.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh: Chưa là ngọc nhưng trong trẻo

.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim chỉn chu, sạch sẽ. Người xem khi ra về có thể chưa thật thỏa mãn nhưng sẽ ít tiếc nuối điều gì. Bộ phim có thể chưa là ngọc nhưng rất trong trẻo và lung linh sắc màu.

3 diễn viên chính trong phim: Trịnh Vinh (trong vai Thiều), Trọng Nam (Tường) và Thanh Mỹ (Mận).
3 diễn viên chính trong phim: Trịnh Vinh (trong vai Thiều), Trọng Nam (Tường) và Thanh Mỹ (Mận).

Địa điểm quay phim là vùng quê Phú Yên, với bối cảnh tại một làng quê nghèo ven biển vào cuối những năm 1980. Người xem được dẫn dắt về miền quê của 3 nhân vật chính - Thiều, Tường và Mận, để rồi chìm đắm với những cảnh quay đẹp như mơ và chân thực đến từng chi tiết; chìm đắm trong ký ức tuổi học trò và tìm thấy mình trong đó.

Việc phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã là yếu tố hút khán giả ngay từ đầu, được các fan đông đảo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chờ đợi. Nguyễn Nhật Ánh bằng câu chữ giản dị nhưng hóm hỉnh và chắt lọc đã vẽ nên một thế giới trẻ thơ với bầu trời trong veo, nắng vàng như mật ong, với những ngúng nguẩy giận hờn, buồn vu vơ... Victor Vũ đã hiện thực hóa giấc mơ ấy, đưa hết lên màn ảnh để người đọc không phải tưởng tượng nữa mà khung ảnh ấy đã hiện ra trước mắt.

Những ngôi nhà lụp xụp tương xứng với cảnh nghèo nàn của bối cảnh diễn ra câu chuyện. Những con đường nguyên vẹn sự khấp khểnh, gồ ghề sống trâu khi ông bố dắt con bò đi trao cho người mua để có tiền đưa Tường đi chữa bệnh, con bò dùng dằng chống đối như không muốn theo chủ mới cũng là một chi tiết nhỏ nhưng khiến người xem cảm nhận nỗi xót xa nhân lên. Một cái đồ chơi hay ngôi trường, cặp lồng cơm và cả những bộ quần áo nhân vật mặc không rách rưới mà chỉ là ngắn cộc cỡn, toát lên sự cũ kỹ, nghèo nàn và thật đến mức như chúng ta đang được nhìn thấy chính những gì của mình trong quá khứ.

Phim không có cao trào, không có nút thắt, cảnh vật lúc nào cũng lung linh bởi đạo diễn đã lấy đúng thế giới quan và ánh mắt của trẻ thơ để tạo dựng tác phẩm điện ảnh này. Trong thế giới của trẻ con, con đường đến trường, con suối, rặng tre, ngọn núi, bờ lúa… đều mênh mông hơn rất nhiều so với người lớn. Một bông hoa, một vạt cỏ, một hòn đá cũng đẹp và phải giữ khư khư.

Con cào cào tết bằng lá dứa, con chuột, con chim, con cóc xấu xí cũng có thể là bạn thân thiết không rời. Đó là lý do tại sao Tường có thể khóc ngon lành khi con cóc “Cu Cậu” của nó bị bắt bỏ vào nồi nấu cháo. Đó là lý do tại sao những bông hoa vàng của “công chúa” có thể vực Tường ra khỏi giường bệnh một cách thần kỳ.

Có lúc nào bạn thử ngẫm tại sao căn phòng lúc bé thơ mình ở thấy rộng mà giờ sao bé tẹo như vậy? Đó chính là bởi thế giới trở nên chật chội hơn, xấu xí hơn trong mắt người đã lớn. Có bao giờ trẻ con tìm cách nghĩ rằng nhà mình nghèo thế này, đói ăn, thiếu mặc thế này là do đâu và phải làm sao để cải thiện không? Không, chúng mặc nhiên chấp nhận điều ấy, đôi khi chỉ mong ước thay đổi bằng việc bắt được vàng như nhân vật Thiều, Tường, Mận trong phim mà thôi…

Điều quan trọng nữa, đạo diễn đã khắc họa được tính cách trẻ thơ rất đúng và tinh tế. Trong khi Mận rụt rè, ít nói vì hoàn cảnh gia đình của mình, lại ngượng ngùng, thích mà không dám chơi với Thiều, chỉ vui vẻ, hồn nhiên khi chơi với Tường khiến Thiều hiểu lầm thì Thiều lầm lì, cau có, bối rối vì thích mà không biết bày tỏ làm sao.

Trong khi Tường đúng là một đứa em nhỏ hồn nhiên, trong trẻo với giọng nói thánh thót như chim non, biết nhường nhịn thì Thiều là một người anh đang ở tuổi “ẩm ương”, có chút ích kỷ và đành hanh, cậy quyền lớn hơn, hay bắt nạt em.

Thiều luôn là nguyên nhân gây ra những rắc rối, hết ném đá chảy máu đầu em lại bỏ mặc cho người ta bắt con cóc của Tường mang đi. Khi thấy Tường đau khổ vì biết “Cu Cậu” bị giết thịt thì Thiều hối hận, bắt một con cóc khác mang về cho em nhưng biết là không thể “trá hàng” được nữa. Thiều thương em, dám đánh nhau với kẻ to con hơn mình để giành lại củ khoai mà mình khó nhọc bới cho em.

Nhưng khi hiểu lầm Tường và Mận giấu mình lén ăn thịt gà, Thiều đánh em đến mức bị liệt cột sống. Cuối cùng, biết em vì một “nàng công chúa bí mật” mà dần khỏi bệnh, nó đã đi tìm nguyên nhân, vượt qua sợ hãi để tìm ra sự thật, đem “thuốc” trả lại những bước đi cho Tường. Còn Tường, tuy là em nhưng luôn phải nhường anh, bỏ qua cho anh. Nó biết bày mưu để lấy lại công bằng cho anh, khi bị anh đánh còn dặn anh nói với bố mẹ rằng nó tự trèo cây bị ngã để anh khỏi ăn đòn…

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến những diễn viên của phim. Rất nhiều trong số những diễn viên chính, thứ chính chưa từng quen mặt với khán giả, có khi còn lần đầu tiên đứng trước máy quay nhưng tự nhiên, lột tả nhân vật đến kinh ngạc. Sự ngây thơ trong trẻo tuyệt vời của Mận, sự hồn nhiên rất đỗi trẻ con của Tường, sự “ẩm ương” của Thiều hay những nét mặt đăm chiêu khắc khổ của bố Thiều, của bác Tám… đều để lại xúc cảm cho người xem. Nhất là dàn diễn viên nhí, dù đóng những thước phim với bối cảnh lạ lẫm nhưng các em đã vào vai chân thực đến mức như đang sống cuộc sống của chính mình.

Điều làm nên độ tròn trịa cho phim phải kể đến công lớn của nhà biên kịch Việt Linh. Những câu thoại tự nhiên, không “lên gân”, không cứng nhắc. Mọi chi tiết đều có sự trở đi trở lại trong quy luật nhân - quả, duy có sự xuất hiện của 2 nhân vật chú Đàn và cô Vinh là đậm nét ở phần đầu, đến giữa và cuối thì mất hút, không tham gia gì vào mạch phim là có phần gây hẫng cho người xem…

Dù sao giữa mặt bằng chung phim Việt thì tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh bằng ngôn ngữ điện ảnh đang tạo “cơn sốt” cũng là điều dễ hiểu, bởi ai cũng có một tuổi thơ để tìm về.

TRÚC KHANH

;
.
.
.
.
.