Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha: Sự nhân văn của người Việt

.

Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha là một trong những minh chứng lịch sử rõ ràng nhất về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam giai đoạn 1858-1860 của các thế lực thực dân. Tuy nhiên, hiện nay, nghĩa địa này nằm hoang phế bên cạnh trụ sở Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Theo các nhà nghiên cứu, cần có cái nhìn khách quan đối với di tích nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha để có hướng xử lý phù hợp.

Nghĩa địa này nằm hoang phế bên cạnh trụ sở Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng (quận Sơn Trà).
Nghĩa địa này nằm hoang phế bên cạnh trụ sở Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng (quận Sơn Trà).

Đi về hướng cảng Tiên Sa, hỏi người dân địa phương nghĩa trang Y Pha Nho (tên gọi khác của nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha) hay đồi hài cốt thì họ chỉ vẽ khá rành rọt. Theo người dân sinh sống trước cổng khu cảng Tiên Sa, thỉnh thoảng du khách phương Tây tìm đến đây để cầu nguyện cho linh hồn những người lính viễn chinh đã mãi mãi nằm lại nơi chân núi bán đảo Sơn Trà.

Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha hiện nằm trên một gò đất cao, được bao bọc chung quanh bởi các bờ tường bằng đá khá kiên cố, chính giữa nghĩa địa có một ngôi nhà nhỏ với những tấm bia ghi các mốc năm 1858-1860. Xung quanh ngôi nhà là các ngôi mộ với những dòng chữ tiếng nước ngoài có đôi chỗ mờ nhạt.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố giải thích thêm, nội dung trên các tấm bia đá trong ngôi nhà được dịch sang tiếng Việt là: “Kỷ niệm các chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault de Genouilly chết trong những năm 1858, 1859 và đã chôn tại nơi này” hay “Đại úy Treille và những người lính công binh trong binh đoàn Hải quân của Pháp xây dựng năm 1898”. Đứng tên dựng bia còn có toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Paul Doumer, Đại tướng Bichoi, Thị trưởng Hauser và Tuyên úy Công giáo Laurent. Còn bên dưới ngôi nhà (dưới đất) là một hầm mộ, nơi xếp các quan tài bằng kẽm có chứa hài cốt ở trong. Riêng sĩ quan thì được chôn cất phía trên quanh khu vực ngôi nhà và có dựng bia phía trước mộ. Hiện còn lại 18 ngôi mộ nhỏ và 14 ngôi mộ lớn, trong số đó có những ngôi mộ mà bia đá còn rõ chữ như mộ Casoon Cabandon, thuộc Đại đội 14 chết ngày 8-8-1859; Don Juan Romani chết trận tháng 9-1858; Labra Anton, Đại úy công binh sinh ở Lille 1820, chết ở Đà Nẵng 1858...

Trước đây, còn một khu vực mộ nữa, cách khu mộ này khoảng 100m theo đường chim bay, nhưng khi mở tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc thì khu mộ này bị giải tỏa. Những ngôi mộ ở đây được chuyển lên chôn cất ở tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).

Cũng theo ông Hồ Tấn Tuấn, nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha là nơi quy tập hài cốt của binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử trận khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong những năm 1858-1860. Sau khi chết, số binh lính này đã được chôn cất vội vã trong những ngôi mộ rất đơn sơ quanh vùng núi Sơn Trà. Đến đầu năm 1898, khi thực dân Pháp lấy Đà Nẵng làm nhượng địa mới nghĩ đến việc cải táng những hài cốt này, lúc bấy giờ người Pháp mai táng hài cốt ở đây.

“Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha là một trong những minh chứng lịch sử rõ ràng nhất cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam giai đoạn 1858-1860 của các thế lực thực dân. Ngành văn hóa trước đây cũng quan tâm khảo sát nghiên cứu lập hồ sơ để đề nghị xếp hạng di tích “chứng tích chiến tranh”, tuy nhiên, vì nhiều lý do vẫn chưa được xếp hạng di tích”, ông Tuấn cho biết.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cho rằng, cần có cái nhìn khách quan hơn đối với di tích này. Hiện tại, nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha cũng như Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh là những di tích xoay quanh thành Điện Hải và có giá trị riêng. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha là hệ quả của cuộc chiến tranh, nhưng không nên khai thác ở khía cạnh chứng tích tội ác chiến tranh mà chú trọng đến yếu tố hòa bình, sự nhân văn của người Việt.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố, ông Bùi Văn Tiếng nhận xét, sự tồn tại của nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha cho thấy sự bao dung của người Việt đối với những người từng tham gia xâm lược, bắn giết nhân dân mình. “Hiện nay, nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha thu hút nhiều khách nước ngoài tham quan và điều khiến họ xúc động là nơi đây thường xuyên được hương khói. Đó mới chính là điều thu hút họ chứ không phải vì đây là nơi cha ông họ nằm lại. Vì thế, nếu được tôn vinh một cách đúng mức thì di tích này thể hiện tinh thần nhân văn của người Việt”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.