Đà Nẵng 135 năm sau…

.

Năm 1888, Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, với cái tên Tourane. Ngày ấy đến nay tròn 135 năm. Đã có những đổi thay to lớn và kỳ diệu của thành phố biển bên sông Hàn…

Di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng. Ảnh: CHÁNH LÂM
Di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng. Ảnh: CHÁNH LÂM

1. Mười năm sau, toàn quyền Paul Doumer lần đầu đến Tourane theo đường bộ, vượt qua đèo Hải Vân bằng cáng và ngựa. Đó là một đường đèo quyến rũ, kỳ vĩ và mạnh mẽ có một không hai của một kiệt tác do thiên nhiên tạo ra. “Rồi khung cảnh tự nhiên đó sẽ chìm vào lãng quên giống như con đường mòn bậc thang của xứ Trung kỳ…”, Doumer tiên đoán bởi con đường sắt xuyên Đông Dương đã được nghiên cứu và thi công từ năm 1899 đến những năm đầu thế kỷ XX mà chính vị toàn quyền này đã đứng ra vay đến 200 triệu Franc từ chính phủ Pháp.

Từ những năm 1897 đến 1902, Paul Doumer đi qua đèo Hải Vân để đến Tourane và mê say cảnh đẹp ở đây. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống vịnh Đà Nẵng, sau khi vượt qua những đám mây mù trên đỉnh đèo, ông viết: “Mọi thứ trở nên rõ ràng trước mắt. Đà Nẵng xuất hiện thật đắm say. Không có một cảnh thần tiên nào ở Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt lại vừa lớn lao đên vậy. Ta lấy vịnh đẹp nhất ở Pháp là Villfranche… để làm ví dụ, phải lấy diện tích ở đó mà nhân lên 10-20 lần và lấy các diện tích và độ cao của các dãy núi tại vịnh đó mà nhân lên 100 lần, ta mới có được Đà Nẵng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân với vịnh và đồng bằng từ ở độ cao 500m. Khung cảnh ấy đủ khiến những ai muốn khám phá phải đi từ Pháp đến Viễn Đông để thưởng thức sự vật quyến rũ và kỳ thú…”.

Đọc đến đây, người viết cứ nghĩ các nhà chức trách về du lịch chỉ cần lấy câu ấy của vị toàn quyền sau là Tổng thống Pháp mà khắc lên đá, đặt ở đỉnh đèo hướng về Đà Nẵng ngày nay thôi cũng đủ thu hút nhiều du khách. Cảnh vật giờ cũng đẹp hơn nhiều lần, có cả chất liệu văn chương của Paul Doumer từ sách của ông, sao ta chưa khai thác? Nhất là nay, Hải Vân Quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan đang được khôi phục lại để lưu dấu lịch sử và quảng bá du lịch?

135 năm sau, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã mở ra những đại lộ nối liền Hành lang kinh tế Đông Tây để phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa, nhưng con đường qua đèo cùng những di tích lịch sử từng được khắc họa vào văn học này mãi mãi sẽ là một di tích có một không hai để lưu dấu cho đời sau và đến bốn phương…

Đến đây, người viết lại cũng không quên những dòng thơ hào sảng của Lê Thánh Tôn trong bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ”:

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt
Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền…

(Đồng Long vằng vặc trăng nằm/ Con thuyền Lộ Hạc canh năm dập dềnh - Nguyễn Thiếu Dũng dịch).

Lại nhớ đến nhà thơ Khương Hữu Dụng với trường ca “Từ đêm mười chín” với những câu tuyệt bút viết ở đèo Hải Vân:

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng
Lên đường chân lại nối theo chân
Đêm qua đầu chụm run bên đá
Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng...

2. Đà Nẵng, ngoài Hải Vân đệ nhất hùng quan ấy, sau 135 năm vẫn còn nguyên các di tích, thắng cảnh bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, núi Bà Nà, những con sông tuyệt đẹp gắn liền với lịch sử như Cu Đê, Cổ Cò, sông Hàn, sông Cẩm Lệ và những bãi biển đẹp nhất hành tinh nối liền nhau từ Hải Vân, Nam Ô, Xuân Thiều, Tiên Sa, Mỹ Khê, Non Nước từng được các tạp chí du lịch và cơ quan quốc tế bình chọn là những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Nói đến biển là nhớ đến những năm chiến tranh với những rào gai thép rào sát mép nước để bảo vệ những đồn bót, những căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nhớ lại những bãi tắm Xuân Thiều được coi như bãi đổ quân đầu tiên vào Việt Nam và trước đó là những tàu chiến của quân đội Pháp, Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng vào những năm 1858-1860 với đồi hài cốt còn lại phía chân núi như một chứng tích chống ngoại xâm của ông cha ta.

Nhưng đó là câu chuyện khác. Giờ đôi khi nhắc lại các địa danh ấy là nói đến những bãi biển sầm uất, những con sông thơ mộng với hàng chục các khu du lịch, sân golf, khu nghỉ dưỡng luôn đầy ắp du khách. Nguồn thu từ du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao của nền kinh tế xanh mà Đà Nẵng đang hướng tới. Đó cũng chính là nguồn lực tạo ra từ hòa bình. Hòa bình đã tạo ra những giá trị mới, giá trị tăng thêm trên việc khai thác các tiền đề của thiên nhiên và lịch sử.

Suy nghĩ một cách chín chắn để thấy hết các giá trị đó. Bảo vệ Sơn Trà, Bà Nà hay các dòng sông, bãi biển không bị tàn phá, không bị ô nhiễm còn đòi hỏi cả những nhà làm quản lý, nhà đầu tư và mọi người cần hướng tới việc bảo vệ Đà Nẵng theo các tiêu chí xanh là sợi chỉ xuyên suốt của lịch sử Đà Nẵng. Việc nuôi cấy các rạn san hô quanh bán đảo Sơn Trà, việc gắn thêm những công cụ an toàn cho bầy voọc sinh hoạt trong rừng tự nhiên trên bán đảo, cùng các loài đặc hữu khác và cả chăm lo đời sống cho nhân viên các đội cứu hộ trên bãi tắm ven biển, chẳng những không phải là những công việc nhỏ mà cần được ưu tiên khuyến khích như một nỗ lực hướng đến cuộc sống nhân văn, hướng đến mục tiêu “thành phố đáng sống” như một khẩu hiệu, một thương hiệu…

Mới đây, tôi đọc cuốn “Lịch sử đô thị hiện đại” của nhà khoa học Shane Ewen (Dân Trí, 2016), tác giả đã nhấn mạnh về văn hóa đô thị và tính hiện đại rằng: “Cư dân đô thị vốn phụ thuộc vào nhiều người xung quanh hơn trong các tương tác thường nhật của họ” (trang 187) và “thực trạng môi trường từ quá trình đô thị hóa mau chóng ở các quốc gia đang phát triển vẫn ảm đạm…”. Điều này càng cho thấy các chính quyền đô thị đang đối diện với nhiều áp lực để làm thế nào phát triển đô thị đi đôi với bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa. Điều này khiến ta càng suy nghĩ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.