Thành Điện Hải: Hồn Cốt văn hóa Đà Nẵng - Trả lại không gian và giá trị lịch sử thành Điện Hải

.

Sau khi đăng loạt bài 3 kỳ “Thành Điện Hải: Hồn cốt văn hóa Đà Nẵng” ngày 25, 26 và 27-1, Báo Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến phản hồi liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo di tích cấp quốc gia đặc biệt này.

Ngay đầu bờ sông Hàn có biển tên đường Thành Điện Hải dẫn vào khu di tích nhưng bị che chắn tầm nhìn do công trình nhà hàng bến du thuyền án ngay trước. Ảnh: NGỌC HÀ
Ngay đầu bờ sông Hàn có biển tên đường Thành Điện Hải dẫn vào khu di tích nhưng bị che chắn tầm nhìn do công trình nhà hàng bến du thuyền án ngay trước. Ảnh: NGỌC HÀ

* Ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên: Ủng hộ mở rộng không gian thành Điện Hải ra hướng bờ sông

Từ lâu, tôi luôn trăn trở về di tích thành Điện Hải. Vì thế khi nghe chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích này, lòng tôi phấn khởi lắm. Những xâm hại thời gian qua, cái nào không đúng thì chúng ta sửa. Đối với các ý kiến mở rộng không gian thành Điện Hải ra hướng bờ sông, thậm chí dỡ bỏ công trình nhà hàng bến du thuyền, cũng như tôi, các cán bộ hưu trí và người dân thành phố hoàn toàn ủng hộ.

* Ông Huỳnh Văn Hùng: Cần mở rộng không gian thành Điện Hải

Cá nhân tôi nhận thấy việc phá dỡ Bảo tàng Đà Nẵng thì rất tiếc nhưng phải chấp nhận để có giá trị lớn hơn, đó là bảo vệ di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các chuyên gia cũng đã cho ý kiến về cái gì cần giữ nguyên gốc và cái gì chúng ta làm tượng trưng.

Phục hồi những cái tiêu biểu, điển hình và những cái chưa có vẫn phải đưa vào như nơi hương khói tưởng niệm các nghĩa sĩ; những cái không thể phục hồi thì sử dụng công nghệ hiện đại để làm phim tư liệu chiếu, diễn giải những câu chuyện về thành Điện Hải, cùng trận chiến xảy ra tại đây.

Đó là xu hướng chung trên thế giới và chúng ta nên học tập điều này, chứ không nhất thiết phục hồi tất cả. Chúng tôi đang làm báo cáo trình lên lãnh đạo thành phố để chọn phương án tối ưu. Về ý kiến mở rộng không gian thành Điện Hải bao gồm các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Lý Tự Trọng, Bạch Đằng, tôi cho rằng đó là ý tưởng táo bạo.

Nếu làm được như thế thì quá tuyệt vời vì giá trị thành Điện Hải được nâng lên rất nhiều, thành phố lại có không gian cho người dân đến thưởng ngoạn, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử. Tuy nhiên, điều này ngoài tầm của ngành văn hóa, ý tưởng hay còn thực hiện được hay không thì tùy thuộc vào sự chỉ đạo của UBND thành và sự phối hợp của các sở, ngành.

* Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng: Phục dựng lại đầy đủ cơ sở bên trong thành Điện Hải

Tháng 12-2017, lần đầu tiên Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức hội thảo bàn về giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục hồi thành Điện Hải với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành liên quan trực tiếp đến công tác trùng tu di tích...

Hội thảo mở ra rất nhiều hướng bảo tồn thích nghi đối với công trình di tích mà hầu như yếu tố cấu thành hệ thống bên trong không còn. Bởi trong hai lần đánh chiếm thành Điện Hải vào những năm 1858-1860, sau khi rút đi, quân Pháp đều đốt hết, đập phá hết toàn bộ, hệ thống súng thần công cũng bị hủy chức năng gây nổ.

Vì thế, dựa trên tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quốc gia Pháp và Trung tâm Lưu trữ quốc gia Việt Nam, chúng ta phục dựng lại đầy đủ cơ sở bên trong thành Điện Hải như trại lính, kho lương thực, nhà quan điền…

Sau đó phục dựng lại thành Điện Hải bằng công nghệ 3D và tiếp tục tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia góp ý. Theo quan điểm của tôi, cần trùng tu bảo tồn một phần tính nguyên gốc và theo hướng thích nghi bởi ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua. Việc dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải là việc bắt buộc phải làm. Thành Điện Hải đã là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì mọi công trình bên trong thành Điện Hải đều phải được xem xét lại để tiến hành công cuộc phục dựng.

* Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng: Cần có một nhà trưng bày về thành Điện Hải

Trong quá trình phục dựng, chắc chắn phải có một nhà trưng bày về thành Điện Hải nhưng được xây với kiến trúc phù hợp với kiến trúc Vauban chứ không “lạc nhịp” như Bảo tàng Đà Nẵng hiện tại. Hội Khoa học Lịch sử sẽ có văn bản chính thức đề xuất, kiến nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng về việc khôi phục cửa nam thành Điện Hải (đang nằm trong khuôn viên phần mềm Quang Trung), cần thiết di dời trạm biến áp ngay đường Quang Trung.

* Ông Huỳnh Phương Bá (Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng): Những hy sinh trước mắt không có gì là nhiều cả

Một đất nước hay một dân tộc đều có chiều dài lịch sử, mỗi giai đoạn lịch sử đều đọng lại những giá trị để lớp người sau hiểu biết về văn hóa, lịch sử và tiếp tục phát huy. Vừa rồi tôi có đọc một vài tài liệu của Pháp, trong đó họ miêu tả rất kỹ về cuộc tấn công vào Đà Nẵng và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, thất bại tại Đà Nẵng với họ là quá lớn.

Như vậy, với Đà Nẵng, thành Điện Hải được xem là vô giá. Chúng ta cần phải tôn tạo, giữ gìn và trong quá trình trùng tu, phục dựng, những cái gì có thể lấy lại được thì nên lấy. Tôi nghĩ mặt tiền di tích rất quan trọng, không chỉ những nhà khoa học, nhà phong thủy nhìn thấy đâu, dân thường cũng thấy được, giả sử như cái gì chặn ngay trước mặt nhà mình thì tìm mọi cách khắc phục, huống chi đối với một di sản văn hóa vô giá như thành Điện Hải.

Theo tôi, nếu dỡ bỏ nhà hàng ngay bờ sông Hàn, mở lại cửa thành phía nam ra đường Quang Trung hay một số khu vực xung quanh để biến nơi đây thành quảng trường văn hóa thì tất cả dân chúng hoan nghênh việc giải tỏa đó. Chúng ta gìn giữ lịch sử cho thế hệ hôm nay và cả mai sau thì những hy sinh trước mắt không có gì là nhiều cả. Tôi chắc chắn việc này sẽ nhận được sự ủng hộ.

* Bà Nguyễn Duy Phương, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng: Mở rộng thành Điện Hải có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước

Thành Điện Hải có giá trị vô cùng đặc biệt, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của nhân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trận thắng mở đầu. Vì thế, việc mở rộng quy hoạch bảo tồn thành Điện Hải là chủ trương vô cùng đúng đắn, là niềm mong mỏi của nhân dân Đà Nẵng với lãnh đạo thành phố. Tôi tin việc phục hồi mở rộng thành Điện Hải sẽ góp phần rất lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

* Bà Bạch Thị Diệu Liên, Tổ trưởng dân phố 13 phường Thạch Thang, quận Hải Châu: Sự đồng thuận lớn trong nhân dân

Chủ trương trùng tu, tôn tạo và trả lại giá trị di tích thành Điện Hải được sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Bằng chứng là sau khi giải thích chủ trương của thành phố, các hộ dân phía tây thành Điện Hải đã đồng ý di dời. Tôi nghĩ sau này con cháu chúng ta biết được nỗ lực của toàn thành phố trong việc trả lại giá trị thành Điện Hải thì càng quý trọng di tích này.

NGỌC HÀ ghi

;
.
.
.
.
.
.