.

Những điều cần biết về hồi sinh tim, phổi

.

Ngừng tim - phổi (ngừng tuần hoàn - hô hấp, cardiopulmonary arrest) có thể xảy ra đột ngột ở mọi nơi trong và ngoài bệnh viện, thậm chí ngay trong phòng mổ, phòng hồi sức. Đây là hậu quả cuối cùng của rất nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau và thường dẫn đến tử vong.

Nhiều nguyên nhân gây ngừng tim, phổi như các bệnh lý tim mạch (bệnh thiếu máu cơ tim, viêm cơ tim…), các bệnh lý hô hấp (thiếu oxy cấp, tràn khí màng phổi, chấn thương lồng ngực…), do rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc… và do các nguyên nhân khác như điện giật, đuối nước.

Tính cấp thiết của việc cấp cứu hồi sinh tim, phổi

Hồi sinh tim, phổi (cardiopulmonary resuscitation) có vai trò rất quan trọng đối với sinh mạng người bệnh. Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, xử trí sớm và đúng phương pháp sẽ có nhiều cơ hội để cứu sống bệnh nhân. Mục đích của việc làm này là nhanh chóng phục hồi lại tuần hoàn và hô hấp hữu hiệu chống lại quá trình bệnh lý cơ bản thiếu oxy, bảo vệ não, đồng thời phát hiện và giải quyết nguyên nhân gây ra ngừng tim, phổi.

Đã có những tình huống tai nạn bất ngờ xảy ra và việc sơ cứu đúng cách, kịp thời, đặc biệt của những người cứu hộ gần nhất, đã cứu sống nhiều bệnh nhân. Thiếu kỹ năng cũng như chưa được trang bị các kiến thức cần thiết về sơ cấp cứu đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho người gặp nạn.

Do đó, việc nắm rõ quy trình cấp cứu, trình tự các bước để tham gia cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả là yêu cầu cơ bản cần thiết của mỗi cá nhân.

CAB: Các bước hồi sinh tim, phổi cơ bản

- Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như: hôn mê, thở ngáp hoặc ngưng thở. Lay gọi, kích thích nhưng không có đáp ứng. Mạch bẹn, mạch cảnh của nạn nhân không bắt được. Da chân tay nạn nhân lạnh, tím môi, đầu chi…

- Gọi người giúp đỡ ngay (nếu có thể).

- Thực hiện quy trình theo thứ tự CAB.

 C: Ép tim (Cardiac compressions)

 - Vị trí ép tim:

Khi tiến hành ép tim, phải quỳ gối bên phải bệnh nhân, đặt tay ở vị trí 1/3 giữa xương ức, độ lún 4-6cm, tư thế tay thẳng góc, ngang vai, tần số ép tim tối thiểu 100 lần/phút.

- Tần số ép tim/ thổi ngạt cần nhớ:

Người lớn 30:2 (ép tim 30 lần, thổi ngạt 2 lần), ở trẻ em dưới 14 tuổi là 15:2, trẻ sơ sinh là 3:1, thay người ép tim mỗi 3 phút (nếu có thể) và không nên dừng ép tim quá 10 giây.

A: Thông đường thở (Airway)

- Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, nâng cằm, kéo hàm, hút đờm giãi để thông thoáng đường thở cho nạn nhân.

 - Trường hợp chấn thương cột sống cổ thì chỉ nâng cằm bệnh nhân mà không thực hiện ngửa cổ.

B: Thở  (Thông khí, Breathing)

- Kiểm tra hô hấp, quan sát, nghe và cảm nhận nhịp thở nạn nhân qua: di động của lồng ngực, tiếng thở qua miệng nạn nhân, cảm nhận hơi thở của nạn nhân: thở hắt ra, thở nặng nề, ầm ĩ (do tụt lưỡi, vướng đàm giải) hoặc thở hổn hển.

Kiểm tra, đánh giá không được quá 10 giây để xác định nhịp thở. Nếu không chắc chắn là bình thường thì phải xử trí ngay như không bình thường.

- Tái lập hô hấp bằng thổi miệng-miệng hoặc miệng-mũi

Lưu ý

- Tránh hô hấp nhân tạo quá mức, tần số tối đa 8-10 lần/phút.

- Cần ép tim mạnh, nhanh, để lồng ngực đàn hồi hoàn toàn.

- Mỗi 3 phút đánh giá 1 lần, kiểm tra mạch, nhịp thở.

- Khi bệnh nhân có tim và tự thở đặt nằm sấp nghiêng tránh hít đờm giãi.

- Gọi hỗ trợ cấp cứu hoặc chuyển viện để được theo dõi và chăm sóc tiếp tục.

ThS.BS LÂM TRỌNG CƠ

Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.