.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), khả năng cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (DNVVN) trong cả nước cũng như trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn yếu, phần lớn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu ra đời cách đây vài chục năm. Vậy, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trong giai đoạn hiện nay cần đặt trọng tâm ở đâu để góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm?

Mô tả ảnh.
Công ty CP Cơ điện miền Trung có nhu cầu đổi mới công nghệ lò khí than phục vụ nhúng kẽm. Trong ảnh: Nhúng kẽm tại Công ty CP Cơ điện miền Trung.

 

Có nhu cầu nhưng chưa định hình

Nói đến đổi mới công nghệ, nhiều nhà quản lý DN vẫn còn mơ hồ về khái niệm công nghệ và cho rằng chỉ có DN sản xuất các sản phẩm truyền thống như cao su, sắt, thép, xi-măng... mới sử dụng công nghệ và cần phải đổi mới. Ông P.M.T., giám đốc một công ty CNTT khẳng định: “DN sản xuất phần mềm hay dịch vụ thì hoàn toàn không liên quan đến chương trình đổi mới công nghệ của thành phố”. Nhưng theo ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở KH-CN, đa số DNVVN trên địa bàn thành phố đang rơi vào tình trạng “3 yếu”: công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất và vốn.

Tại hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ - thực trạng và giải pháp do Sở KH-CN tổ chức gần  đây cho thấy, hầu hết các DNVVN trong mọi lĩnh vực đều có nhu cầu đổi mới công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Tuy nhiên, đối với công nghệ sản xuất, các DN còn đang lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ. Làm thế nào để xác định đâu là công nghệ  tiên tiến, đâu là công nghệ ở mức khá hay trung bình trong điều kiện KHCN phát triển nhanh và tuổi thọ công nghệ ngày càng ngắn lại như hiện nay? Đơn cử, Công ty CP Cơ điện miền Trung có nhu cầu đổi mới công nghệ lò khí than phục vụ nhúng kẽm nhưng việc chạy tìm các đối tác tư vấn về công nghệ này vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngay cả nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chế biến nước giải khát, thủy hải sản tại Đà Nẵng cũng chỉ mới tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất ở mức trung bình khá. Việc đổi mới công nghệ sản xuất không đơn giản chỉ cần vốn mà đòi hỏi DN phải có đủ thông tin về công nghệ, năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tổ chức ứng dụng và quản lý công nghệ. Đây chính là yêu cầu đặt ra để tìm công nghệ tương thích phù hợp với năng lực, trình độ quản lý và sản xuất của DN.

Giải pháp dự kiến

Chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ của thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ tập trung vào 3 nội dung theo đề xuất của Sở KH-CN. Về đối tượng ưu tiên hỗ trợ, sẽ tập trung cho các lĩnh vực điện, điện tử, tự động hóa; CNTT; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông thôn, y dược, vật liệu mới, vật liệu composit, vật liệu nhẹ, cơ khí chế tạo...

Về hỗ trợ phần mềm, chương trình tập trung huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, thông tin; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000... Về kinh phí, hỗ trợ 30% kinh phí cho các dự án nghiên cứu đổi mới công nghệ  nhưng mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng; hỗ trợ 50% kinh phí đánh giá công nghệ tại các DN, thẩm định và đánh giá công nghệ chuyển giao cho DN.

Chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ của thành phố Đà Nẵng chính là quá trình  thực hiện các giải pháp giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi công nghệ giúp tạo ra sản phẩm và một khi sản phẩm có khả năng cạnh tranh kém sẽ  phản ánh hàm lượng công nghệ  trong sản phẩm thấp. Đây là điều dễ thấy đối với nhiều sản phẩm nội địa  hiện nay vì không thể thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sẽ là một quá trình diễn ra lâu dài và liên tục.

Song, “cú hích” hỗ trợ trước tiên cần được bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức về công nghệ quản lý như là một quy trình cụ thể hóa công việc, làm cho DN hoạt động thông suốt và hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị quản lý Nhà nước, các nhà chuyên môn cũng cần những “cú hích” về nâng cao năng lực tiếp cận và làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến để có thể thực hiện chức năng đào tạo, hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ; đồng thời giám sát việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ tại các DN.

Bài và ảnh: Thu Phương

;
.
.
.
.
.