế hy vọng đạt được một trong 3 mục tiêu chiến lược của công cuộc phòng chống HIV là “không có ca nhiễm mới”, đặc biệt trong nhóm trẻ sinh ra từ người mẹ có H.

Như vậy, nếu trở lại câu hỏi mẹ nhiễm HIV liệu có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh bình thường, câu trả lời là hoàn toàn có thể, nếu người mẹ chủ động xét nghiệm HIV và điều trị sớm.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.