.

"Đôi mắt" thứ hai cho người khiếm thị

.

Cây gậy dò đường thông minh do thầy Nguyễn Duy Quy, giáo viên Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, sáng chế được nhiều người khiếm thị coi như “đôi mắt” thứ hai của chính mình bởi những tính năng đặc biệt của nó.

Thầy Nguyễn Duy Quy mong muốn cây gậy sẽ được phổ biến để mỗi người khiếm thị đều sử dụng.
Thầy Nguyễn Duy Quy mong muốn cây gậy sẽ được phổ biến để mỗi người khiếm thị đều sử dụng.

Sản phẩm cây gậy dò đường đã đoạt giải nhì tại Ngày hội sáng tạo ngành giáo dục Đà Nẵng tổ chức năm vừa qua.

Hết “run” khi qua đường

Trong buổi chiều ngồi uống cà-phê tại một quán nhỏ ven đường, thầy Nguyễn Duy Quy chứng kiến cảnh một phụ nữ khiếm thị cứ loay hoay mãi mà không dám bước sang đường. Trời đã sắp tối mà người phụ nữ vẫn đứng rất lâu. May mắn có một thanh niên đến nắm tay và dắt bà sang đường. “Tối về, hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong suy nghĩ của tôi. Nếu không có anh thanh niên đó, nếu chỉ có một mình bà ấy thì không biết khi nào bà mới sang đường để có thể về nhà”, thầy Quy trăn trở.

Rồi chứng kiến cảnh những học trò khiếm thị của mình ngày ngày vất vả trên đường đến trường, thầy Quy lại xót xa. Người bình thường tham gia giao thông sẽ không giảm tốc độ kịp khi tiến đến gần người khiếm thị nên dễ xảy ra tai nạn, nhất là lúc chiều tối. Trong quá trình đi lại, người khiếm thị cũng dễ giẫm phải những vật kim loại sắc nhọn nhỏ (đinh, mảnh sắt nhỏ) trên đường. Bởi vậy, thầy nghĩ phải làm một điều gì đó để giúp các em, giúp người khiếm thị.

Cầm cây gậy mà bình thường các em vẫn thường sử dụng, chợt thầy Duy có ý tưởng tại sao không biến nó thành cây gậy “biết nói” để chỉ đường cho người mù. Nghĩ là làm, thầy bắt đầu mày mò với các mạch điện, suy nghĩ, tìm tòi. Rồi thầy quan sát cách đi lại của các học sinh, giáo viên khiếm thị trong trường và cải tiến chiếc gậy bình thường thành “Chiếc gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị” với nhiều chức năng hơn. Với loa và các bóng đèn nhỏ được gắn thêm vào chiếc gậy, âm thanh phát ra và tín hiệu đèn phát sáng liên tục sẽ giúp người tham gia giao thông nhận thấy phía trước có người khiếm thị đang xin qua đường. Từ đó, người tham gia giao thông sẽ giảm tốc độ và nhường cho người khiếm thị băng qua đường. Nam châm được gắn thêm ở đầu gậy giúp người khiếm thị tránh được các vật nhỏ bằng kim loại trên đường.

Mong sẽ được nhân rộng

Sản phẩm “Chiếc gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị” đã được áp dụng cho một số học sinh Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu  theo học hòa nhập tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc sử dụng loại gậy này giúp các em tự tin khi tham gia giao thông, có thể tự mình đi học mà không nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và chủ động hơn trong mọi việc, cố gắng vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Chiếc gậy này cũng đã được thầy giáo khiếm thị Hoàng Văn Khương sử dụng hằng ngày để tự mình đi lại từ nhà đến trường. “Từ khi có chiếc gậy, tôi không còn phải phụ thuộc người thân trong nhà dẫn đi mà có thể tự mình đi lại. Nó giúp ích rất nhiều cho chúng tôi khi tham gia giao thông, ngoài ra còn có thể tránh được một số chướng ngại vật trên đường bằng kim loại. Thật tiện lợi!”, thầy Khương nói.

Thầy Quy cho biết, chiếc gậy này đơn giản, dễ làm, chi phí thấp (khoảng 320.000 đồng/gậy). Thời gian sử dụng viên pin trong gậy có thể kéo dài khoảng 20 ngày/viên (mỗi ngày sử dụng khoảng 15 phút lúc cần thiết). Chiếc gậy có thể sử dụng lâu dài cho người khiếm thị. Nhiều người khuyên nên đăng ký sở hữu trí tuệ về sản phẩm này, nhưng thầy Quy lắc đầu. “Mình không đủ điều kiện để làm được nhiều gậy hơn nữa thì nếu có đơn vị nào làm được, mình sẵn sàng chuyển giao. Chỉ mong có thể nhân rộng sản phẩm này để ngày càng có nhiều người khiếm thị được sử dụng, thuận tiện hơn trong sinh hoạt, đi lại”, thầy Quy thổ lộ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.