Cần phát huy đường tranh bích họa

.

Thành phố Đà Nẵng có hai đường tranh bích họa khá nổi tiếng, tọa lạc tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) và khu vực liền kề lăng Ông (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Các đường tranh bích họa này được kỳ vọng trở thành điểm đến tham quan, check-in hấp dẫn, thu hút du khách. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, những đường tranh bích họa này đều trở nên đìu hiu, xuống cấp và thưa vắng khách.

Đường tranh bích họa ở phường Mân Thái được kỳ vọng trở thành địa điểm du lịch hút khách nhưng sau gần một năm khai thác, nơi đây vẫn thưa vắng khách đến thăm. Ảnh: X.D
Đường tranh bích họa ở phường Mân Thái được kỳ vọng trở thành địa điểm du lịch hút khách nhưng sau gần một năm khai thác, nơi đây vẫn thưa vắng khách đến thăm. Ảnh: X.D

Với kỳ vọng trở thành không gian văn hóa công cộng, điểm đến hấp dẫn phục vụ người dân, du khách, dự án làng bích họa dài 1.500m tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng từ năm 2018 với vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Thuở đầu mới ra mắt, làng bích họa này được rất nhiều tán dương khi biến những mảng tường khô khan trở nên sinh động, bắt mắt với đa dạng sắc màu. Cùng với đó, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, làm du lịch cho người dân ở khu vực trong giai đoạn 2 của dự án. Thế nhưng đến nay, làng bích họa này đã bị xuống cấp trầm trọng với những mảng tường loang lổ, tranh bong tróc, phai màu, chỗ còn chỗ mất, tạo nên một khung cảnh nhếch nhác, đìu hiu, dự án vì thế cũng dở dang.

Bà Đỗ Thị Hồng Trúc, người dân tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh cho biết, khi mới đưa vào khai thác, hẻm bích họa có rất đông người dân, du khách tới tham quan, chụp ảnh. Một số người dân trong khu vực đã lên kế hoạch mở hàng quán để phục vụ khách tham quan và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, chỉ sau một vài tháng đầu, con hẻm thưa dần khách ghé thăm, những kỳ vọng trước đó cũng trôi vào quên lãng.

Theo người dân nơi đây, nguyên nhân khiến làng bích họa này “chết yểu” bởi vị trí con hẻm nằm lọt thỏm và không mấy nổi bật trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh sầm uất. Đặc biệt, không gian hẻm khá nhỏ và hẹp, tạo cho khách tham quan cảm giác tù túng, ngột ngạt, khó đi lại. Thêm vào đó, có nhiều bức tường không được tô vẽ khiến người tham quan cảm giác đây là điểm du lịch nửa vời, chưa được đầu tư kỹ lưỡng. Mặt khác, nhiều nhà đã xây sửa lại nên phá bỏ những bức tường được vẽ trước đây, khiến cho tranh chỗ còn chỗ mất.

Bà Đàm Thị Kim Huệ, người dân tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh cho hay, thời gian gần đây, vẫn thi thoảng có khách, kể cả khách nước ngoài ghé đến hẻm tham quan. Thế nhưng, họ chỉ đi vào một đoạn ngắn, thấy khung cảnh chật chội, đìu hiu nên liền đi ra. “Chúng tôi vẫn muốn dự án được duy trì, nâng cấp, làm mới với những hình ảnh đẹp hơn để thu hút khách du lịch. Khi đó, chúng ta phải có kế hoạch duy tu, nâng cao hiệu quả khai thác, cùng nhau tạo nên một không gian đáng đến”, bà Huệ chia sẻ.

Mới đi vào khai thác từ cuối tháng 8-2022, nhưng đến nay, tình hình hoạt động của đường tranh bích họa phường Mân Thái cũng không khác ở hẻm bích họa 75 Nguyễn Văn Linh. Đường tranh bích họa phường Mân Thái có chiều dài gần 400m, mang chủ đề “Câu chuyện làng chài” với mức đầu tư 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách của quận, được kỳ vọng trở thành địa điểm du lịch hút khách. Thế nhưng, sau gần 1 năm khai thác, lượng khách đến đây tham quan thưa thớt, một số tranh có biểu hiện bạc màu, bong tróc.

Ông Huỳnh Văn Mười, người dân sống trong khu vực đường tranh cho biết, từ khi hoàn thành đến nay, hầu như không có du khách nào đến tham quan đường tranh, chỉ có người dân địa phương đến chụp ảnh. Vào mùa du lịch, bãi tắm Mân Thái cách đó vài bước chân vô cùng nhộn nhịp, tấp nập người dân, du khách, còn đường bích họa thì im lìm, vắng lặng. Ngoài ra, một số người dân trong khu vực cho rằng, những bức tranh ở đường bích họa này tuy đẹp, nhiều màu sắc, nhưng có hình ảnh chưa phản ánh đúng thực tế nghề biển ở địa phương, câu chuyện làng chài theo từng giai đoạn vươn khơi của ngư dân từ xưa đến nay nên khó gây ấn tượng với du khách.

Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, vấn đề khiến các dự án đường tranh bích họa tại Đà Nẵng khó phát huy hiệu quả là bởi không gian nhỏ, hẹp, khuất tầm nhìn; hạ tầng trong khu vực xuống cấp, người dân để vật dụng sinh hoạt lộn xộn. Bên cạnh đó, nguyên tắc của loại hình mỹ thuật cộng đồng là phải duy tu, làm mới thường xuyên, nhưng cả hai đường bích họa ở Đà Nẵng đều tập trung kinh phí đầu tư ban đầu, chưa có giải pháp khai thác hiệu quả về lâu dài. Vì vậy, địa phương quản lý cần có kế hoạch dài hơi để phát triển, đầu tư kinh phí để có những tiện ích, dịch vụ đi kèm và khuyến khích người dân tham gia vào việc gìn giữ, phát huy giá trị đường tranh bích họa. Mặt khác, vai trò của người dân sinh sống tại đường tranh rất quan trọng, phải có cách ứng xử phù hợp với du khách, thường xuyên vệ sinh môi trường, giữ gìn mỹ quan và nếp sống văn minh.

Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, quận đã giao UBND phường Mân Thái tập trung tổng dọn vệ sinh, tuyên truyền, vận động người dân tham gia cùng chính quyền quản lý đường tranh bích họa; phối hợp phòng Kinh tế quận xây dựng các mô hình trưng bày, bán sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, giao Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận có trách nhiệm duy tu, khắc phục, sửa chữa những tranh bị bạc màu, bong tróc, bảo đảm sử dụng được lâu dài. Vừa qua, UBND quận đã họp với các ngành để triển khai giai đoạn 2 của đường tranh với kinh phí dự kiến khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, sẽ xây dựng, sắp xếp lại tiện ích xung quanh đường tranh một cách bài bản, khoa học để phục vụ du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng; giới thiệu đường tranh bích họa gửi đến các doanh nghiệp lữ hành, sân bay, khách sạn trên địa bàn; tập huấn cho người dân có cách ứng xử phù hợp để tạo môi trường văn hóa, du lịch thân thiện. “Quận Sơn Trà quyết tâm, bằng mọi cách phải cố gắng xây dựng, phát huy đường tranh bích họa phường Mân Thái trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, một sản phẩm mang lại giá trị cho xã hội, người dân”, ông Hùng khẳng định.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.