.
Sức khỏe của bạn

Ăn uống lành mạnh phòng tránh đái đường

.

Đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1995 mới có 135 triệu người (4% dân số), năm 2010 có 221 triệu và dự báo năm 2025 là 330 triệu (chiếm 5,4%). Nhưng năm 2011, WHO thống kê lại, thế giới đã có 366 triệu người và dự kiến đến năm 2030 sẽ có 552 triệu người.

Vì vậy, WHO nhận định rằng: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa mà điển hình là bệnh đái tháo đường. Những gì mà đại dịch HIV/AIDS đã hoành hành 20 năm cuối thế kỷ XX, thì đó sẽ là đái tháo đường trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI”.

Khoa học đã chỉ rõ một số nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, trong đó ba nguy cơ hàng đầu là thừa cân, béo phì và thiếu vận động. Và theo dinh dưỡng học, thừa cân và béo phì thường là hậu quả tất yếu của chế độ ăn sai lệch.

Những ghi nhận khoa học về chế độ ăn

Từ lâu, khả năng phòng bệnh của chế độ ăn Địa Trung Hải đã rất nổi tiếng thế giới: Các dân tộc sống quanh biển Địa Trung Hải này ăn nhiều rau quả tươi, dầu ôliu với hải sản như cá tôm rong biển và các loại hạt ngũ cốc; thức uống kèm trong bữa ăn là rượu chát đỏ. Họ lại có một thứ tự sử dụng các món ăn khác lạ: ăn rau trái, rong biển trước, tiếp đến sẽ ăn các loại cá biển, hải sản, ăn rất ít các loại thịt động vật và sau cùng mới ăn các loại hạt, ngũ cốc nhưng cũng với số lượng vừa tầm.

Nhờ thường xuyên theo chế độ dinh dưỡng “rượu chát - dầu ôliu - hải sản” này, cư dân vùng Địa Trung Hải như có tỷ lệ mắc bệnh nội tiết chuyển hóa, đặc biệt bệnh tim mạch và đái tháo đường, thấp hơn rất nhiều so với nhóm dân châu Âu vốn theo chế độ ăn nhà giàu quá thừa “ bơ - thịt- bia”.

Ở Hoa Kỳ, nơi thức ăn nhanh và nước giải khát có đường-gaz rất phong phú, tỷ lệ trẻ em béo phì rất cao. Theo thống kê của  trung tâm Kiểm soát bệnh dịch (CDC) ở New York, tỷ lệ béo phì người lớn lên đến 35,7% và đến hơn nửa số béo phì này bị đái tháo đường.

Ở nhiều nước châu Á, với khẩu phần ăn “trà - cơm” là chủ yếu, tỷ lệ bệnh tim mạch thường thấp nhưng đái tháo đường lại cao.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của GS, TS Nguyễn Hải Thủy và cộng sự, những người ăn chay tuyệt đối, thực phẩm hoàn toàn là chất đường bột, tỷ lệ bệnh đái tháo đường cao gấp hai lần người bình thường.

Chế độ dinh dưỡng toàn diện theo WHO

Qua nhiều nghiên cứu dài hơi, đa quốc gia, các nhà dinh dưỡng đã thống nhất một chế độ ăn cho người lớn tuổi, người có nguy cơ đái tháo đường, theo 7 nguyên tắc sau: (1) Thành phần thức ăn theo tỷ lệ 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột; (2) Không ăn uống thức nhiều đường ngọt; (3) Nên chia nhỏ vào ba bữa ăn, nếu thấy đói có thể dùng thêm bữa nhẹ; (4) Giảm đến mức tối thiểu thức ăn chứa chất béo; (5) Ăn cá 2-3 lần mỗi tuần; (6) Hạn chế tối đa uống rượu, bia và (7) Ăn thêm thức ăn có các chất xơ như rau, củ, trái cây không ngọt...

Chế độ ăn uống lành mạnh Việt Nam

Nước ta thuộc châu Á, chế độ ăn quen thuộc cũng là “trà - cơm” thỉnh thoảng thêm bia rượu. Từ những khảo sát và nghiên cứu thực tế, các chuyên gia ngành nội tiết - đái tháo đường gần đây đã đề nghị một khẩu phần “nội địa” để phòng tránh đái tháo đường. Khẩu phần cụ thể: (1) chất đường bột đường là các các loại ngũ cốc toàn phần, các loại đậu, củ...; (2) chất béo là dầu thực vật như dầu phộng, dầu mè...; (3) chất đạm từ nguồn hải sản đặc biệt là cá và (4) chất khoáng, vitamin từ các loại rau xanh , quả “không ngọt” như bí, bầu, cà, mướp, chất xơ...

Thay lời kết

Ngạn ngữ Anh có câu “Con người tự đào mồ bằng chính hàm răng của mình” (People dug graves with their own teeth): ăn uống đúng, thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng, tạo ra sức sống; ngược lại nếu ăn uống “không đúng sách” thì chính thức ăn lại gây ra bệnh tật. Ăn uống lành mạnh là cách hiệu quả để phòng tránh đái tháo đường.

TS, BS TRẦN BÁ THOẠI

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam Trưởng khoa Quốc tế Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.