.

Giảng viên làm mô hình 3D cơ thể người

.

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, nhóm giảng viên Trường Đại học (ĐH) Duy Tân Đà Nẵng đã hoàn thành công trình mô phỏng thực tại ảo 3D về cấu tạo cơ thể người, mở ra cơ hội thuận lợi hơn trong học tập, nghiên cứu cho sinh viên (SV) ngành y. Công trình này xuất sắc vượt qua gần 300 bài dự thi để đoạt giải nhất trị giá 100 triệu đồng của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Sinh viên thích thú với mô hình cơ thể người 3D của nhóm giảng viên Trường Đại học Duy Tân.
Sinh viên thích thú với mô hình cơ thể người 3D của nhóm giảng viên Trường Đại học Duy Tân.

Đến nhiều trường ĐH, cao đẳng có đào tạo khối ngành Y dược, anh Lê Văn Chung, Trưởng Trung tâm Trực quan và mô phỏng thuộc Trường ĐH Duy Tân nhận thấy không chỉ ở trường mình mà các cơ sở khác đều cực kỳ hiếm xác hiến phục vụ giảng dạy.

Đặc biệt, môn Giải phẫu là môn cơ bản và quan trọng nhất mà tất cả các ngành Y đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Chẩn đoán hình ảnh đều đòi hỏi phải học trực tiếp trên xác người nhưng SV đa phần không được đáp ứng do nguồn xác hiến ít. Bởi vậy, SV chủ yếu học trên mô hình, tranh, tiêu bản (bộ phận cơ thể người được ngâm formol) và hình ảnh 2D hoặc dùng các phần mềm... lậu của nước ngoài. Điều này khiến SV rất khó nắm được chi tiết giải phẫu thực tế, đặt biệt là các hệ cơ, thần kinh và tiêu hóa.

Ở trường ĐH khó khăn là vậy, tại các trường phổ thông, việc có được mô hình, dụng cụ về cơ thể người lại càng hiếm. Trước thực tế đó, anh Chung trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường về việc làm mô hình cơ thể người bằng công nghệ 3D thực tại ảo và được hưởng ứng ngay. Theo anh Chung, công nghệ 3D thực tại ảo không còn quá xa vời mà đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống như: các trò chơi mô phỏng, nhập vai trong ngành giải trí; các mô phỏng trận đánh của quân đội trong ngành kỹ thuật quân sự hay tại các bảo tàng chiến tranh được số hóa 3D...

Trong khi đó, anh Lê Văn Chung nhận thấy, y học là lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng chưa thật sự được quan tâm và đầu tư đúng mức về công nghệ này. “Công nghệ 3D thực tại ảo sẽ là giải pháp tối ưu giải quyết bài toán thiếu xác hiến. Chúng tôi tạo ra cơ thể ảo hoàn chỉnh có những chi tiết hoàn toàn giống người thật với tỷ lệ chính xác có thể in 3D thành các bộ phận thay thế được.

Sản phẩm 3D thực tại ảo giúp hỗ trợ SV học môn Giải phẫu tương tác trực quan và bóc tách chi tiết trên cơ thể ảo; qua đó người học hình dung, quan sát các chi tiết một cách đầy đủ và đúng đắn, các mốc giải phẫu được tùy biến, các nghiên cứu tình huống được thiết kế phù hợp với bài giảng của giảng viên”, anh Chung cho biết. Mô hình cơ thể ảo còn có thể được sử dụng để luyện nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Để có được mô hình hoàn chỉnh như hiện nay, ròng rã hơn 3 năm, tuần nào nhóm 6 người của anh Chung cũng có mặt ở TP. Huế để được các thầy thuốc thuộc Trường ĐH Y dược Huế chỉnh sửa từng chi tiết. Có lúc, khó khăn tưởng chừng khiến cả nhóm không thể đi đến cuối hành trình, thậm chí có người đồng hành đã bỏ cuộc, nhưng cuối cùng, sản phẩm cũng được hoàn thiện.

Thầy Bùi Thanh Bình, giảng viên khoa Y Trường ĐH Duy Tân cho biết, mặc dù mới đưa mô hình vào giảng dạy nhưng SV tỏ ra khá hứng thú. “Các thao tác chúng tôi thực hiện trên mô hình này đều giống y như trên người thật. Đặc biệt, giảng về một chi tiết riêng biệt hay đặt trong tổng thể một vùng khi giải phẫu đều có thể áp dụng được. Dạy bằng mô hình 3D rất dễ hiểu. Chẳng hạn, đối với hệ thần kinh, mạch máu, nếu học trên tranh vẽ hoặc mô hình khác, SV khó có thể hình dung được, còn nếu học trên 3D, SV có thể biết dây thần kinh này bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu”, thầy Bình nói.

Trên thế giới đã có những mô hình như thế này nhưng ngôn ngữ bằng tiếng Anh và chi tiết là cơ thể người phương Tây. Không chỉ giá thành khá đắt đỏ mà người dùng còn không thể tùy biến nếu sở hữu nó. Còn mô hình “made in Duy Tân” này có thể tạo ra những lát cắt để SV thấy được nhiều hơn và xây dựng được các tình huống bệnh trực quan hơn. Đặc biệt, có những loại bệnh hầu như chỉ gặp ở Việt Nam thì việc nghiên cứu chữa trị trên cơ thể người Việt là vấn đề quan trọng.

SV có thể cài đặt mô hình này trên máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng để học nhiều lần và học mọi lúc mọi nơi. Hoặc nếu ở trường, SV có thể học trong phòng chiếu 3D với thiết bị tương tác. Anh Lê Văn Chung cho biết, mô hình này là tiền đề để nhóm tiến hành nghiên cứu mổ nội soi tích hợp với các thiết bị khác (SV có thể ngồi trước máy tính và sử dụng cần đa năng để mổ cơ thể người 3D y như thật).

“Mục đích lớn nhất của chúng tôi là có thể chuyển giao mô hình cho các cơ sở đào tạo nhằm góp phần phục vụ việc học tập, chữa bệnh được tốt hơn”,  anh Lê Văn Chung nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.