.

Công nghệ mới giúp nước thải đầu ra đạt chuẩn

.

Việc sử dụng vật liệu PVA gel  cố định vi sinh vật, công nghệ xử lý nước thải do Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ đã giúp Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) xử lý nước thải đầu ra cơ bản đạt yêu cầu. Ngoài ra, hiệu suất xử lý cao, công đoạn lắp đặt, vận hành đơn giản giúp giảm thiểu tác động đến môi trường chung của khu công nghiệp.

Ông Vũ Tú Nam, Phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty Đồ hộp Hạ Long, kiểm tra hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Nhật Bản.
Ông Vũ Tú Nam, Phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty Đồ hộp Hạ Long, kiểm tra hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Nhật Bản.

Năm 2014, Công ty Kanso Technos (Nhật Bản) phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), Trung tâm Công nghệ môi trường tại Đà Nẵng (thuộc Viện Công nghệ - Môi trường) khảo sát hoạt động sản xuất, công nghệ xử lý nước thải (XLNT) của các nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Kanso đã được Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ kinh phí thực hiện dự án “Cải thiện chất lượng nước thải sau xử lý và cải tiến phương pháp vận hành trạm XLNT của các nhà máy chế biến thủy sản Việt Nam”.

Năm 2015, trên cơ sở nghiên cứu sự phù hợp của công nghệ XLNT chế biến thủy sản sử dụng vật liệu PVA gel cố định vi sinh vật, Kanso đã phối hợp với Sở KHCN Đà Nẵng chọn Công ty Đồ hộp Hạ Long thực hiện thí điểm. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, các chuyên gia nhận định, nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn, các tính năng xử lý chất thải cơ bản đạt yêu cầu.

Theo thiết kế, nước thải từ quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy Đồ hộp Hạ Long được xử lý với công suất 2-4m3/ngày. Mô hình XLNT này cơ bản giống với mô hình XLNT thông thường tại các nhà máy, song có sử dụng thêm chất hỗ trợ cố định sinh vật PVA gel. Đại diện Công ty Kanso Technos cho biết, PVA gel là công nghệ tiên tiến có thể áp dụng cho tất cả các nhà máy chế biến thủy sản không chỉ ở Đà Nẵng mà ở cả Việt Nam. Ưu điểm của công nghệ PVA gel là tăng hiệu quả xử lý chất hữu cơ, xử lý bùn nhanh, giảm đáng kể lượng bùn dư. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể tách rắn - lỏng giúp nước thải khi thải ra môi trường trong hơn. Vì vậy, việc đưa công nghệ PVA gel vào XLNT tại các nhà máy chế biến thủy sản sẽ giúp cải thiện và nâng cấp hệ thống XLNT hiện có của các nhà máy.

Ông Vũ Tú Nam, Phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty Đồ hộp Hạ Long cho biết thêm, lượng nước thải đạt yêu cầu, nồng độ BOD và COD đã giảm rất nhiều, chỉ còn 50-60mg/l. Đặc biệt, lượng bùn dư sinh ra ít hơn, nước thải đã qua xử lý không còn mùi hôi. Phía Nhật Bản đang triển khai giai đoạn tiếp theo là khử ni-tơ trong nước thải để bảo đảm có thể thải ra môi trường.

KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng có khoảng 15 doanh nghiệp đang hoạt động, hằng ngày thải ra lượng lớn nước thải và phụ phẩm chế biến. Mặc dù các công ty đã xây dựng hệ thống XLNT tại nhà máy trước khi đưa vào trạm XLNT tập trung nhưng do công nghệ kém nên nước thải sau xử lý có nồng độ ô nhiễm vẫn cao, trong khi trạm XLNT tập trung đang quá tải, dẫn đến một vài doanh nghiệp phải sản xuất hạn chế hoặc xả lén ra môi trường, gây ô nhiễm. Vì vậy, Sở KHCN hy vọng việc thử nghiệm thành công công nghệ XLNT tại Công ty Đồ hộp Hạ Long sẽ được các doanh nghiệp hưởng ứng, mạnh dạn đầu tư góp phần giảm thiểu ô nhiễm tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp đang lo ngại là kinh phí. Theo tính toán sơ bộ, tùy từng nhà máy, để có mức kinh phí phù hợp cho đầu tư hệ thống XLNT theo công nghệ PVA gel, các doanh nghiệp phải chi từ 3-7 tỷ đồng/hệ thống, trong lúc sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp thấy ưu điểm của công nghệ PVA gel nhưng chi phí đầu tư cao nên chưa có khả năng tiếp cận. Công ty Đồ hộp Hạ Long tuy đã được ưu đãi nhưng cũng phải tốn khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư hệ thống xử lý bằng công nghệ PVA gel. Đại diện nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường bằng công nghệ PVA gel.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.