Lê Huỳnh Đức "không nhiều người biết"

.

Không hiểu và ít gần gũi, rất dễ nhận thấy ở Lê Huỳnh Đức, một con người khó gần! Có lẽ vì thế mà cả trong cuộc sống đời thường lẫn sự nghiệp sân cỏ của Lê Huỳnh Đức, luôn có những tranh cãi không hồi kết.

Có lẽ, với cách sống khép kín, Lê Huỳnh Đức hiếm hoi nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Phải gần gũi, tin tưởng lắm ở người đối diện, anh mới giãi bày được những uẩn khúc của một thời quá khứ. Nhờ đó, có thể hiểu được, chính một cuộc đấu đá nội bộ biến Đức thành “thủ lĩnh” nhóm “quyền lực đen” và đẩy anh ra khỏi đời sống bóng đá TP. Hồ Chí Minh lúc ấy. Đến Đà Nẵng, anh lại vướng vào nghi vấn chấn thương do ẩu đả, hồi cuối tháng 6-2003 (?). Cười buồn khi nhớ lại một quá khứ đầy sóng gió, Đức như nói với chính mình: “Giải thưởng của TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng mà tôi được trao, chính là sự ghi nhận về những cống hiến của tôi cho TP. Hồ Chí Minh…”.

Trở lại TP. Hồ Chí Minh trong màu áo CLB Bóng đá Đà Nẵng để tranh Cúp Vô địch giải Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006) với Đồng Tháp, anh phải đối mặt với không ít sự dè bỉu từ trên khán đài, dù một thời, anh từng là “đứa con cưng” của bóng đá TP. Hồ Chí Minh. Dường như, với Lê Huỳnh Đức, những thể hiện trên sân bóng chính là cách đáp trả đúng mức nhất cho mọi lời chỉ trích, chê bai. Với nỗ lực tận cùng của một chân sút qua thời đỉnh cao, anh đã góp phần mang về cho quê hương thứ hai của mình chiến thắng chung cuộc. Để sau khi cùng đồng đội hân hoan với chiếc Cúp hiếm hoi còn thiếu trong bộ sưu tập của mình, Đức giã từ sự nghiệp thi đấu vào ngày 23-9.

Chỉ hơn 1 năm đóng vai trò trợ lý, anh được tiếp quản chiếc ghế “thuyền trưởng” từ người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng từ V-League 2008! Như định mệnh, anh lại phải gánh chịu áp lực nặng nề bởi dư luận. Một lần hiếm hoi, không kìm nén được cảm xúc, Đức bộc bạch: “Là HLV trưởng, chẳng ai không muốn đội có thành tích nên chẳng lý do gì, tôi lại “trù” cháu lẫn học trò cũ của anh Phan Thanh Hùng…”. Rõ ràng, đã có những đánh giá thiếu công tâm nếu biết rằng, bằng uy tín của mình, chính anh đã giới thiệu cho Phan Thanh Phúc tìm được “bến đỗ” mới, sau khi chia tay SHB Đà Nẵng. Cũng chính Lê Huỳnh Đức không ít lần đứng ra dàn xếp những rắc rối đời thường của một cầu thủ “lắm tài, nhiều tật” như Phan Thanh Hưng. Có lần tâm sự, vì bảo bọc cho học trò, thậm chí anh còn bị nhà tài trợ trách cứ bởi sự yêu chiều với tiền vệ này. Gần đây nhất, với quan hệ của mình, Lê Huỳnh Đức tiếp tục gửi gắm một cầu thủ trẻ đến một CLB chuyên nghiệp khác, nhằm giúp học trò tránh xa những mối quan hệ xã hội phức tạp và cũng để giúp cầu thủ này tìm lại khả năng chơi bóng của mình.

Không đại ngôn, chẳng nhiều lời, Đức âm thầm làm những gì cần làm. Cũng như khi còn thi đấu, anh biết chứng minh năng lực huấn luyện của mình với 2 danh hiệu vô địch V-League (2009, 2012), 1 Cúp Quốc gia (2009), 1 Siêu Cúp Quốc gia (2012) cùng CLB SHB Đà Nẵng, đủ để xóa tan mọi ngờ vực. Đáng tiếc, trong 5 mùa giải gần đây nhất, do nhiều yếu tố khách quan, kết quả không như mong muốn và khá nhiều lần, sau mỗi trận đấu, anh chẳng giấu được sự mệt mỏi bởi áp lực thành tích với một đội bóng nhiều khát vọng như SHB Đà Nẵng. Và dù từng thừa nhận, “Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai” nhưng anh cũng dũng cảm chọn “điểm dừng” khi chấp nhận một kết thúc với SHB Đà Nẵng. Song khác với cuộc chia tay lần trước, dù không vui nhưng hẳn Lê Huỳnh Đức vẫn cảm thấy ấm lòng khi tình cảm mà người hâm mộ, các học trò dành cho anh vẫn đầy ắp, bởi những cống hiến trọn vẹn của anh cho bóng đá sông Hàn…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.