.

Sống với người bệnh tâm thần

.

Tiếng hát, tiếng la ré, rồi cười nghặt nghẽo, nói những câu vô nghĩa, ánh mắt vô hồn... tại khoa Cấp tính, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng khiến những ai lần đầu đặt chân đến đây không khỏi hoảng loạn. Nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... tại bệnh viện này, hình ảnh đó quá quen thuộc.

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, thăm hỏi một bệnh nhi.
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, thăm hỏi một bệnh nhi.

Đồng cảm với sự bất hạnh của người bệnh

“Cô ơi, cô làm báo hả? Chụp hình tui đi cô”, “Cô ơi, nhà tui ở Liên Chiểu nè, tui ở với bà ngoại. Vào đây cũng lâu rồi, tui nhớ nhà lắm!”… Những câu nói lúc tỉnh táo của họ làm người đối diện không khỏi chạnh lòng.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Tám, khoa Cấp tính nam chia sẻ: “Đó là những trường hợp bệnh có dấu hiệu thuyên giảm sau thời gian được điều trị. Hồi mới vào, họ không có khả năng nhận biết, bị kích động, chúng tôi rất khó khăn để tiêm thuốc. Chuyện bác sĩ, điều dưỡng bị bệnh nhân giật đứt nút áo, giật kính, ống nghe, thậm chí bị dí chạy quanh phòng... diễn ra thường xuyên. Nguy hiểm nhất khi họ bị loạn thần nhìn người này ra người khác, hoặc nhìn ra con vật nào đó..., thế là lao vào đánh”.

Căng thẳng như thế nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều cho rằng, khi chọn nghề này, họ đã chuẩn bị tâm lý. Với kiến thức chuyên môn, họ biết phải xử lý các tình huống mà mình đối mặt như thế nào. Nhiều lúc họ phải tìm cách dỗ dành, “làm bạn” và sống trong thế giới của người bệnh thì bệnh nhân mới chịu ăn, chịu uống thuốc...

Tâm sự với chúng tôi, người hộ lý tên Thao hơn 10 năm gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, chị đến với nghề này ban đầu vì mưu sinh nhưng nhiều năm chăm sóc, gần gũi rồi đồng cảm với sự bất hạnh của người bệnh. “Chúng tôi thay người thân của họ chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, đến việc tắm rửa... Những lúc tỉnh táo, họ chia sẻ về nỗi nhớ nhà và về cuộc đời. Đối với các bệnh nhân bị tâm thần gây án thì khi tỉnh họ tỏ ra hối hận với những điều mình đã làm...”, chị Thao xúc động kể.

Cách khoa Cấp tính một dãy nhà, khoa Tâm thần trẻ em tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn nhờ không gian trang trí như trường mẫu giáo và có khu trò chơi ngoài trời. Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa, cho biết các cháu đưa vào đây cũng đa dạng về bệnh lý như: động kinh, tâm thần phân liệt, tự kỷ, tăng động, rối loạn sợ trường học...

Hướng về một số em đang chơi ngoài trời, bác sĩ Vân nói: “Nhìn các cháu lúc bình thường vậy nhưng chúng tôi không một chút lơ là, mà luôn theo dõi sát sao từng trường hợp. Nếu không cẩn thận, các cháu có thể có hành vi đập đầu, co giật bất kỳ lúc nào. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, phương pháp điều trị mà các bác sĩ ở đây áp dụng chủ yếu là luyện tập cho các cháu kỹ năng như: tiếp nhận ngôn ngữ, thể hiện ngôn ngữ, bắt chước, tập trung chú ý, tự chăm sóc bản thân. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau cần đến với các cháu bằng tình thương của người mẹ, người chị và bằng cái tâm. Có như thế mới giúp các cháu khỏi bệnh, nhanh chóng trở về hòa nhập cộng đồng”.

Nhiều trăn trở

Theo bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân. Riêng năm 2014, lượng bệnh nhân nội trú lên đến hơn 78.000 lượt người, bệnh nhân ngoại trú hơn 76.000 lượt người. Các dạng bệnh lý thường gặp là rối loạn tâm thần, động kinh, trầm cảm, nghiện rượu... Đáng chú ý, những năm gần đây, bệnh rối loạn tâm thần do nghiện chất (ma túy và nghiện rượu), tâm thần gây án có dấu hiệu gia tăng. Nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nên khi bệnh nặng mới đưa vào viện.

“Chúng tôi thấy xót xa nhất là nhiều gia đình khó khăn quá hay vì lý do gì đó mà bỏ mặc người bệnh. Thậm chí, bệnh viện phải lo toàn bộ chi phí ăn ở, thuốc thang. Đến lúc ra viện cũng không thấy người nhà đến đón. Lần theo hồ sơ, bệnh viện cho xe đưa bệnh nhân về nhà. Nhưng được thời gian, lại thấy người bệnh đứng trước cổng bệnh viện một mình, chúng tôi lại đón vào”, bác sĩ Ngọc cho biết.

Nhiều trường hợp khác, người thân không phối hợp điều trị nên các bệnh nhân thường trở bệnh, hết ra rồi lại vào. Chứng kiến một ca mới đưa vào viện, chúng tôi mới thấy người nhà làm công tác chữa bệnh “rối” thêm. Đó là trường hợp một người chồng bị rối loạn tâm thần, bóp cổ con nên được người vợ đưa vào viện. Song, ba mẹ chồng lại lật đật đến bệnh viện kiên quyết đưa con mình về vì “nó có bệnh gì đâu!”. Thế là các bác sĩ phải chẩn đoán chính xác bệnh tình, thuyết phục người nhà...

Một điều nữa khiến những bác sĩ tại bệnh viện tâm thần trăn trở là khả năng hòa nhập cộng đồng của người bệnh. Nhiều người hết bệnh nhưng lại tự tìm về căng-tin bệnh viện cùng trò chuyện cho hết ngày rồi về. “Điều này cho thấy họ lạc lõng với thế giới bình thường do không có việc gì để làm, không có ai để trò chuyện vì có ai thích chơi với người từng bị điên. Giúp người bệnh rời xa thế giới điên loạn đã khó, nhưng để họ trở về đời sống bình thường cũng là con đường quá khó khăn, cần hơn nữa sự chia sẻ của người thân và của cộng đồng với những con người đáng thương đó”, điều dưỡng Nguyễn Văn Tám trăn trở.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.