.

Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng

.

Chiều 14-12, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (gọi tắt là Ban quản lý dự án) đã chính thức bàn giao công trình sân vận động Hòa Xuân cho Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) thành phố để kịp đưa vào sử dụng khi mùa giải V-League 2017 sắp được khởi tranh. Theo lịch thi đấu dự kiến V-League 2017, trận đấu CLB SHB Đà Nẵng - CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong ngày khai mạc giải (8-1-2017) sẽ là trận đấu khai sân Hòa Xuân.

Sân vận động Hòa Xuân khang trang và hiện đại.
Sân vận động Hòa Xuân khang trang và hiện đại.

Theo ông Nguyễn Hữu Hinh - Giám đốc Ban quản lý dự án, gói thầu xây lắp 4 khán đài A, B, C, D, sân bóng và hệ thống kỹ thuật chung quanh do Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng (DCID) thi công, với giá trị hơn 300 tỷ đồng; gói thầu hệ thống điện chiếu sáng sân bóng đá do Công ty TNHH Thể thao Thanh Lâm thi công, với giá trị gần 13 tỷ đồng. Khởi công từ ngày 21-2-2013, ngày 30-8-2016, công trình đã chính thức hoàn thành; sau đó, Sở Xây dựng kiểm tra và đồng ý cho tổ chức nghiệm thu, đưa vào khai thác và sử dụng.

Ở lượt trận đầu tiên của V-League 2017, sân Hòa Xuân đã có thể phục vụ trận đấu SHB Đà Nẵng - HAGL theo đúng lịch trình vào ngày 8-1. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hinh, một số hạng mục cần đẩy nhanh tiến độ để kịp đáp ứng yêu cầu tổ chức như lắp đặt hệ thống ghế ngồi khán đài A và B, trong đó tập trung đầu tư mới 140 ghế ngồi super VIP (có bàn) tại trung tâm khán đài A; lắp đặt hệ thống rào chống bạo động cũng như hàng rào ngăn cách các khu khán đài B, C, D; hệ thống biển báo, chỉ dẫn và bảng tên các phòng chức năng; bảng điện tử báo giờ, thông tin và tỷ số trận đấu; âm thanh trên sân cùng nguồn điện dự phòng...

Giám đốc DCID Trần Phước Tuấn cho biết, công ty này đã trúng thầu thực hiện một số hạng mục và nỗ lực để hoàn thành các hạng mục đúng thời hạn, cũng như đúng theo hồ sơ thiết kế. Để sớm tiếp nhận, Trung tâm TDTT (Sở VH-TT thành phố) cần bố trí nhân sự nhận bàn giao thiết bị, đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, DCID sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ cần thiết trong thời gian đầu để Trung tâm TDTT có thể vận hành tốt các thiết bị.

Trong quá trình triển khai các xây dựng các hạng mục, dù có những thay đổi, bổ sung so với thiết kế ban đầu nhưng với sự giúp đỡ của chủ đầu tư là Sở VH-TT, sự giám sát và chỉ đạo kịp thời của Ban Quản lý Dự án, DCID cũng đã vượt qua những khó khăn phát sinh để bảo đảm tiến độ lẫn chất lượng công trình. Được biết, với những hạng mục do DCID thi công, công ty sẽ bảo đảm việc bảo hành và khắc phục sự cố nếu có trong vòng 12 tháng.

Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Văn Hùng xác định: Về cơ bản, dù sân vận động Hòa Xuân đã hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng nhưng một số chi tiết như đường piste khán đài A sẽ được thi công, sau khi hoàn chỉnh việc lắp đặt giàn mái khán đài A, nhưng khi các yếu tố về xây dựng cơ bản và phòng cháy - chữa cháy được bảo đảm thì việc tổ chức các trận bóng đá tại đây cũng không có nhiều lo lắng. Với tên gọi của sân, theo ông Hùng, vẫn phải chờ ý kiến của HĐND thành phố nên trước mắt tạm gọi đây là sân vận động Hòa Xuân.

Theo thiết kế, khán đài A cao 5 tầng, các khán đài B, C, D cao 1 tầng. Phía dưới khán đài bố trí các khu giải khát, phòng chức năng, nhà vệ sinh. Mặt sân sẽ được trồng cỏ Princess 77, bermuda dạng hạt Mỹ, hệ thống thoát nước ngầm dạng xương cá, lắp đặt hệ thống nước tưới mặt sân tự động,… Đặc biệt, sân vận động Hòa Xuân với 20.000 chỗ ngồi, không có đường piste và là sân thứ hai ở Việt Nam  - sau sân Pleiku, Gia Lai - chỉ dùng để tổ chức các trận bóng đá.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.