.

3 người nhập viện do bị rắn lục đuôi đỏ cắn

.

ĐNĐT - Ngày 22-11, tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, có 3 bệnh nhân ở quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Sơn Trà đang điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn sau thời gian cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc.

Ông Ngô Văn Hùng cho rằng nọc của rắn lục đuôi đỏ quá độc, không thể dùng các loại lá chữa trị rắn cắn đắp vào như khi bị rắn lục bản địa cắn.
Ông Ngô Văn Hùng - bệnh nhân bị rắn cắn - cho rằng nọc của rắn lục đuôi đỏ quá độc, không thể dùng các loại lá chữa trị rắn cắn đắp vào như khi bị rắn lục bản địa cắn.

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, trước đây, mỗi tháng, khoa tiếp nhận cấp cứu từ 2-3 bệnh nhân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bị rắn lục cắn, chủ yếu là người đi làm vườn, rẫy, đi rừng. Nhưng từ đầu tháng 11-2014, tiếp nhận cấp cứu nhiều ca bị rắn lục cắn hơn.

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân dễ bị các biến chứng như: tổn thương cơ, hoại tử cơ, gây sốc, ngưng thở, đặc biệt là rối loạn đông chảy máu.

Nọc của rắn lục đuôi đỏ độc hơn các loại rắn khác do gây rối loại chức năng đông chảy máu. Khi phát hiện bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì phải buộc ga-rô ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để thực hiện sơ cấp cứu, xử lý hô hấp, tuần hoàn cho bệnh nhân trước. Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ khám, xem xét kỹ lưỡng để quyết định cấp cứu, điều trị tại bệnh viện hay chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

"Tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, chúng tôi làm xét nghiệm để xác định loại độc tố và xem có rối loạn đông chảy máu hay không. Nếu đúng là bị rắn lục đuôi đỏ cắn và có rối loạn đông chảy máu thì dùng huyết thanh kháng nọc rắn lục để điều trị. Điều trị bằng loại huyết thanh này sẽ gây sốc nên nhiều bệnh viện tuyến dưới ít sử dụng do nhiều nguyên nhân khách quan. Vì thế, nếu bệnh nhân đến bệnh viện chậm hoặc không được sơ cấp cứu ban đầu, khi đã xuất huyết rồi thì không thể cứu chữa”, bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng nói.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.