Phục dựng vở tuồng Sơn Hậu

.

Đối với diễn viên tuồng, đảm nhận và diễn tốt các vở tuồng kinh điển là một tiêu chuẩn quan trọng cần đạt đến. Chính vì thế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã phục dựng vở tuồng cổ Sơn Hậu để vừa giữ gìn vốn quý của bộ môn nghệ thuật này, vừa tạo cơ hội cho các diễn viên nhà hát trau dồi vai diễn, thay thế dần những thế hệ đi trước.

Một cảnh trong vở Sơn Hậu do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục dựng.
Một cảnh trong vở Sơn Hậu do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục dựng.

Sơn Hậu là vở tuồng cổ khuyết danh của Việt Nam (có ý kiến cho là của Đào Duy Từ viết) hiện không còn bản gốc, ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, sau được Đào Tấn chỉnh lý. Đây được coi là vở tuồng cung đình kinh điển của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Tích tuồng này hoàn toàn là tác phẩm tưởng tượng.

Riêng với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các thế hệ nghệ sĩ thành danh của nhà hát đều đã trải nghiệm và thể hiện vở tuồng Sơn Hậu; trong đó đặc biệt NSND Trần Đình Sanh với vai chính Kim Lân được những bậc thầy của tuồng đồ miền Trung đánh giá cao.

Theo NSND Trần Đình Sanh, để lột tả được nhân vật Đổng Kim Lân, diễn viên phải chăm chút từng ánh mắt, điệu bộ. Ngay cả đi chân hia thì cách đi cũng biểu hiện tâm trạng, lúc đau đớn, lúc khoan thai kết hợp đồng bộ với tay kiếm, tay roi.

Trong vở tuồng Sơn Hậu có lớp Kim Lân qua đèo buộc người diễn phải xử lý tâm trạng nhân vật bằng thoại và ngôn ngữ hình thể để lột tả tâm trạng đau đớn của Đổng Kim Lân trước cơn đói của hoàng tử, phải cắt máu tay mình để giữ mạng sống cho bề trên, còn trí óc thì miên man nghĩ đến vận mệnh đất nước. Bao nhiêu khối xúc cảm dồn nén trong một vai và người diễn buộc phải thật khéo léo, tinh tế. Trong đoạn này lời không nhiều nhưng lại đòi hỏi sức lực, kỹ thuật biểu diễn cao…

Trong lần phục dựng này, các nghệ sĩ đảm nhận các vai chính như NSƯT Phan Văn Quang vai Kim Lân, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh vai Khương Linh Tá, NSƯT Minh Hải vai bà Nguyệt Hạo… Các nghệ sĩ từng diễn nhiều trích đoạn vở tuồng Sơn Hậu, nhưng đây là lần đầu tiên được diễn nguyên vẹn vở tuồng này. 

“Sơn Hậu được xem là vở tuồng mẫu mực cho nghệ thuật tuồng trên cả nước, nhiều bậc thầy về tuồng đã đảm nhận vai Kim Lân khá ấn tượng. Đây quả thật là một áp lực lớn cho tôi, nhưng tôi cũng muốn tạo cho mình thử thách mới. Trong lần này, tôi may mắn được thầy Trần Đình Sanh hướng dẫn để hoàn thiện vai diễn”, NSƯT Phan Văn Quang tâm sự.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, phục dựng các vở tuồng cổ và xây dựng các vở diễn mới nằm trong kế hoạch hằng năm của nhà hát. Việc gìn giữ càng nhiều vở, chỉnh lý các vở nhiều lần đã làm nên sức sống cho từng đơn vị; qua đó các nghệ sĩ trẻ được các thế hệ đi trước truyền lại những vai diễn mẫu mực. Lần này, nhà hát chọn vở tuồng Sơn Hậu bởi những vở tuồng cổ chứa đựng nhiều hình mẫu nhân vật đạt đến độ mẫu mực, rất cần thiết cho nghệ sĩ, diễn viên nhà hát.

Cũng theo ông Tuấn, NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa được mời làm chỉ đạo chung cho vở diễn. Phục dựng nguyên bản một vở tuồng cổ không chỉ đòi hỏi êkíp tham gia có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm diễn xuất mà bản thân người chỉ đạo nghệ thuật chung phải am hiểu sâu về nghệ thuật này, đồng thời có sự từng trải trên sàn diễn và đầu óc tổ chức tốt. Bên cạnh NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, nhà hát mời NSND Trần Đình Sanh, NSND Thu Nhân làm cố vấn nghệ thuật.

“Khó có thể so sánh với thế hệ vàng từng diễn vở tuồng kinh điển; tuy nhiên, nếu không làm thì sẽ khó có lớp kế cận giữ lửa nghề. Chúng tôi may mắn khi các nghệ sĩ thế hệ vàng của nhà hát vẫn sát cánh, truyền lửa cho lớp kế cận”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.