.

Bệnh nhân nhập viện đông

.

Nhiệt độ khá cao trong nhiều ngày qua khiến các bệnh về hô hấp tăng mạnh. Bên cạnh đó, bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.

Trong những ngày qua, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng diễn ra tình trạng quá tải, nhất là khoa Y học nhiệt đới, với số bệnh nhi mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) chiếm trên 1/3 tổng số ca bệnh nhi.

Người già nhập viện vì nắng nóng tại Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu. (Ảnh chụp ngày  4-4 tại phòng khám của Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu).                                        Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Người già nhập viện vì nắng nóng tại Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu. (Ảnh chụp ngày 4-4 tại phòng khám của Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu). Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

3 bệnh nhi/giường

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 4-4, tại hành lang tầng 1,  tầng 3 và tầng 9 khoa Y học nhiệt đới, bệnh nhân và người nhà nằm la liệt trên các giường xếp, mọi chỗ trống đều được tận dụng làm chỗ nằm cho bệnh nhi. Giường bệnh xếp san sát, kín mít lối đi. Trong phòng, 2-3 bệnh nhi chen chúc trên một giường. Tiếng trẻ khóc, tiếng va chạm của dụng cụ y tế, mùi ê-te khiến không khí nơi đây càng thêm ngột ngạt.

Ẵm con trai 10 tháng tuổi trên tay, chị Lê Thị Loan (quận Hải Châu) cho biết, con chị nhập viện đã 3 ngày nhưng bệnh chưa giảm, bác sĩ nói cháu bị bệnh TCM và sẽ tiếp tục theo dõi.

Anh Hồ Văn Tâm (quê Quảng Ngãi) cho biết thêm, con trai 17 tháng tuổi của anh có triệu chứng bỏ ăn, sốt, gia đình phát hiện lưỡi của cháu bị lở nên đưa ra Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng để điều trị cho an tâm. Ước tính số bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi… chiếm khoảng 2/3 số bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Trong khi đó, tại Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu, số bệnh nhân đến khám và điều trị cũng chật kín. Ẵm đứa con 6 tháng tuổi đang khóc trên tay trước phòng khám khoa Nhi, chị Đỗ Lệ Hoa (30 tuổi, ở phường Thanh Bình) than thở: “Cháu sốt đã mấy ngày rồi, mình ở nhà cho uống thuốc hạ sốt, nhưng cháu vẫn sốt cao nên đưa đi bệnh viện”. Các bác sĩ chẩn đoán con chị Hoa bị cảm cúm, viêm họng do thời tiết….

Từ đầu tháng 3 đến nay, Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu tiếp nhận khoảng 800 -1.000 ca bệnh/ngày. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các bệnh về hô hấp như: viêm phổi, viêm họng, sốt siêu vi… với khoảng gần 1.000 trường hợp mắc bệnh. Thời tiết nóng khiến các bệnh như: cao huyết áp, rối loạn tuần hoàn não cũng tăng nhiều hơn. Chỉ riêng trong tháng 3, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.000 người bị cao huyết áp, hơn 500 trường hợp bị rối loạn tuần hoàn não.

Sốt xuất huyết và TCM diễn biến phức tạp

Dù các tuyến y tế quận, huyện đã tiếp nhận các ca sốt xuất huyết, TCM, nhưng theo tâm lý, nhiều phụ huynh vẫn đưa con em mình đến bệnh viện lớn nhất khu vực để điều trị, dẫn đến việc một số cơ sở y tế quá tải. Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng có ngày tiếp nhận hơn 1.700 ca tới khám, tiếp nhận điều trị cho hơn 1.200 ca bệnh và số bệnh nhi chiếm hơn 1/2 tổng số ca bệnh.  

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi khuyến cáo: “Đối với trẻ em, thời điểm nắng nóng rất dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, phụ huynh không nên cho trẻ em chơi ngoài trời nắng, không quá lạm dụng vào máy điều hòa nhiệt độ và nên cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước”.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, số ca mắc bệnh SXH của thành phố đang ở mức cao. Đến ngày 31-3, Đà Nẵng ghi nhận 560 ca mắc bệnh này ở 52/56 phường, xã, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ có 23 ca mắc bệnh). Tuy chưa có bệnh nhân nào tử vong nhưng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng.

Bệnh TCM cũng đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại. Từ đầu năm 2013 tới nay, cứ một tuần lại phát sinh từ 80 - 100 ca mắc bệnh TCM mới. Tính đến ngày 31-3 có 544 ca bệnh TCM ở 54/56 xã, phường của thành phố. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, cho biết đã đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã tăng cường phối hợp với ngành y tế để tuyên truyền xuống tận từng hộ dân thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh, nhằm hạn chế phát bệnh trong thời điểm hiện nay.

PHƯƠNG TRÀ - SƠ MÂY
 

;
.
.
.
.
.