Lễ hội Quán Thế Âm ấn tượng với người dân và du khách

.

Năm 2024, lễ hội Quán Thế Âm lần thứ hai được tổ chức theo quy mô cấp thành phố với nhiều hoạt động mới, hấp dẫn, xứng tầm là một trong những sự kiện văn hóa lớn của Đà Nẵng. Qua 4 ngày tổ chức (từ 26 đến 29-3), lễ hội năm nay tiếp tục trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách thập phương.

Hàng vạn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách khắp nơi đổ về tham dự lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm năm 2024. Ảnh: X.D
Hàng vạn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách khắp nơi đổ về tham dự lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm năm 2024. Ảnh: X.D

Lễ hội văn minh

Năm nay, lễ hội Quán Thế Âm có 32 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, được tổ chức tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và các tuyến đường lân cận. So với mọi năm, các hoạt động trong lễ hội lần này được tổ chức đa dạng và bài bản hơn. Trong đó, có nhiều điểm mới như: hội thi đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò kèm tái diễn hoạt cảnh lịch sử trên sông, thi trực họa về lễ hội Quán Thế Âm; thi viết cảm nhận về các tác phẩm của thư viện Vạn Hạnh; chạy bộ olympic vì hòa bình…

Tuy diễn ra vào các ngày trong tuần, song lễ hội vẫn thu hút rất động người dân, du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, nhất là vào buổi tối. Lần đầu đến với lễ hội, anh Dan Bogdan (du khách đến từ Liên bang Nga) chia sẻ: “Lễ hội Quán Thế Âm là một lễ hội thú vị, mang nhiều bản sắc của người dân địa phương. Đây là một trong số lễ hội Phật giáo lớn mà tôi biết. Tôi cảm thấy rất an tâm khi đến tham gia lễ hội vì ở đây luôn có nhiều lực lượng an ninh bảo vệ chung quanh, người dân cũng rất thân thiện. Đặc biệt, không khí lễ hội rất sôi động, vui tươi”.

Giống như mọi năm, bên cạnh những hoạt động phần hội, dấu ấn văn hóa Phật giáo trong phần lễ luôn được ban tổ chức thực hiện trang nghiêm, để lại nhiều ấn tượng cho cộng đồng Phật tử cũng như người dân. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (quận Thanh Khê) cho biết, năm nào bà cũng cùng gia đình, người thân đến dự lễ hội. Các hoạt động trong lễ hội năm nay khá hấp dẫn, vui nhộn. Công tác tổ chức rất chỉn chu, bài bản, làm cho mọi người đến đây đều cảm thấy an tâm, thoải mái.

“Bước vào lễ hội, chúng tôi có thể cảm nhận ngay không khí tôn nghiêm, thanh tịnh và cảm thấy an lạc trong tâm hồn. Đồ ăn, giá cả ở đây cũng phải chăng, sạch sẽ. Tôi vẫn thường nói với bạn bè của tôi ở những địa phương khác rằng, hãy một lần tới Đà Nẵng và đến lễ hội Quán Thế Âm, để được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất non nước hữu tình, cảm nhận cách sống, tình người, sự hiếu khách và hiền hòa của người dân Đà Nẵng”, bà Oanh bày tỏ.

Tiền đề để nâng tầm lễ hội

Có thể nói, lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 là tiền đề để Đà Nẵng tiếp tục nâng tầm lễ hội, xứng tầm với quy mô cấp thành phố và xứng đáng với danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia. Trong khuôn khổ lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, trên cơ sở ý kiến tại tọa đàm, thành phố và quận Ngũ Hành Sơn có định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong những năm tiếp theo. Địa phương sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm để tham mưu UBND thành phố nâng tầm lễ hội, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  năm 2023. “Cùng với tổ chức triển khai quy hoạch bài bản Danh thắng Ngũ Hành Sơn, những hoạt động liên quan đến phát huy giá trị di sản, trong đó có lễ hội Quán Thế Âm là thành tố quan trọng giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, đưa quận Ngũ Hành Sơn phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, ông Bình bày tỏ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, Trưởng ban tổ chức lễ hội Quán Thế Âm năm 2024, cùng với di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, hệ thống ma nhai trong hang động, lễ hội Quán Thế Âm là mang giá trị về mặt tinh thần quý giá và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Phát huy thành công của những lần tổ chức trước, lễ hội năm nay tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam; thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc; đồng thời là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Thành phố mong nhận được sự đồng lòng, chung sức của quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, tín đồ phật giáo, toàn thể đồng bào để cùng tạo ra không gian lễ hội trang trọng, văn minh, nhưng cũng hết sức thân thiện và mến khách. Lễ hội truyền thống chỉ thật sự có sức sống, có linh hồn khi có được sự tham gia đông đảo của người dân và du khách”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường nói.

Phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn
Trưa 29-3, phát biểu bế mạc lễ hội Quán Thế Âm năm 2024, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa khẳng định, lễ hội kết thúc thành công, đúng với phương châm “Trang trọng - An toàn - Tiết kiệm - Hiệu quả”. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm và y tế được bảo đảm, phục vụ tốt lễ hội. Công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội được chú trọng, thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ đắc lực các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, làm cho chương trình lễ hội năm nay thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.