Bàn thêm về một công viên đúng tầm

.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày vừa qua, Báo Đà Nẵng đã dành 3 kỳ báo liên tục (các ngày thứ sáu 22-9, thứ bảy 23-9 và thứ năm 28-9) để đăng bài về số phận của vườn thú trong Công viên 29-3 và hướng giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực trạng của thiết chế văn hóa-du lịch quan trọng này.

Rõ ràng đã đến lúc phải suy nghĩ căn cơ về giải pháp cho Công viên 29-3, một địa chỉ thân thương quen thuộc của cư dân Đà Nẵng. Và cũng từ đó phải tính tới việc quy hoạch xây dựng một công viên mới, “một vườn thú đúng nghĩa” như tiêu đề của 1 trong 3 kỳ báo nói trên.

Một thành phố du lịch, một thành phố môi trường, một thành phố văn minh, hiện đại, không thể không có một địa điểm xứng tầm về vui chơi giải trí, hấp dẫn, độc đáo về muông thú, sản vật, thảo mộc của không chỉ Đà Nẵng mà thậm chí của cả dải đất ven biển miền Trung và Tây Nguyên.

Cần một vườn thú đúng nghĩa trong một công viên đúng tầm.                                     Ảnh: PHAN CHUNG
Cần một vườn thú đúng nghĩa trong một công viên đúng tầm. Ảnh: PHAN CHUNG

Chắc hẳn sau khi đọc loạt bài báo nêu trên, không ít người trong chúng ta bỗng giật mình: đã bao giờ chúng ta trù tính một cách cụ thể về việc xây dựng một vườn bách thú cho thành phố Đà Nẵng? Quả thật, lâu nay chúng ta cứ yên tâm với Công viên 29-3, cảm thấy như thế là đủ đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của người dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh chóng của thành phố, trong mối tương quan chung của thời kỳ hội nhập, rõ ràng chúng ta chưa có một “thảo cầm viên” thật sự.

Một vài con số: Công viên 29-3 rộng hơn 20ha trong đó vườn thú chỉ khoảng 700m2 hiện nuôi nhốt vỏn vẹn 24 cá thể của 5 loài động vật. Thảo Cầm Viên Thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 150 năm tồn tại, qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, đến nay diện tích chuồng trại là 25.000m2, với một vườn thú lớn gồm 590 đầu thú thuộc 125 loài động vật (chưa kể thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài) và đang được bổ sung thêm.

Công viên Thủ Lệ Hà Nội rộng khoảng 29ha, ra đời từ năm 1977 (là vườn thú được tách ra từ Vườn Bách thảo nổi tiếng), nơi đây đang nuôi giữ gần 600 cá thể động vật thuộc 95 loài. Đó là chưa kể những công viên hấp dẫn mới ra đời trong thập kỷ 80 trở lại đây của các nhà đầu tư tư nhân như Công viên Văn hóa Đầm Sen Thành phố Hồ Chí Minh diện tích 50ha, trong đó vườn chim thú có diện tích khoảng 20.000m2 với hệ động vật phong phú  gồm hơn 100 chủng loại động vật nuôi, động vật hoang dã và động vật quý hiếm.

Hoặc như vườn thú trong Công viên Đại Nam (Bình Dương), có 100 loài động vật với phương pháp bảo quản không bị nhốt trong chuồng mà được thả tự nhiên trong khuôn viên rộng 12,5ha. (1)

Tất nhiên không phải vì những con số nêu trên mà người dân Đà Nẵng chúng ta quá nóng vội muốn có ngay được những vườn thú, vườn bách thảo có quy mô và bề dày như thế. Ai cũng hiểu, mọi điều không phải giản đơn.

Trước mắt, theo như đề xuất của các cơ quan chức năng, cần có biện pháp nhằm nuôi dưỡng, bảo vệ số động vật hoang dã ít ỏi hiện có đồng thời cải tạo, nâng cấp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Công viên 29-3 và giao cho cấp quận quản lý.

Song song với điều đó, cần quy hoạch ngay một một công viên xứng tầm, một vườn thú quy mô do thành phố quản lý. Mọi việc phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Trước hết là khâu quy hoạch. Chắc là không dễ nhưng cũng không phải quá khó đối với một mảnh đất mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta nhiều điều kiện địa lý, sinh thái, khí hậu, cảnh quan, môi trường đáp ứng yêu cầu một vườn bách thú như Đà Nẵng hiện nay.

Kể cả nguồn động vật quý hiếm để xây dựng một vườn thú đúng nghĩa, Đà Nẵng chúng ta không hiếm (tất nhiên không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa lý của thảm thực vật và hệ động vật của địa phương mà công tác sưu tầm phải mở rộng trên phạm vi toàn quốc và cả khu vực Đông Nam Á và thế giới trong tương lai lâu dài). Vấn đề là phải có chủ trương, sau đó là sự đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia.

Chúng ta hy vọng một ngày không xa, các cơ quan quản lý, những nhà quy hoạch thành phố sẽ đề xuất và được thành phố phê duyệt dự án về một “thảo cầm viên” thực sự của Đà Nẵng, một địa chỉ thân thiện, hấp dẫn khách du lịch và bà con thành phố. Để thực hiện điều này, một số ý kiến nêu ra là nên tính đến phương thức xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, để có được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, chính quyền thành phố nên có các bước chuyển động trước, có tính chất mở màn, không chỉ ở khâu quy hoạch mà kể cả đầu tư kinh phí. Khi đã có những khởi sắc nhất định, người ta mới dám tiếp tục bỏ vốn tham gia, bởi đây là hình thức kinh doanh không thể sinh lời trước mắt.

NẠI HIÊN


(1) Những số liệu trên đây rút từ trang web của các cơ sở được nêu trên

;
.
.
.
.
.