.

Loạn thần do nghiện rượu

.

(ĐNĐT) - Lạm dụng rượu, bia không chỉ gây suy nhược về cơ thể, các biến chứng như bệnh về đường tiêu hóa, xơ gan, suy thận… mà còn ảnh hưởng đến các chức năng tâm thần như nhận thức, tư duy, cảm xúc từ đó dẫn tới các rối loạn tâm thần. Trong số những bệnh nhân đến điều trị loạn thần do nghiện rượu tại Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng nhiều người không vượt qua được cơn khát “ma men” nên vừa mới ra viện chưa được bao lâu đã thấy vào lại.

Để không tái nghiện, bản thân người nghiện rượu cần phải có ý chí, quyết tâm rất lớn
Để không tái nghiện, bản thân người nghiện rượu cần phải có ý chí, quyết tâm rất lớn.

Buồn uống rượu, vui cũng uống rượu.

Vốn làm nghề thợ nề, mỗi buổi chiều sau khi đi làm về anh em trong nhóm thợ lại rủ nhau lai rai vài chén. Lâu dần, anh L.Q (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) nghiện rượu lúc nào không hay. Anh Q cho biết “riết thành quen, ngày nào không làm vài ly lại thấy bứt rứt không yên”. Nhìn người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt xạm đen, đầy nếp nhăn không ai nghĩ anh mới 45 tuổi. Tuy còn trẻ nhưng anh đã có “thâm niên” hơn 10 năm uống rượu. Anh kể, cách đây mấy năm, có lần uống rượu say quá, khi chạy xe máy đã tự tông vào chiếc xe rờ-móc đậu ở bên đường. Cú va chạm đó khiến anh bị vỡ xương hàm, chấn thương sọ não, vỡ nách, vỡ bàng quang. Những tưởng sau lần đó anh sẽ sợ mà bỏ hẳn rượu nhưng rồi không hiểu “ma xui, quỷ khiến” thế nào anh lại quay về với rượu. Mới đây, anh ngừng uống rượu 2 ngày thì bị lên cơn co giật, gia đình phải đưa anh vào BVTT Đà Nẵng điều trị.

Sinh năm 1976, anh N.M.H (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) có thâm niên uống rượu từ khi mới 18 tuổi. Vốn có gia đình, lại là công nhân hàn cửa sắt ở KCN Hòa Cầm nhưng do mê rượu hơn mê việc nên anh bị cho nghỉ việc, gia đình tan vỡ. Buồn quá anh lại tìm đến rượu giải khuây. Đây là lần thứ 3 anh nhập viện và nằm điều trị ở khoa Pháp y tâm thần và cai nghiện chất. Cách đây 2 tháng, do uống rượu nên khi chạy xe từ nhà đến BVTT Đà Nẵng để lấy thuốc điều trị thì bị tai nạn gẫy 7 chiếc xương sườn.

Không giống như 2 trường hợp trên, ông V.V.T (60 tuổi, thị trấn Tiên Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) vốn là giáo viên nhưng sau đó ông rẽ ngang đi làm kinh doanh. Kinh doanh thất bại, ông chuyển sang làm nghề sửa xe nuôi 3 con ăn học. Tới khi các con ra trường đi làm, ông nghỉ làm. Rảnh rỗi quá không biết làm gì, bạn bè hàng xóm rủ rê uống rượu cho vui. Lâu dần thành nghiện. Năm 2011, ông đã phải vào viện điều trị một lần nhưng về nhà chưa được bao lâu ông bị nghiện lại. Lần này, sau hơn 20 ngày nằm điều trị ở đây, ông nhận ra tuổi mình đã cao, lại bị bệnh cao huyết áp nên khi về sẽ quyết tâm bỏ hẳn rượu.

Cần có quyết tâm cao

Theo bác sĩ Lê Văn Nguyện, Phó trưởng khoa Pháp y tâm thần và cai nghiện chất, BVTT Đà Nẵng, những người nghiện rượu thường không biết là mình nghiện do ban đầu chỉ uống bình thường ở các đình đám, lâu dần lạm dụng nó thành nghiện. Nếu không có rượu 1-2 ngày thì thấy thèm, bứt rứt trong người, xuất hiện những triệu chứng của cai rượu như vã mồ hôi, run tay, sợ hãi, có các ảo giác, hoang tưởng, co giật, sau đó là định hướng mù mờ, không xác định được bản thân, thời gian, không gian dẫn tới sảng rượu (mức nặng nhất của nghiện rượu). Nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Để điều trị nghiện rượu, bác sĩ Nguyện cho biết, đây là cả một quá trình dày công, đòi hỏi sự hợp tác tốt từ người bệnh và gia đình. Việc điều trị nội trú trong bệnh viện thường dành cho người nghiện có các triệu chứng rối loạn về tâm thần. Ở giai đoạn này chủ yếu điều trị nâng cao thể trạng, giải độc, làm dịu cơn thèm rượu và điều trị tình trạng loạn thần bằng các loại thuốc hướng tâm thần.

Cũng theo bác sĩ Nguyện, việc điều trị và cắt cơn cho người nghiện không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện. Để không tái nghiện, bản thân người nghiện rượu cần phải có ý chí, quyết tâm rất lớn, phải tuân thủ đúng các chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, gia đình và môi trường sống cũng có vai trò rất quan trọng đối với người nghiện rượu. Có như vậy việc chống tái nghiện rượu mới có hiệu quả lâu dài.

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó giám đốc, Trưởng khoa Pháp y tâm thần và cai nghiện chất cho biết, trước đây, khi chưa có khoa này thì các bệnh nhân nằm rải rác ở các khoa của nam, giờ tách riêng, các bệnh nhân nghiện rượu được điều trị tập trung hơn. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, mỗi bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị khác nhau từ vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân khi được đưa vào đây đều đã đến giai đoạn nghiện nặng, thần kinh đều đã bị tổn thương nên sau khi cai được rượu thì trí nhớ, sức khỏe của người bệnh cũng không thể hồi phục như ban đầu.

Thu Hà

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, năm 2012 có 35 bệnh nhân nhập viện điều trị loạn thần do rượu; năm 2013 có 53 người, riêng trong 3 tháng đầu năm 2014 có 14 người, đặc biệt các dịp sau tết, số bệnh nhân nhập viện điều trị cai nghiện và loạn thần do rượu thường cao hơn; trong đó, ở độ tuổi từ 30 trở lên và có thâm niên uống rượu từ 10, 20 năm. Hiện tại, ở khoa Pháp y tâm thần và cai nghiện chất, đang có 6 bệnh nhân điều trị loạn thần do rượu, trong đó có một người ở trạng thái cai rượu có co giật

 

;
.
.
.
.
.