Phát triển thư viện số công cộng

.

Sự ra đời của các mô hình thư viện số, đọc sách điện tử, trả sách tự động đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu bạn đọc ở mọi lứa tuổi, góp phần xây dựng thành phố thông minh và xã hội học tập.

Bạn đọc trả sách thông qua hệ thống tự động sử dụng công nghệ RFID tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: THIÊN DUYÊN
Bạn đọc trả sách thông qua hệ thống tự động sử dụng công nghệ RFID tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: THIÊN DUYÊN

Tự động hóa quy trình trả sách

Hơn một tuần nay, bạn đọc đến Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng trả sách khá dễ dàng, thuận tiện hơn khi ở đây có máy trả sách tự động 24/7. Đây là máy sử dụng công nghệ RFID đầu tiên trong hệ thống thư viện công cộng tại Việt Nam. Chiếc máy này giúp bạn đọc có thể trả sách tất cả các ngày trong tuần, bất cứ thời gian nào mà không cần chờ đợi đến giờ thư viện làm việc. Lần đầu trả sách theo hình thức mới ở thư viện, chị Lê Thị Thúy Loan (trú quận Hải Châu) cho biết, trước đây, bạn đọc phải đến trong giờ làm việc của thư viện, gặp thủ thư và thực hiện một số thủ tục để trả sách.

Phương pháp này có nhược điểm là nếu bận công việc hoặc có chuyện đột xuất, bạn đọc không thể trả sách đúng hạn cho thư viện. Nay thư viện trang bị chiếc máy này, bạn đọc có thể trả sách bất cứ thời gian nào, không lo sách bị trễ hạn trả nữa. “Thao tác trả sách qua chiếc máy này rất nhanh, chỉ cần vài giây là xong. Mong rằng trong tương lai, thư viện tiếp tục tích hợp hoặc trang bị thêm công cụ mượn sách tự động để tạo thuận tiện hơn cho bạn đọc”, chị Loan chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng Vũ Thị Ân, với hệ thống trả sách 24/7, bạn đọc chỉ cần đặt sách vào hộp trả và thực hiện các bước như hướng dẫn trên màn hình để hoàn tất quá trình trả sách. Công nghệ RFID giúp đọc mã số trên sách tự động giúp cho việc nhận diện và phân loại sách. Bên cạnh đó, hệ thống này được thiết kế để bảo đảm an toàn cho sách và thông tin của bạn đọc.

Thùng trả sách được trang bị công nghệ bảo vệ để tránh việc mất sách hoặc trộm sách. Thông tin của bạn đọc được bảo mật, chỉ có cán bộ thư viện mới có thể xem. Hiện nay, hệ thống trả sách tự động 24/7 chỉ cho phép trả sách ở kho mượn và kho thiếu nhi, áp dụng cho những sách còn trong hạn trả. Còn những sách trễ hạn trả, bạn đọc liên hệ thủ thư để hoàn tất việc trả sách. Đây là một bước đột phá quan trọng trong công tác chuyển đổi số của thư viện, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc trong giai đoạn hiện nay.

“Theo đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt, thời gian tới, các thư viện quận, huyện cũng được trang bị các máy mượn trả sách tự động để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bạn đọc trong sử dụng dịch vụ của thư viện”, bà Ân cho biết.

Đưa thư viện số đến khu dân cư

Từ tháng 7-2022, Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) phối hợp Ban chỉ đạo chuyển đổi số phường xây dựng mô hình “Thư viện số - Đọc sách thông minh” nhằm lan tỏa phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đây là địa phương tiên phong trên toàn địa bàn thành phố trong triển khai mô hình, đưa sách điện tử đến với người dân ở các khu dân cư. Bí thư Đoàn phường An Khê Phan Trần Hải Giang cho biết, sau hơn một năm triển khai, mã QR của thư viện số được dán tại 15 nhà sinh hoạt cộng đồng và hơn 20 quán cà phê trên địa bàn phường để mọi người truy cập đọc sách.

Khi quét mã QR thư viện số, bạn đọc có thể tiếp cận hơn 400 đầu sách với đa dạng lĩnh vực: sách viết về Bác Hồ, lịch sử, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, văn học Việt Nam, địa lý, văn hóa - nghệ thuật… “Đây là mô hình thể hiện tinh thần tiên phong của tuổi trẻ phường An Khê trong công tác chuyển đổi số. Từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, thư viện số thu hút trên 1.000 lượt truy cập/tháng. Trong thời gian tới, Đoàn phường cố gắng liên hệ các thư viện, tập hợp nhiều nguồn sách hay, phục vụ bạn đọc ở nhiều độ tuổi”, anh Giang cho biết.

Hiệu quả của mô hình thư viện số ở phường An Khê nhanh chóng được các tổ chức đoàn khác học hỏi, ứng dụng. Hiện nay, toàn thành phố có 5 quận, huyện với 39 phường, xã triển khai hiệu quả mô hình thư viện số, nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo, trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện số hóa một số nội dung công việc liên quan đến hoạt động Đoàn.

Trong đó, thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số là nội dung Thành Đoàn chỉ đạo thường xuyên. Bên cạnh mô hình “Đọc sách làm theo Bác”, nhiều trường học, tổ chức đoàn đã thực hiện gắn mã QR, xây dựng thư viện số để nâng cao ý thức, lan tỏa văn hóa đọc không chỉ trong đoàn viên mà còn trong cộng đồng, xã hội. Để các thư viện số hoạt động hiệu quả, Thành Đoàn tiếp tục duy trì, chỉ đạo tổ chức đoàn trực thuộc bổ sung tài liệu, sách báo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.