.

Ngày đầu lắp đặt đầu thu truyền hình số: Người dân mãn nguyện

.

ĐNĐT - Sáng nay (25-9), Đà Nẵng bắt đầu triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo và cận nghèo đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Chứng kiến nhân viên kỹ thuật đem đầu thu đến lắp đặt và hướng dẫn cách sử dụng nhiệt tình, nhiều người dân nghèo cảm thấy mãn nguyện trước chủ trương kịp thời và đúng đắn của thành phố.

Nhân viên kỹ thuật hướng dẫn người dân cách sử dụng đầu thu truyền hình số.
Nhân viên kỹ thuật hướng dẫn người dân cách sử dụng đầu thu truyền hình số.

Niềm vui đong đầy

Cái nắng những ngày cuối tháng 9 không làm nản lòng sự háo hức và đợi chờ của người dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Nghe UBND xã thông báo sẽ có đoàn của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng đơn vị trúng thầu đến lắp đặt đầu thu truyền hình số, nhiều người dân đang đi làm ngoài đồng cũng chạy về để kịp có mặt ở nhà.

“Sáng nay mới nghe UBND xã gọi điện nên tôi đang đi làm cũng chạy về cho kịp để hướng dẫn bà con chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho nhân viên đến lắp đặt thuận tiện. Dù thông báo của xã có hơi cập rập nhưng từ vài ngày trước, người dân ở thôn đã chuẩn bị những cọc tre dài để lắp đặt ăng-ten rồi”, ông Nguyễn Hạnh, Trưởng thôn Túy Loan Đông 1 vui mừng nói.

Theo Sở TT&TT, ngoài 2 đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo được nhận đầu thu theo tiêu chuẩn của Trung ương, Đà Nẵng còn hỗ trợ thêm một vài trường hợp theo tiêu chuẩn riêng của thành phố, đó là hộ đặc biệt khó khăn, hộ mất sức lao động, gia đình chính sách…

Hòa Phong là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang được triển khai lắp đặt truyền hình số hóa mặt đất với 172 hộ nghèo nhận thiết bị đầu thu. Để chuẩn bị cho cuộc “ra quân” này, từ vài ngày trước, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức lớp tập huấn cho các trưởng thôn nắm bắt các bước kỹ thuật cơ bản cũng như thông báo chủ trương truyền hình số hóa mặt đất của thành phố cho các hộ dân trong thôn.

“Nhiều hộ dân trên địa bàn xã có mức thu nhập rất thấp nên việc mua đầu thu kỹ thuật số với họ còn rất khó khăn. Vì vậy, theo tôi, đây thực sự là chủ trương nhân đạo của thành phố, giúp những hộ dân nghèo có đầu thu xem các kênh truyền hình của địa phương cũng như Trung ương, nắm bắt kịp thời chủ trương và chính sách của Nhà nước”, ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết.

Theo ông Nhân, 172 hộ nghèo nhận đầu thu truyền hình số hóa mặt đất đã được xã khảo sát về điều kiện kinh tế, mức thu nhập rất kỹ từ vài tháng trước, sau đó gửi danh sách lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện để duyệt nhằm tạo sự công bằng cho những người dân khác.

Theo chân đoàn lắp đặt số hóa truyền hình, chúng tôi tìm về nhà các hộ dân nghèo ở thôn Dương Lâm 1. Bà Lê Thị Cuốc (71 tuổi) đón chúng tôi ngay từ đầu ngõ trong sự vui mừng khôn xiết. Chồng mất cách đây hơn 1 năm, tuổi già sức yếu, bản thân bà Cuốc không thể lao động để tạo thu nhập, vì vậy việc mua đầu thu số chỉ vài trăm nghìn đồng đối với bà cũng là số tiền lớn.

“Sợ ngày tới, thành phố cắt hết mấy kênh truyền hình, dì không còn xem ti vi nữa nên thấy mấy cô chú về đây, dì mừng quá. Già rồi làm chi ra tiền nữa mà mua đầu thu nên được Nhà nước cấp cho, bản thân dì rất cảm ơn chủ trương đúng đắn của thành phố”, bà Cuốc cười tươi. Sau khi được hỗ trợ đầu thu, mong muốn lớn nhất của các hộ dân nghèo ở thôn Dương Lâm 1 nói riêng, xã Hòa Phong nói chung là thành phố làm sao đảm bảo được độ truyền sóng từ các trạm thu để người dân xem truyền hình chất lượng và rõ nét hơn.

Sớm lắp đặt trạm bù sóng

Theo Sở TT&TT, dự kiến đến ngày 5-10 sẽ hoàn thành toàn bộ công việc hỗ trợ đầu thu số cho người nghèo trên địa bàn thành phố.

UBND xã Hòa Phong kiểm tra chất lượng từng bộ đầu thu truyền hình số.
UBND xã Hòa Phong kiểm tra chất lượng từng bộ đầu thu truyền hình số.

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho hay, UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu mua sắm 5.788 đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn riêng của Đà Nẵng.

Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên doanh Công ty TNHH TM T.C và Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam. Đơn vị trúng thầu được chọn do có mức giá thấp nhất, chỉ với 445.000 đồng/bộ đầu thu bao gồm cả ăng-ten và phụ kiện lắp đặt.

“Nếu bán ra thị trường thì đầu thu hỗ trợ cho các hộ nghèo do đơn vị lắp đặt có giá từ 650.000-700.000 đồng/bộ. Ngoài mức giá thấp nhất, sản phẩm đầu thu của đơn vị còn đảm bảo hợp quy theo tiêu chuẩn của Bộ TT&TT. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ lắp đặt cho từng hộ dân cũng như đảm bảo về chất lượng sản phẩm”, ông Lê Viết Khoa, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH TM T.C tại Đà Nẵng cam kết.

Theo ông Khoa, bộ đầu thu được hỗ trợ cho người dân nghèo lần này sẽ nối sóng được 39 kênh truyền hình địa phương và Trung ương cùng 2 kênh radio là VOV1 và VOV3, giúp người dân theo dõi mọi thông tin thời sự, các chương trình giải trí cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hiện Trung tâm Truyền dẫn phát sóng thuộc VTV đã triển khai lắp đặt trạm phát lại sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. Trạm phát lại bao gồm 1 máy phát và thiết bị phụ trợ kích thước 6U đặt chung tại phòng máy phát lại truyền hình DRT, hệ thống ăng-ten thu, phát trọng lượng khoảng 40kg, độ dài 1,1m đặt trên độ cao 30m của cột ăng-ten trạm phát lại truyền hình DRT.

Riêng trạm phát lại của VinaPhone tại thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang vẫn chưa được lắp đặt do sự cố về kỹ thuật. Trong khi đó, theo kế hoạch, chỉ còn 5 ngày nữa, đến ngày 30-9 sẽ ngắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog quảng bá trên địa bàn Đà Nẵng.

“Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình thành phố đang thúc đẩy đơn vị nhanh chóng lắp đặt trạm bù sóng tại xã Hòa Sơn để người dân được sử dụng truyền hình số theo đúng kế hoạch”, ông Đinh Viết Châu Quang, Phó Trưởng phòng Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT cho biết.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.