.

Tương lai nào cho bóng đá Việt Nam?

.

Nỗi buồn về thất bại thảm hại trước người Thái của lứa U-19 dưới quyền HLV Hoàng Anh Tuấn chưa nguôi, lại đến màn trình diễn nhạt nhòa của đội tuyển quốc gia trên sân Đài Loan càng làm giới chuyên môn lẫn không ít người hâm mộ trĩu nặng những ưu tư.

Cả ông Miura lẫn các cầu thủ đội tuyển Việt Nam chỉ là nạn nhân của cách làm từ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam. 	                    Ảnh: NGUYÊN HUY
Cả ông Miura lẫn các cầu thủ đội tuyển Việt Nam chỉ là nạn nhân của cách làm từ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN HUY

Lâu nay, tình trạng “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, như cách nhận xét của cựu HLV đội tuyển Việt Nam Calisto, chẳng hề được lưu tâm. Để xây dựng một nền bóng đá hùng mạnh thực sự - ít ra có thể chi phối trong khu vực như người Thái -  đòi hỏi cả quá trình gian nan và khoa học.

Đội tuyển Việt Nam từng trải qua rất nhiều đời HLV nước ngoài và dĩ nhiên, lối chơi cũng… đa phong cách. Chúng ta sử dụng cả người Đức, người Anh, Bồ Đào Nha cho đến người Áo, Brazil và gần đây nhất là Nhật Bản trong vị trí “thuyền trưởng”. Trong khi đó, với Thái Lan hay Nhật Bản - những đối thủ từng đánh bại Việt Nam trong thời gian gần đây - sự phát triển luôn theo một chiến lược dài hơi.

Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, ở Thái Lan, các CLB thuộc Thai-League đều đào tạo tuyến trẻ hoặc liên kết với một trung tâm đào tạo trẻ. Khi thành lập các đội tuyển trẻ quốc gia, Ban huấn luyện sẽ thống nhất hình thái chiến thuật và chỉ triệu tập những cầu thủ phù hợp, thay vì tập trung những cá nhân xuất sắc nhưng không đáp ứng yêu cầu chiến thuật. Ngoài số nòng cốt này, một số cầu thủ thuộc tuyến trẻ của các đội hạng nhất cũng được triệu tập, song không nhiều hơn 8 người.

Trên cơ sở 23-25 người, các cầu thủ sẽ được chính thức tập luyện và thi đấu cùng nhau. Bên cạnh đó, quá trình tìm kiếm những tài năng mới và đào thải những người không đáp ứng cũng được tiến hành song song. Nhờ đó, người Thái có được nền tảng rất vững chắc và việc họ thống trị khu vực Đông Nam Á là tất yếu.

Đã có những ý kiến cho rằng, lứa U-19 của các năm 2013, 2014 từng vượt qua người Thái nhưng ít người biết được, sau khi quá no nê danh hiệu khu vực, bóng đá Thái Lan bắt đầu hướng đến đấu trường châu lục. Đó là lý do trong những SEA Games hoặc AFF Cup gần đây, Indonesia, Malaysia hay Singapore… mới có cơ hội “làm mưa, làm gió”. Tuy nhiên, gần đây nhất, khi quay lại, họ đã thâu tóm toàn bộ các ngôi vô địch bóng đá (kể cả Futsal) tại SEA Games 28.

Ở cấp độ đội tuyển, chính vì bế tắc, VFF đã nháo nhào đòi học tập bóng đá Nhật để hầu như những gì liên quan đến bóng đá thì chúng ta đều không thoát khỏi cái bóng của người Nhật. Thực tế, bóng đá Nhật Bản được xây dựng và phát triển từ việc học tập và tiếp thu có chọn lọc bóng đá Brazil.

Cách đây gần 3 thập niên, rất nhiều cầu thủ Nhật Bản đã được “xuất khẩu” sang Brazil để học tập, thông qua việc thi đấu cho các CLB hạng thấp. Đồng thời, hàng loạt danh thủ Brazil cũng được mời sang khoác áo các CLB J-League. Trong đó, có cả những cái tên lẫy lừng như Zico, Bebeto, Dunga, Ze Roberto, Hulk hay Amoroso… từ những năm 1990.

Không những thế, một thời vẫn có những cầu thủ Brazil nhập tịch khoác áo đội tuyển Nhật Bản như Ruy Ramos (1990-1995), Wagner Lopes (1997-1999) hay Alessandro Santos (2002-2006). Sau đó, lần lượt Roberto Falcao (1994) rồi Zico (2002-2006) đảm trách vai trò HLV đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Ngay cả hiện nay, vẫn có khoảng 40 cầu thủ Brazil đang khoác áo các CLB J-League.

Chính cách làm này, đội tuyển Nhật Bản đã xây dựng được lối chơi và phong cách phù hợp với con người của xứ sở mặt trời mọc. Đây chính là bài học dành cho bóng đá Việt Nam, thay vì chúng ta vẫn mãi xây dựng và phát triển theo “tư duy nhiệm kỳ” hay chỉ vì… bế tắc!

Nếu không thay đổi cách làm, các đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi “ao làng”. Như thế, tương lai của bóng đá Việt Nam vẫn mãi là bất định!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.