.

Quán Internet vẫn hoạt động sau 23 giờ đêm, vẫn đối diện trường học

.

(ĐNĐT) - Mặc dù theo quy định từ 1-9, sẽ cắt đường truyền Internet đối với các đại lý tư 23 giờ đêm và các quán Internet phải cách trường học 200m, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Nhiều kiểu lách luật, đối phó

Quy định hạn chế giờ chơi (yêu cầu các đại lý Internet đóng cửa sau 23 giờ) là cách mà các nhà quản lý đưa ra với hy vọng sẽ dần hạn chế, đi đến loại bỏ được game bạo lực, game “bẩn” ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai, vẫn còn tình trạng các game thủ trẻ mải mê với các trò chơi trực tuyến thâu đêm suốt sáng ở khá nhiều đại lý Internet đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

anh-choi-game.jpg

Mặc dù đã gần 12 giờ khuya, quán đã cất biển hiệu, đèn đã tắt, nhưng các game thủ vẫn miệt mài, chủ quán cũng không cần đóng cửa (ảnh chụp tại quán Internet trên Phạm Như Xương)

Khảo sát thực tế trên tuyến đường tại khu vực gần trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách Khoa, CĐ Công nghệ, Trung cấp Bưu chính viễn thông (quận Liên Chiểu)… có rất nhiều đại lý kinh doanh Internet tập trung này, dễ dàng bắt gặp rất nhiều đại lý Internet vi phạm quy định về thời gian đóng mở cửa. Đơn cử như quán Internet Ti... (tổ 21, Chơn Tâm 2); quán G... trên đường Nguyễn Khuyến; Internet H... trên đường Phạm Như Xương.

Nhìn bề ngoài tưởng chừng các đại lý này đã kết thúc chu trình làm việc của một ngày. Chủ cửa hàng đóng cửa, tắt đèn đi ngủ và các game thủ sau một ngày “quyết chiến” đã dời “trận địa”. Hầu hết các chủ đại lý Internet trên tuyến đường này chỉ làm một số thao tác cất biển, đóng cửa và tắt đèn, còn các game thủ ai vẫn ngồi vị trí ấy.

“Họ chỉ đối phó với cơ quan chức năng bằng cách giả ngừng hoạt động, còn người chơi bên trong vẫn say sưa với các trò chơi chém, giết, bạo lực” - bác Hùng, một người dân nhà ở đường Phạm Như Xương cho biết.

Theo quan sát của người đàn ông này và những người dân xung quanh thì gần một tháng qua, đêm đến hàng loạt tiệm net dù đã đóng im lìm, nhưng người chơi cứ chơi bởi bên ngoài đã có người trông xe, cảnh giới. Đúng 23 giờ đêm khóa trái cửa lại, cho sinh viên, thiếu niên đánh tới tận sáng. Nếu người chơi muốn về giữa đêm thì họ sẽ mở cửa cho ra.

Như vậy, thực tế là vẫn còn nhà mạng cung cấp dịch vụ sau 23 giờ, thì sẽ còn các địa lí Internet làm sai? Bởi các đại lý Internet có thể này có thể lách luật bằng cách sử dụng một lúc 2 đường truyền, thậm chí họ đăng ký sẵn thêm nhiều đường truyền khác, để phòng cắt đường này còn đường truyền kia. Có đại lý thì sử dụng đường truyền ADSL đã đăng ký thuê bao trước đây (hoặc mới đăng ký) với tư cách thuê bao cá nhân. Và dù đường truyền này có chất lượng kém hơn một chút nhưng các game thủ cũng vẫn dễ dàng chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Về quy định các điểm kinh doanh Internet phải cách trường học trên 200 mét, thì tại một số đại lý kinh doanh gần trường học như Trường THPT Trần Phú (đường Lê Thánh Tôn), trường THCS Ông Ích Khiêm (đường Ông Ích Khiêm), trường Tiểu học Trần Thị Lý (đường Thanh Sơn), UBND quận Hải Châu đã kiểm tra và xử lý (tạm giữ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xử phạt vi phạm hành chính và mời lên UBND quận để cam kết di dời đến địa điểm khác). Đến nay, quán net tại đường Lê Thánh Tôn đã thực hiện tốt quy định, còn các quán Internet trên đường Thanh Sơn, Ông Ích Khiêm vẫn hoạt động bình thường, thậm chí có quán nằm ngay đối diện cổng trường.

“Sẽ làm triệt để hơn nữa!”

Về việc thực hiện quy định cấm các đại lý Internet phải dừng hoạt động sau 23 giờ, ông Thi Lý Phước, Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, Phòng đã thường xuyên phối hợp cùng lực lượng Công an, Đội quản lý thị trường, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đến tận đại lý Internet gõ cửa yêu cầu chủ đại lý ra làm việc.

Sau khi kiểm tra 181 đơn vị đăng kí kinh doanh dịch vụ Internet trên địa bàn quận Liên Chiểu,  đoàn kiểm tra phát hiện, xử lí hành chính 54 cơ sở. Sai phạm chủ yếu là chưa gắn bảng nội quy, chưa đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy, và hầu hết các cơ sở này đều vi phạm kinh doanh sai mục đích. “Về vấn đề các đại lý chưa chấp hành quy định đóng mở cửa, chúng tôi chưa gặp, vì nói chung là họ làm tốt (?). Trong thời gian tới, đoàn sẽ thường xuyên tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý triệt để” – ông Phước nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện trên toàn thành phố có 898 cơ sở đăng ký đại lý Internet. “Lực lượng thanh tra của Sở chỉ vỏn vẹn 3 người. Trong khi đó, việc quản lý các đại lý internet chỉ là một phần trong số các nhiệm vụ, chức năng của thanh tra. Vì thế, chúng tôi rơi vào cảnh lực bất tòng tâm”, ông Đức than thở.

Như vậy, vấn đề liệu có phải nằm ở các đơn vị cung cấp dịch vụ? Nếu các nhà mạng ngừng cung cấp theo thời gian quy định, thì làm sao các đại lý Internet có thể mở sau 23 giờ?

Theo ông Đức, sau khi có quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường công tác quản lý với trò chơi trực tuyến, Sở đã có văn bản gửi các nhà cung cấp dịch vụ Intenet trên địa bàn thực hiện. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền tại Đà Nẵng như: FPT Telecom; Chi nhánh tổng công ty Viễn Thông Quân đội; Trung tâm Viễn thông Điện lực miền Trung đã chấp hành khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhà cung cấp dịch vụ đường truyền chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định.

"Từ ngày 18-10 tới đây, Sở sẽ lập đoàn Thanh tra tiến hành tổng kiểm tra các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin của các quận, huyện tăng cường và thường xuyên kiểm tra. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ lập biên bản, xử phạt nghiêm”, ông Đức cho biết thêm.

Bài và ảnh: Yên Giang

;
.
.
.
.
.