"Cho chữ" trước thềm xuân

.

Một ngày cuối tuần, tại quán cà-phê nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, phía đầu cầu Rồng, rất đông bạn trẻ đến xin chữ của những “ông đồ” trẻ măng nhưng rất đam mê viết thư pháp và có thâm niên trong việc “cho chữ”.

Đông đảo các bạn trẻ xin chữ đầu năm.
Đông đảo các bạn trẻ xin chữ đầu năm.

Giữa rất đông bạn trẻ vây quanh mình, “ông đồ” Nguyễn Nghĩa (sinh viên năm cuối, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân) vẫn tỉ mẩn trong từng nét bút. Nghĩa chia sẻ: “Em bắt đầu viết thư pháp và thích thư pháp từ hồi học sinh. Vào năm nhất đại học, em đi học thư pháp, sau nửa năm thì em đã có thể viết được và viết từ đó đến giờ. Nghĩa cũng từng đi viết thư pháp tại các triển lãm, hội chợ, nhà hàng, khách sạn... để kiếm tiền và thỏa niềm đam mê”.

Bên cạnh Nghĩa, Nguyễn Hữu Pháp (SN 1991, quê Đắc Lắc) là nhân vật đang được giới trẻ ái mộ vì tài viết thư pháp. Chính Pháp đã khởi xướng chương trình triển lãm thư pháp và cho chữ miễn phí này. Pháp cho hay: “Em viết thư pháp đã nhiều năm và giờ muốn làm điều gì đó để lại dấu ấn cho mình. Các bạn đến đây hầu hết là người yêu thích và đam mê thư pháp. Mặc dù không có nhiều thời gian nhưng em sẽ cố gắng giúp đỡ các bạn viết được thư pháp, chỉ cần các bạn đam mê và quyết tâm”. Với Pháp, viết thư pháp là cách tôn vinh những con chữ của mình. Người viết phải viết bằng cả trái tim và nhấn nhá từng chữ, trân trọng và yêu thương từng con chữ. Không những viết, việc cho chữ cũng phải cho một cách trân trọng để làm sao con chữ của mình đến được với mọi người hoàn hảo nhất. Pháp cho biết, viết thư pháp đã giúp bạn hiểu hơn về đời, về đạo và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người muốn sở hữu một bức thư pháp để treo trong nhà hoặc làm quà tặng. Nội dung của thư pháp thường là những câu thơ hay về lòng hiếu thảo, tình yêu quê hương đất nước hay những chữ có ý nghĩa như Tâm, Đức, Nhân... Những chữ này sẽ được mỗi “ông đồ” thể hiện khác nhau theo phong cách của họ và yêu cầu của người xin chữ.

Ở bàn cho chữ, Doãn Thanh Tiến (quê Nghệ An) nói: Em “nghiện” thư pháp lắm. Vì muốn xin được chữ của anh Pháp nên từ rạng sáng nay em đã bắt xe đò từ Vinh để kịp đến đây xin chữ. Em hâm mộ thư pháp của anh Pháp nhiều năm nay và nhiều lần muốn theo học nhưng chưa có cơ hội. “Thư pháp giúp em thoải mái hơn sau những giờ làm việc căng thẳng. Sau khi anh Pháp mở lớp, em nhất định sẽ theo học để vừa thỏa đam mê và vừa làm nghề “tay trái””, Tiến chia sẻ. Đứng đợi xin chữ, Hồ Tấn Đạt (sinh viên năm 4, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), cho biết: “Tuy phải đợi chờ lâu nhưng em thấy rất vui. Vậy là Tết này em đã có một bức thư pháp treo tại nhà do chính tay những người em mến mộ viết tặng”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.
.