DI TÍCH CHĂM PHONG LỆ

Di tích Chăm tiêu biểu của Đà Nẵng

.

Đến thời điểm hiện tại, các hiện vật được phát hiện tại di tích Chăm Phong Lệ thuộc địa phận tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ trong đợt khai quật lần thứ 3 (từ ngày 18-7 đến 20-8) được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, càng khẳng định giá trị của nền văn hóa Chăm pa từng tồn tại ở vùng đất này.

Đầu rắn Laga được phát hiện tại di tích Chăm Phong Lệ trong đợt khai quật lần này.
Đầu rắn Laga được phát hiện tại di tích Chăm Phong Lệ trong đợt khai quật lần này.

Trong đợt này, đoàn khảo cổ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội tiến hành khai quật trên diện tích hơn 300m2 tại di tích này. Đến nay, đoàn phát hiện nhiều hiện vật đá có giá trị như: tượng sư tử Sinha, đầu chim thần Garuda, bệ thờ voi, cùng hiện vật trang trí riềng mái của tháp có hình rắn Laga và kiểu dáng hoa văn đặc sắc, gạch xây đền tháp...

Theo đánh giá sơ bộ của Th.S Nguyễn Hữu Mạnh, Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, tượng sư tử Sinha là một tượng tròn, có kích thước khá lớn, được trang trí tinh xảo, đặc biệt ở phần bụng và đầu. Đây là hiện vật nằm trong địa tầng của hố khai quật nên rất quý giá, bổ sung vào hiện vật trưng bày cũng như nghiên cứu về văn hóa Chăm ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Cũng theo ông Mạnh, qua lần khai quật này cùng hai đợt khai quật trước vào năm 2011 và 2012, các nhà khảo cổ đã xuất lộ hai mặt bằng kiến trúc. Kiến trúc thứ nhất có thể gọi là tháp chính, trong lòng tháp có cái hố mà các nhà khoa học Việt Nam thường gọi là hố thiêng phục vụ tín ngưỡng của người Chăm, và là một kiểu kiến trúc được phát hiện rất ít tại các phế tích, di tích Chăm.

Hiện tượng này chỉ có ở Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và tháp Ponagar (tỉnh Khánh Hòa). Kiến trúc thứ hai đang khai quật có nền móng kiến trúc khoảng 16,5 mét và các nhà khảo cổ đặt ra giả thiết rằng đây là tháp cổng dẫn vào tháp chính.

“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và nhận ra di tích Chăm Phong Lệ cùng một loạt phế tích khác nằm dọc theo sông Cẩm Lệ, từ đó đưa đến kết luận rằng, khu vực Phong Lệ cùng với khu vực xung quanh đã từng tồn tại một tổ hợp các đền tháp, đóng vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, lịch sử vùng đất Đà Nẵng xưa nói riêng, của miền Trung Việt Nam nói chung”, ông Mạnh chia sẻ.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng cho biết, tại bảo tàng hiện có khu vực riêng trưng bày hiện vật Chăm Phong Lệ có giá trị như: Linga, bò thần Nandin (vật cưỡi của thần Siva), tượng sư tử, tượng voi, tượng thần Visnu...

Hơn 100 năm trước, ông C. Paris, chủ đồn điền Phong Lệ đã thu gom những hiện vật này và đưa về tập trung tại Công viên Tourane (Đà Nẵng). Sau đó, những tác phẩm điêu khắc này được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng H. Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm).

Nhiều năm sau, di tích này hoang phế và cư dân về đây sinh sống, xây nhà cửa ngay trên nền tháp Chăm. Sau hai lần khai quật vào năm 2011 và 2012, đến đợt khai quật thứ 3 này, với những hiện vật được phát hiện, ông Hồ Tấn Tuấn cho rằng, điều này càng khẳng định Đà Nẵng vẫn còn khu phế tích tháp Chăm có giá trị đặc biệt, niên đại trên 1.000 năm. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao phải bảo tồn nguyên trạng phế tích này để làm điểm tham quan cho người dân và du khách.

“Chúng tôi sẽ đề nghị xếp hạng di tích Chăm Phong Lệ, trước hết là di tích cấp thành phố, sau đó nghiên cứu đề xuất cấp quốc gia. Di tích này phải được bảo tồn nguyên trạng theo đề án “Khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ”, trên cơ sở lấy khu vực đền tháp làm trung tâm và mở rộng các khu vực xung quanh làm khu trưng bày”, ông Tuấn cho biết thêm.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.