Nguồn gốc sức mạnh dân tộc

.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố là nét đặc trưng của Lễ hội Đền Hùng 2018.  (Ảnh do Báo Phú Thọ cung cấp)
Lễ hội văn hóa dân gian đường phố là nét đặc trưng của Lễ hội Đền Hùng 2018. (Ảnh do Báo Phú Thọ cung cấp)

Linh thiêng vùng đất Tổ

Trao đổi với báo chí, GS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, để duy trì và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cha ông ta đã sáng tạo đồng thời hai loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Đó là hệ thống đền thờ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mà phạm vi ảnh hưởng đã lan tỏa ra khắp mọi vùng, miền đất nước. Hạt nhân tâm linh trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được củng cố bằng các truyền thuyết, huyền thoại, thần linh và sắc phong, tiêu biểu nhất là huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ, biểu tượng văn hóa cao đẹp về ý thức cội nguồn dân tộc.

Nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ trong quá trình hình thành và phát triển. Đó là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được vun bồi bằng các lớp lang văn hóa từ nhiều đời nay. Từ quan niệm triết lý “vạn vật hữu linh”, người Việt cổ đã lựa chọn thần núi làm đối tượng tôn thờ trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh và dần hình thành tín ngưỡng thờ thành hoàng làng Hùng Vương.

Thế kỷ 14 đến 15, nhà Lê mới bắt đầu cho soạn ngọc phả Hùng Vương và nâng cấp việc thờ cúng Hùng Vương thành cấp quốc gia. Đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn, tín ngưỡng nói trên lại được nâng tầm hơn nữa bằng các sắc phong của  triều đình, giao cho các làng quanh Đền Hùng phải chăm lo việc thờ tự, cúng giỗ.

Tính đặc sắc trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ở khía cạnh từ sáng tạo, sáng kiến của cộng đồng cư dân làng xã dần được “nhà nước hóa”, bởi các triều đại phong kiến Việt Nam trong quá khứ và được thăng hoa lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đội thi của huyện Cẩm Khê gói bánh chưng.
Đội thi của huyện Cẩm Khê gói bánh chưng.

Từ ý nghĩa đó, nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ, địa phương vinh dự là nơi có đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày một quy mô. Đặc biệt từ năm 2012 khi UNESCO chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành di sản đầu tiên ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, hằng năm, vào dịp lễ hội, khu di tích lịch sử đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh lại đón hàng triệu lượt đồng bào về viếng mộ Tổ, tri ân công đức tổ tiên. Năm 2018, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam, Kiên Giang.

Lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ 21 đến 25-4 (tức mồng 6 đến 10-3 năm Mậu Tuất). Nội dung 4 tỉnh, thành phố tham gia hoạt động phục vụ lễ hội, gồm: Tiến dâng lễ vật Giỗ Tổ Hùng Vương; tham gia lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại đền Thượng; hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ 6; triển lãm giới thiệu sản vật đặc trưng của địa phương tại hội chợ Hùng Vương, thành phố Việt Trì; giải quần vợt hữu nghị Hùng Vương lần thứ 13; biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; tham gia chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội...

Tỉnh Quảng Nam – địa phương đại diện khu vực miền Trung tham gia lễ hội năm nay đã mang đến những nét đặc trưng của quê hương với lễ vật tiến dâng gồm 3 mâm rượu sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), trà Mai Hạc (Tam Kỳ), trái cây theo mùa (Nông Sơn, Tiên Phước), các loại bánh đặc sản Quảng Nam. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, diễn viên của vùng đất Quảng cũng mang đến những tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa tỉnh Quảng Nam như: Câu bài chòi về với Đất Tổ, hát múa Bả Trạo - Lời cầu an trên biển, Câu hò khoan đêm hội, múa Mỹ Sơn huyền ảo, trích đoạn trong vở “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”…

Đoàn rước kiệu tại lễ hội dân gian đường phố Việt Trì được tổ chức nhằm khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. (Ảnh Báo Phú Thọ cung cấp)
Đoàn rước kiệu tại lễ hội dân gian đường phố Việt Trì được tổ chức nhằm khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. (Ảnh Báo Phú Thọ cung cấp)

Lời hiệu triệu con tim Việt

Từ ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tại thành phố Đà Nẵng, dù không có đền thờ Hùng Vương nhưng đã thành lệ, hằng năm, ngày quốc giỗ, nhiều đình làng trên địa bàn thành phố tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp; học sinh tại một số trường trên địa bàn thành phố quét dọn và chăm sóc các di tích lịch sử; một số nhà thờ tộc cúng bái tổ tiên.

Cụ thể như lễ hội đình làng Hải Châu (quận Hải Châu), lễ hội đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê), lễ hội đình làng Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu), lễ hội đình làng Trung Lương (quận Cẩm Lệ), lễ hội đình làng Đà Sơn (quận Liên Chiểu), lễ hội đình Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), lễ hội đình làng Phú Hòa (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), Lễ hội truyền thống tại khu di tích Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), lễ hội đình làng Xuân Lộc (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), lễ hội đình làng Dương Lâm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)…

Thuyền đua xã Tuy Lộc, Cẩm Khê tại hội thi.
Thuyền đua xã Tuy Lộc, Cẩm Khê tại hội thi.

Ông Nguyễn Ngọc Quốc, Ban trị sự đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) cho biết, ngày trước, hằng năm, dân làng Thạc Gián tổ chức hai lễ lớn là lễ tế Thu nhị kỳ (mùa thu), lễ hội vào tiết Thanh minh (mùa xuân). Kể từ khi được Bộ Văn hóa  - Thể thao công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2007 và đến năm 2011, lần đầu tiên lễ hội đình làng được phục dựng, tổ chức với quy mô trọng thể vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch để hòa chung không khí quốc giỗ của cả nước.

 “Từ lễ hội đình làng, tổ tiên mong muốn con cháu tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và xa hơn nữa là thành kính biết ơn các vua Hùng – người có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta.

Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung nguồn cội. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển”, ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố chia sẻ.

Rộn ràng các hội thi tại Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 23-4 (tức ngày 8-3 âm lịch), tại sân Trung tâm (Khu di tích lịch sử Đền Hùng), Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã tổ chức lễ khai mạc Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ 6, với sự góp mặt của 14 đội thi; trong đó 13 đội đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh và 1 đội của các nghệ nhân dân gian tỉnh Thái Nguyên.

Trước đó, ngày 22-4, tại hồ Công viên Văn Lang, Hội thi bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng đã được tổ chức, tạo nên một điểm nhấn sinh động trong chuỗi các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018. Tham gia hội thi bơi chải năm nay có 240 VĐV của 8 đội chải đến từ thành phố Việt Trì và các huyện: Thanh Thủy, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Tam Nông. Với tinh thần thể thao “Đoàn kết, trung thực, giao lưu, học hỏi” và khát vọng chiến thắng, các tay chèo đua tài, đua sức trên “đường đua xanh” dài 2,6 km trước sự cổ vũ vô tư, nhiệt tình của hàng nghìn khán giả, cống hiến những đường đua đẹp mắt, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem.

Báo Phú Thọ

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.