Khi người trẻ "viết tiếp huyền thoại"

.

Tiếp tục làm phim về chiến tranh cách mạng, những đạo diễn trẻ đã chứng tỏ họ đi đúng đường. Không chỉ “viết tiếp huyền thoại”, họ còn thổi luồng gió mới để phim không còn đóng khung trong những ngày kỷ niệm mà đến gần người xem hơn.

Cảnh trong phim Mắt biển (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) của đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Cảnh trong phim Mắt biển (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) của đạo diễn Đặng Thái Huyền.

1. Mới đây, bộ phim điện ảnh mới nhất Mắt biển (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền được chọn chiếu khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Đây là vinh dự của nữ đạo diễn 8X “đời đầu”. Nhưng có lẽ nhiều người không mấy bất ngờ, vì cái tên Đặng Thái Huyền bây giờ đã đủ để “đảm bảo” cho một bộ phim chất lượng, đặc biệt là phim về đề tài chiến tranh cách mạng.

Sau Đêm vùng biên và Mười ba bến nước liên tiếp nhận nhiều giải thưởng tại hai Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 14 và 16, giới chuyên môn nhận định “Đặng Thái Huyền là một phát hiện mới của điện ảnh nước nhà”. Đến Người trở về thì tên tuổi Đặng Thái Huyền thực sự được chú ý. Đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2015, trước đó phim “chu du” qua các rạp chiếu trong Nam ngoài Bắc và nhận được sự đồng cảm, cổ vũ, khích lệ, yêu mến từ đông đảo các tầng lớp khán giả, bản thân Đặng Thái Huyền chủ động đề nghị đưa phim ra rạp và sự chủ động đó được đền đáp xứng đáng. Khán giả kéo tới xem, ra về, nước mắt đã lau khô rồi nhưng trái tim còn thổn thức. Người ta vẫn thấy bom rơi đạn nổ ác liệt của chiến tranh, nhưng cái khốc liệt nhất vẫn là sự trở về, đối diện với hòa bình, với thân phận của chính mình và những người thân của người lính. Đặng Thái Huyền đã xử lý rất tốt về tâm lý nhân vật, đặc biệt là người phụ nữ sau chiến tranh. Những đau khổ, mất mát, hy sinh, nhất là sự giằng xé nội tâm của họ và cách cư xử nhân văn, thấm đẫm tình người mới chính là điều neo đọng lại trong lòng khán giả.

Nhắc đến đạo diễn trẻ làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng, có thể kể đến Bùi Tuấn Dũng (SN 1975). Với những bộ phim Đường thư, Những người viết huyền thoại, Thầu Chín ở Xiêm, Đường lên Điện Biên, Bùi Tuấn Dũng khẳng định mình ở thể loại phim vốn được “đóng đinh” cho những đạo diễn gạo cội ở thế hệ đi trước. Bộ phim Những người viết huyền thoại đoạt giải Bông sen vàng lần thứ 18 dựa trên câu chuyện về chiến công của Binh đoàn 559 trong việc lắp đặt đường ống dẫn dầu vào chiến trường miền Nam những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không dừng lại ở khía cạnh khuếch trương lý tưởng trong chiến tranh hay sự quan trọng, kỳ tích của đường ống dẫn dầu vào mặt trận phía Nam, phim tập trung vẽ nên những mất mát không thể bù đắp của người lính bình dị. Trong khi đó, Đường thư kể về sự hy sinh thầm lặng và đau thương của những chiến sĩ quân bưu trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Không có sự hoành tráng của những chiến dịch, những trận đánh lớn, phim đi sâu vào những chi tiết, những cảm nhận cụ thể nhất về chiến tranh qua những bức thư gửi về hậu phương, qua cảm nhận của người lính trẻ.

2. Với các đạo diễn trẻ, làm phim đâu chỉ là nhiệm vụ chính trị, dù đúng là phim làm ra để kỷ niệm các ngày lễ lớn của Nhà nước, được Nhà nước đầu tư, đặt hàng và cũng là công việc của hãng phim nơi họ công tác. Điều quan trọng, họ đã biết tìm tòi, khai thác tâm lý, nội tâm, thân phận của người lính với cái nhìn mới mẻ.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự: “Khi tôi nhận làm đạo diễn bộ phim Người trở về, tôi nhập mình vào nhân vật, cố gắng đặt mình vào địa vị nhân vật đó trong những cảnh huống như thế thì mình sẽ xử lý như thế nào. Và đâu đó trong nhân vật là số phận của mình, tình cảm của mình, thấy mình trong đó. Tôi vui khi gửi được tâm tư của mình và cũng có thể là tâm tư của bao nhiêu người khác trong đó...”. Còn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Tôi không làm phim theo tính khẩu hiệu tuyên truyền, tôi cũng làm phim theo đề tài đó nhưng phim của tôi là câu chuyện nghệ thuật mang tính giải trí cao. Tôi đi sâu vào số phận nhân vật, chiến tranh chỉ là cái nền để tôi thể hiện câu chuyện của tôi”.

Nhận định về thế hệ trẻ làm phim liên quan đến chiến tranh, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: “Chúng tôi giờ chỉ trông đợi vào thế hệ trẻ, những người đang có nhiều điều kiện học hỏi, có sức trẻ. Họ không trải qua chiến tranh, mà chỉ được đọc qua sách, được nghe kể, nhưng họ có nét riêng, nét trẻ”.

Tiếp theo những Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Hoa ban đỏ, Cánh đồng hoang... và gần đây là Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, các tác phẩm của những đạo diễn như Bùi Tuấn Dũng, Đặng Thái Huyền khiến dòng phim chiến tranh cách mạng vẫn đạt được những thành tựu và góp phần khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Họ chẳng những truyền tải thông điệp của phim chiến tranh cách mạng hiệu quả, “trúng đích”, mà còn khiến dòng phim này trở nên hấp dẫn với nhiều tầng lớp khán giả. Họ cũng đã chứng minh, dù làm phim về đề tài gì, cứ bỏ tâm trí, công sức và sự sáng tạo cùng với đam mê thì phim sẽ có khán giả, sẽ đứng lại với thời gian.

Nói như Trương Minh Quốc Thái - diễn viên được “chọn mặt gửi vàng” qua khá nhiều phim chiến tranh cách mạng gần đây: “Các nhà làm phim hiện nay cũng đã thay đổi rất nhiều để tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ. Nhiều bạn bất ngờ vì ban đầu tưởng xem phim “buồn ngủ”, nhưng sau đó cảm động và khóc, cười cùng nhân vật. Hy vọng khán giả sẽ quan tâm theo dõi vì chúng tôi đã bỏ công bỏ sức để mang đến thông điệp nhân văn và tấm lòng yêu nước của chúng tôi”.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.