.

Khoảng trống sau Hoàng Quý Phước

.

Sau 5 ngày thi đấu (từ ngày 27-3 đến 31-3), giải bơi trong khuôn khổ giải bơi - lặn vô địch quốc gia 2015 (bể 25 mét) tại Trung tâm Thể thao dưới nước Thừa Thiên-Huế đã kết thúc.

Thiếu vắng Hoàng Quý Phước, do “kình ngư” này đi tập huấn tại Nhật Bản, bơi lội Đà Nẵng đã thất bại nặng tại giải vô địch quốc gia (bể 25 mét).
Thiếu vắng Hoàng Quý Phước, do “kình ngư” này đi tập huấn tại Nhật Bản, bơi lội Đà Nẵng đã thất bại nặng tại giải vô địch quốc gia (bể 25 mét).

Với thành tích 25 HCV, 14 HCB, 8 HCĐ, các “kình ngư” thành phố Hồ Chí Minh khẳng định ưu thế tuyệt đối để giành ngôi thứ nhất toàn đoàn; bỏ xa các đoàn xếp kế tiếp là Long An (6 HCV, 5 HCB, 10 HCĐ), Quảng Ninh (3 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ).

Trong khi đó, do thiếu vắng Hoàng Quý Phước, đoàn Đà Nẵng chỉ xếp cuối trong số 12 đơn vị giành được huy chương, với vỏn vẹn 1 HCĐ ở nội dung tiếp sức 800 mét tự do nam. Đây là kết quả đáng thất vọng bởi cũng tại giải đấu này năm ngoái, các VĐV Đà Nẵng đã xuất sắc chiếm ngôi thứ nhất toàn đoàn với 15 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ; vượt qua đoàn xếp thứ nhì là thành phố Hồ Chí Minh (13 HCV, 1 HCB, 5 HCĐ).

Dù thất vọng nhưng không quá bất ngờ nếu biết rằng, trong những năm qua, thành công của bơi lội Đà Nẵng đều gắn với cái tên của “dị nhân sông Hàn” Hoàng Quý Phước. Ở giải đấu này năm ngoái, Hoàng Quý Phước để lại dấu ấn rất lớn trong toàn bộ số HCV của đoàn Đà Nẵng với 11 HCV cá nhân và 4 HCV tiếp sức. Thành tích hạng ba toàn đoàn với 8 HCV, 2 HCB của bơi lội Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) cũng không thể tách rời tên tuổi của “kình ngư” này. Không ngoa ngôn để nói rằng, Hoàng Quý Phước không chỉ là “mỏ vàng” của bơi lội mà còn của thể thao Đà Nẵng.

Từ lâu, có rất nhiều ý kiến lo ngại về những khoảng trống phía sau Hoàng Quý Phước khi nhiều năm qua, bơi lội Đà Nẵng vẫn chưa tìm được những gương mặt kế cận. Hẳn nhiên chẳng ai phủ nhận quá nhiều khó khăn của thể thao Đà Nẵng nói chung cũng như bơi lội Đà Nẵng nói riêng, nhưng vẫn phải đòi hỏi nỗ lực tự thân của ngành TDTT để tìm kiếm, đào tạo nhân tố mới. Không những thế, vẫn có những biện minh về hàng loạt khó khăn, trở ngại để xem đó là nguyên nhân chính yếu cho không ít hạn chế trong công tác huấn luyện, đào tạo.

Và không chỉ bơi lội, thể thao Đà Nẵng nói chung cũng đang trong tình trạng tương tự.

Sau khi những Ngọc Ly, Nhật Thanh, Khắc Huy (điền kinh), Trần Văn Ninh (cờ tướng), Hoàng Nam Thắng (cờ vua)… giã từ thi đấu, thể thao Đà Nẵng phải tìm kiếm thành tích từ những Thanh Phúc - Thành Ngưng (điền kinh), Quý Phước (bơi lội); đồng thời vẫn phải hy vọng vào sự may mắn của một vài gương mặt ở một số nội dung võ thuật.

Cũng không phủ nhận những nỗ lực rất lớn của ngành TDTT và Trung tâm Huấn luyện - đào tạo VĐV khi cử tạ Đà Nẵng đang là một thế lực đáng kể trên sàn đấu quốc gia. Thế nhưng, chừng đó vẫn quá ít với một Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa - thể thao của khu vực.

Nhìn ra những đối thủ của bơi lội Đà Nẵng như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, hay Quân đội, hẳn những người có trách nhiệm của thể thao Đà Nẵng lo lắng. Nếu thành phố Hồ Chí Minh có lực lượng VĐV nữ khá hùng hậu như: Kim Tuyến, Tâm Nguyện, Phương Trâm (chỉ mới 14 tuổi) và những “kình ngư” nam còn rất trẻ như Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (đều mới 18 tuổi) hay Quảng Ninh có đội hình nữ rất đồng đều, thì bơi lội Đà Nẵng chỉ có mỗi Hoàng Quý Phước, đủ sức tranh đua ngôi vị cao nhất cùng các đối thủ.

Đã đến lúc thể thao Đà Nẵng nói chung và bơi lội Đà Nẵng nói riêng cần nhanh chóng có những giải pháp phù hợp, nếu không muốn thành tích của đoàn thể thao Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018) trở thành một bước lùi.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.