Đi xa hơn câu chuyện của "giấy"...

.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam đã thực sự làm mãn nhãn giới yêu thích mỹ thuật Đà Nẵng với triển lãm “Trúc chỉ - Lời của sông” vào tháng 10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Họa sĩ Phan Hải Bằng (đứng giữa) người sáng lập dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam mang triển lãm trúc chỉ đến Đà Nẵng không ngoài mục đích chia sẻ niềm đam mê trong sáng tạo nghệ thuật.
Họa sĩ Phan Hải Bằng (đứng giữa) người sáng lập dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam mang triển lãm trúc chỉ đến Đà Nẵng không ngoài mục đích chia sẻ niềm đam mê trong sáng tạo nghệ thuật.

Thổi hồn vào nguyên liệu truyền thống

Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Đồ họa, Đại học Nghệ thuật Huế chia sẻ, với đồ họa, họa sĩ luôn tìm tòi những chất liệu để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Và ý tưởng về một loại giấy phù hợp cho sáng tác của mình được anh ấp ủ từ năm 2000. Sau quá trình nghiên cứu cách làm giấy dó ở Bắc Ninh, giấy sa ở Thái Lan... Họa sĩ Phan Hải Bằng quyết chọn các loại cây phổ biến và mang tính biểu tượng của Việt Nam làm nguyên liệu chính. Anh từng thử nghiệm với rơm, tre, mía, chuối... và đến năm 2011 anh cho ra đời nghệ thuật trúc chỉ.

Cũng theo họa sĩ Phan Hải Bằng, danh xưng trúc chỉ được nhà văn, dịch giả, nhà giáo Bửu Ý định danh vào tháng 4-2012, với ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để đề cao giá trị Việt. Trúc chỉ theo ý đó được hiểu là một loại hình nghệ thuật - giấy của người Việt, do người Việt tạo ra, chứ không phải chỉ để gọi tên một loại nguyên liệu, cũng như Nhật Bản có giấy washi, Hàn Quốc có hanji... “Trúc chỉ đã thoát ra khỏi thân phận nguyên liệu giấy, đi xa hơn câu chuyện của giấy để trở thành một tác phẩm độc lập, tự thân, mang ngôn ngữ đồ họa rõ nét và có khả năng đối thoại, ứng biến với các loại hình nghệ thuật, chất liệu khác đối với sáng tạo truyền thống cũng như đương đại”, họa sĩ Phan Hải Bằng tâm sự.

Từ trúc chỉ, họa sĩ có thể áp dụng kỹ thuật đồ họa để tạo nên những tác phẩm theo ý đồ sáng tạo của mình. Một trong những cách đó là sử dụng kỹ thuật tạo áp lực nước (water spray), kết hợp với nguyên lý của chế bản đồ họa, cụ thể là in khắc kim loại (etching) và in xuyên (silk screen) để tạo nên nhiều lớp, nhiều sắc độ theo cấu trúc, bố cục và hiệu quả thị giác. Mặt khác, họa sĩ cũng có thể sử dụng áp lực nước như một “bút vẽ”, vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt.

Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, anh ít khi tìm thấy nguồn cảm hứng nào bền bỉ, dai dẳng như trúc chỉ. Các dự án mỹ thuật khác của anh đều dừng ở con số 3 năm ngắn ngủi, nhưng với trúc chỉ, bây giờ đã hơn 5 năm, nhưng anh vẫn theo đuổi niềm đam mê này. Nghệ thuật trúc chỉ mang đến cho anh sự sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn hiện ra với những biểu hiện mới, khác, lạ... như một phép tiếp biến tất yếu. Có điều, sự tiếp biến ấy tạo nên giá trị mới dựa trên khai thác yếu tố truyền thống. Vì thế, các tác phẩm của anh và các cộng sự hướng đến giá trị thẩm mỹ, giáo dục và xã hội; đồng thời không bó hẹp trong yếu tố mỹ thuật mà mở ra một hướng mới trong sáng tác đồ họa nói riêng, nghệ thuật thị giác nói chung và các loại hình nghệ thuật ứng dụng.

Chia sẻ niềm đam mê

Năm 2012, triển lãm trúc chỉ lần đầu tiên chính thức ra mắt ở Huế. Để rồi những năm sau đó, trúc chỉ liên tục có mặt ở các triển lãm nghệ thuật thị giác trong và ngoài nước như “Giấc mơ sau lũy tre làng qua nghệ thuật trúc chỉ” (2013), “Đồ họa không giới hạn”, “Đối thoại tranh in Việt-Bỉ” (2014)... và giành nhiều giải thưởng. Nghệ thuật trúc chỉ cũng được thừa nhận trong giới chuyên môn và lan tỏa trong cộng đồng.

Dù triển lãm nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên, họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam mang trúc chỉ đến với Đà Nẵng và nhận được sự đón nhận của đông đảo người yêu thích mỹ thuật thành phố. Họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm CLB Đồ họa Đà Nẵng chia sẻ, tại triển lãm Trúc chỉ - Lời của sông, họa sĩ Đà Nẵng có cơ hội trải nghiệm thực tế với kỹ thuật đồ họa trúc chỉ. Đây là dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo của các họa sĩ thuộc dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam. “Bản thân mình là một họa sĩ giảng dạy, sáng tác tranh đồ họa nhưng cũng không khỏi ngỡ ngàng trước đồ họa trúc chỉ, cuốn hút lạ kỳ”, họa sĩ Phan Thanh Hải nói.

Trong khi đó, họa sĩ Phan Hải Bằng mang triển lãm Trúc chỉ đến Đà Nẵng cũng không ngoài mục đích chia sẻ niềm đam mê trong sáng tạo nghệ thuật. Dự kiến trong tương lai, dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam sẽ có studio tại Đà Nẵng nhằm trưng bày, giới thiệu tác phẩm, sản phẩm từ trúc chỉ và tổ chức các buổi trải nghiệm nghệ thuật trúc chỉ...

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.