U22 Việt Nam và nỗi lo bóng đá trẻ

.

Vẫn những hình ảnh “cầm tay, chỉ việc” của Ban huấn luyện dành cho các cầu thủ được lặp lại trong lần tập trung vừa qua của đội tuyển U22 Việt Nam. Chính điều đó đang dấy lên nỗi lo không chỉ về những khó khăn mà các cầu thủ chủ nhà SEA Games 31 (2021) có thể đối mặt, mà còn ở chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam.

Dù được đánh giá cao trong màu áo Than Quảng Ninh tại V-League 2020 nhưng Nguyễn Hai Long (áo xanh) vẫn chưa thể vươn đến tầm của một ngôi sao thực sự. Ảnh: ANH VŨ
Dù được đánh giá cao trong màu áo Than Quảng Ninh tại V-League 2020 nhưng Nguyễn Hai Long (áo xanh) vẫn chưa thể vươn đến tầm của một ngôi sao thực sự. Ảnh: ANH VŨ

Thực tế cho thấy, chất lượng con người, kỹ năng cùng tư duy chơi bóng của cầu thủ trẻ Việt Nam đang là vấn đề. Khi chứng kiến các buổi tập vừa qua của đội tuyển U22 Việt Nam, không ít chuyên gia phải thừa nhận, đa phần các cầu thủ bị hạn chế về ý thức chiến thuật, khả năng phối hợp chưa đạt yêu cầu và không ít trong số đó phải chỉnh sửa về kỹ thuật cơ bản. Ngay như nhóm thủ môn cũng được HLV Park Hang-seo đích thân thị phạm động tác đấm bóng đúng kỹ thuật, khả năng quan sát, cách trao đổi thông tin cùng đồng đội.

Không hẳn các cầu thủ trẻ Việt Nam yếu kém song do đa số các cầu thủ U22 Việt Nam đều nằm trong thành phần dự bị của các CLB, ít được thi đấu thường xuyên nên thiếu sự từng trải, kinh nghiệm thi đấu để tự tạo cho mình nền tảng vững chắc về kỹ thuật, tâm lý và bản lĩnh trong những trận đấu thực sự. Có lẽ vì thế mà hầu hết đều bị “choáng” trong những lần được tập trung.

So với những lứa đàn anh, đội tuyển U22 Việt Nam lần này không có nhiều nhân tố nổi trội, có thể tạo được đột biến từ những khoảnh khắc bùng nổ cá nhân. Dù được đánh giá cao và thường xuyên thi đấu ở môi trường V-League nhưng tiền vệ Nguyễn Hai Long của Than Quảng Ninh chỉ ở dạng “tiềm năng”.

Với những hạn chế thể hình lẫn thể lực, khả năng tranh chấp, kỹ thuật…, Nguyễn Hai Long không có nhiều khả năng tạo nên sự đột biến cần thiết ở những trận đấu quyết định hoặc những thời điểm quyết định. Chính HLV Park Hang-seo từng thừa nhận, việc các đối thủ từng bước khắc chế được lối chơi của các đội tuyển Việt Nam buộc ông phải có những điều chỉnh chiến thuật. Để thực hiện điều đó, yếu tố con người sẽ có giá trị quyết định cho việc thành công hay không khi HLV Park Hang-seo quyết định thay đổi lối chơi.

Từ khi đến Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã mang lại rất nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam bằng những danh hiệu cụ thể. Ngoài tài năng cầm quân, vị “thuyền trưởng” người Hàn Quốc cũng hưởng lợi không nhỏ từ hiệu quả đào tạo trẻ của các trung tâm, các địa phương giàu truyền thống. Dù vậy, sau những Quang Hải, Văn Hậu, Văn Toàn, Xuân Trường…, bóng đá trẻ Việt Nam vẫn chưa thể trình làng những gương mặt sáng giá, đủ sức thay thế lứa đàn anh.

Trong khi đó, những tài năng trẻ đang ở độ tuổi 18, 20 như Ikhsan Fandi (Singapore), Egy Maulana, Elkan Baggott (Indonesia), Safawi Rasid, Luqman Hakim (Malaysia), Ben Davis, Suphachai Jaided, Suphachok và Suphanat Manuenata (Thái Lan) đều đang khoác áo các CLB hạng Nhì Na Uy, hạng Ba Anh hoặc các giải Vô địch quốc gia Ba Lan, Bồ Đào Nha lẫn Ngoại hạng Anh. Chính điều này đang đặt ra một thử thách không nhỏ cho bóng đá Việt Nam; vì thế, đòi hỏi tất cả phải chung tay, thực hiện chiến lược đào tạo bài bản, khoa học, có sự đồng bộ nếu muốn tương lai bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.