Hiệu quả từ xã hội hóa thể thao

.

Thanh Khê là một trong hai đơn vị thể dục-thể thao (TDTT) của thành phố thực hiện rất tốt chủ trương xã hội hóa (XHH) suốt nhiều năm qua. Qua đó,  ngành TDTT quận bắt đầu có những thay đổi nhằm hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến tích cực hơn với phong trào TDTT trên địa bàn.

Với phương thức liên kết, cơ sở vật chất của ngành TDTT Thanh Khê đã được đầu tư, đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu của quần chúng. TRONG ẢNH: Một pha trong trận đấu tại giải Bóng đá Công an quận Thanh Khê lần thứ 7 (2018).
Với phương thức liên kết, cơ sở vật chất của ngành TDTT Thanh Khê đã được đầu tư, đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu của quần chúng. TRONG ẢNH: Một pha trong trận đấu tại giải Bóng đá Công an quận Thanh Khê lần thứ 7 (2018).

Những năm trước đây, các hoạt động TDTT của quận Thanh Khê dựa không ít vào nguồn lực xã hội, thông qua sự tài trợ của các doanh nghiệp (DN), đơn vị đóng trên địa bàn. Có những năm nguồn kinh phí vận động tài trợ lên đến 220 triệu đồng (như năm 2012).

Nhờ đó, các giải thể thao phong trào được duy trì thường xuyên và đạt chất lượng chuyên môn; tạo tiền đề để quận Thanh Khê luôn nằm trong số những đơn vị dẫn đầu thành phố về phong trào TDTT hằng năm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chia sẻ với những khó khăn mà các DN phải đối mặt nên quận Thanh Khê chủ động thay đổi phương thức hoạt động, song không để ảnh hưởng đến tiến trình XHH thể thao trên địa bàn. Trong năm 2017, ngành TDTT quận đã tổ chức thành công hơn 100 giải thể thao, từ cấp quận đến cấp phường cũng như một số giải của các ngành công an, giao thông vận tải...

Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VH-TT) quận Thanh Khê Vương Tuấn Kiệt cho biết: “Chúng tôi không để bị động khi các DN không thể tham gia tài trợ nên đã thực hiện giải pháp phối hợp cùng các đơn vị tổ chức một số giải cầu lông, tennis và đã thành công với phương châm:

Trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí, các đơn vị đóng góp 50% kinh phí. Bên cạnh đó, ngoài các thiết chế do Nhà nước đầu tư, chúng tôi cũng kêu gọi và nhận được sự hợp tác, liên kết của những cá nhân có điều kiện để xây dựng thêm một số cơ sở vật chất để đẩy mạnh việc XHH thể thao. Trong đó, nổi bật nhất là Nhà thi đấu bóng rổ vừa đưa vào hoạt động gần 1 năm nay”.

Anh Nguyễn Trường Minh, người đầu tư xây dựng nhà thi đấu bóng rổ và nay hình thành Trung tâm Đào tạo và phát triển bóng rổ Đà Nẵng (DBDC) không giấu được sự phấn chấn khi mong ước tạo được một sân chơi bài bản cho những người yêu bóng rổ Đà Nẵng thành hiện thực:

“Ngoài việc tạo sân chơi cho các VĐV không chuyên ở các trường đại học cũng như tổ chức thành công một số giải bóng rổ của thành phố, chúng tôi đã và đang hướng đến việc tổ chức đào tạo bóng rổ theo hướng chuyên nghiệp cho mọi đối tượng, từ học sinh lớp 1 đến sinh viên đại học. Đặc biệt, vận dụng và đưa huấn luyện bóng rổ trẻ Mỹ vào thực tiễn để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển trong tương lai của các học viên”.

Bên cạnh đó, cụm sân bóng đá mini cũng được phát huy khá tốt khi các VĐV phong trào có thêm điều kiện luyện tập, thi đấu, rèn luyện thân thể và góp phần phát triển phong trào TDTT trên địa bàn. Mới đây nhất, giải Bóng đá mini Công an quận Thanh Khê được tổ chức rất sôi nổi, thu hút sự tham gia của toàn bộ đơn vị thuộc lực lượng Công an quận.

Với cách làm năng động và sáng tạo, ngành TDTT Thanh Khê đã phần nào tìm được lời giải cho “bài toán” XHH thể thao khi hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn tài trợ từ các DN. Không những thế, với phương thức liên kết, hợp tác cùng các đối tác, ngành TDTT Thanh Khê đã xây dựng được cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu của quần chúng và phục vụ tốt cho các đội tuyển thể thao của quận; qua đó, đưa thể thao quận nhà tương xứng với vị thế của một trong những “lá cờ đầu” của thể thao Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.
.