.

Thầy giáo sáng tạo "đôi mắt" hỗ trợ học sinh khiếm thị

.

Thầy Nguyễn Duy Quy, giáo viên Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu - TP Đà Nẵng đã nghiên cứu thành công “Gậy thông minh” được xem là “đôi mắt” cho học sinh khiếm thị.

Yêu thương, giúp đỡ các em học sinh khiếm thị là niềm vui lớn nhất đối với thầy Nguyễn Duy Quy.
Yêu thương, giúp đỡ các em học sinh khiếm thị là niềm vui lớn nhất đối với thầy Nguyễn Duy Quy.

Thầy Nguyễn Duy Quy cho biết: “16 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ dạy học tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Đối với các em học sinh khiếm thị, việc đi lại hết sức khó khăn và nguy hiểm. Hằng ngày, chứng kiến cảnh các em học sinh khiếm thị nối tay nhau dò dẫm từng bước đi trên đường khiến tôi không khỏi trăn trở, xót xa”.

Một lần đang ngồi uống cà-phê tại một quán cóc ven đường, thầy Quy bắt gặp hình ảnh một phụ nữ bị mù đi bán chổi đang loay hoay tìm cách qua đường trong khi xe cộ qua lại nườm nượp. Chứng kiến cảnh tượng này, cùng với hình ảnh các em học sinh khiếm thị của mình, thầy Quy nung nấu quyết tâm phải làm một cái gì đó để thay đổi cuộc sống “tối tăm” của họ.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, thầy chợt nảy ra ý tưởng biến cây gậy của các em học sinh khiếm thị thành “đôi mắt” dẫn đường. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thầy phải đối mặt với nhiều khó khăn do thầy xuất thân là giáo viên dạy toán, không am hiểu nhiều về lĩnh vực công nghệ, vi mạch.

Thầy Quy cho biết: “Để thực hiện gậy thông minh, tôi phải nhờ sự tư vấn của những người am hiểu lĩnh vực vi mạch. Mặt khác, tôi phải tự tìm kiếm các vật dụng chế tác gậy. Tôi không ít lần gặt thất bại bởi gậy làm ra không đáp ứng đầy đủ tính năng như ý tưởng ban đầu hoặc tiêu thụ quá nhiều năng lượng…”.

Thử nghiệm rồi cải tiến, suốt 2 năm trời miệt mài chế tác, chiếc gậy thông mình mới được hoàn thành. Thầy Quy cho biết: “Gậy thông minh này nhìn bề ngoài như một chiếc gậy thông thường. Nhưng trên thân gậy được lắp một hệ thống đèn LED, một hệ thống loa báo hiệu. Mỗi khi qua đường, người khiếm thị chỉ cần bật công tắc lập tức hệ thống đèn phát sáng, loa phát ra tiếng còi báo hiệu liên tục để người đi đường nhận biết và nhường đường cho người khiếm thị”.

Cũng theo thầy Quy, chiếc gậy thông minh trang bị nhiều bộ phận như còi, hệ thống đèn báo… song không tốn nhiều nhiên liệu. Chỉ cần 1 pin tiểu, mỗi ngày sử dụng khoảng 15 phút thì pin có thể dùng tới 20 ngày liền. Thầy Quy giải thích: “Việc trang bị gậy thông minh nhằm báo hiệu để “người sáng nhường đường cho người tối”. Chỉ lúc sang đường, qua các ngã ba, ngã tư hoặc đi lại lúc trời tối, người khiếm thị mới thực sự cần những tính năng của chiếc gậy thông minh để tiết kiệm nhiên liệu.

Sau khi chiếc gậy thông minh ra đời, thầy Quy đã trang bị cho các em khiếm thị trong trường và người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Đầu tháng 10 vừa qua, một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã đặt hàng 200 chiếc. Tuy nhiên,  thầy Quy chưa nhận đơn đặt hàng. Thầy Quy tâm sự: “Mục đích của tôi sáng chế ra chiếc gậy thông minh để giúp các em học sinh và người mù có công cụ hỗ trợ đi lại. Tôi không có ý tưởng kinh doanh sản phẩm này. Hơn nữa, tôi cũng không đủ máy móc thiết bị để làm hàng loạt theo kiểu sản xuất công nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào muốn sản xuất gậy với số lượng lớn thì tôi sẵn sàng giúp đỡ họ để hỗ trợ người khiếm thị”.

Cô Võ Thị Tư - một giáo viên có thâm niên dạy học tại trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Thầy Quy là một người rất nhiệt tình, thương yêu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, thầy được xem là một “bộ óc sáng tạo” của nhà trường. Hầu hết các sáng chế của thầy đều giúp ích rất lớn cho các em học sinh, góp phần đổi mới công tác dạy và học của nhà trường. Từ đó nâng cao năng lực học tập của các em học sinh cũng như giúp các em ngày càng tự tin hòa nhập với xã hội”.

Sản phẩm “Gậy thông minh” của thầy Quy đã giành giải ba Cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2014” do TP Đà Nẵng tổ chức. "Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là sản phẩm này đã giúp các em học sinh khiếm thị hòa nhập với cộng đồng và xã hội”, thầy Quy chia sẻ.

ICTNews

;
.
.
.
.
.