Rút ngắn khoảng cách văn hóa đọc

.

Phát triển văn hóa đọc được các cấp, ngành, đoàn thể quận Sơn Trà đặc biệt quan tâm và bước đầu cho tín hiệu tích cực.

Tủ sách cộng đồng tại nhà chị Mai trở thành “thư viện” thu nhỏ, nhen nhóm phong trào đọc sách tại địa phương.
Tủ sách cộng đồng tại nhà chị Mai trở thành “thư viện” thu nhỏ, nhen nhóm phong trào đọc sách tại địa phương.

Công viên vui chơi công cộng cho trẻ em kết hợp phòng đọc và cà-phê sách có quy mô 1.000m2 thuộc khu dân cư An Hòa, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà do cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ gần 1 tỷ đồng luôn nhộn nhịp thiếu nhi đến đọc sách, học tiếng nước ngoài, chơi trò chơi dân gian, tham gia câu lạc bộ môi trường… trong hai ngày cuối tuần.

Ông Nguyễn Thành Lương, Tổ trưởng tổ dân phố 138, phường An Hải Bắc cho biết: “Quán cà-phê sách trong khuôn viên được kêu gọi xã hội hóa đầu tư khang trang, chủ quán cũng ý thức việc bảo quản, tôn tạo cây xanh, góp phần làm đẹp không gian này. Thỉnh thoảng có người nước ngoài đến nói tiếng Anh với bọn trẻ con nơi đây khiến không khí những ngày cuối tuần rất rộn ràng”.

Để góp phần đưa văn hóa đọc đến tận các khu dân cư, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý phát triển vùng đô thị quận xây dựng mô hình “Tủ sách cộng đồng”. Theo đó, 4 tủ sách (2 tủ do Hội LHPN quận chủ công và 2 tủ vận động hội viên phụ nữ đóng góp) được đặt ở các khu vực phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ. Mô hình này nhận được sự hưởng ứng của các cán bộ phụ nữ cơ sở.

Nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chi hội trưởng Chi hội 38, phường Phước Mỹ là một trong 4 nơi đặt tủ sách cộng đồng của phường. Dù mới hình thành hơn 3 tháng nay nhưng nhà chị đã trở thành “thư viện” nho nhỏ thu hút khá đông người dân đến đọc sách. Các em nhỏ tụm năm, tụm ba đọc truyện, chơi cờ vua; các bà, các chị truyền tay nhau những tờ tạp chí phụ nữ, các sách nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe... Một số bạn đọc còn tranh thủ mượn sách về nhà xem. Cách mượn cũng khá đơn giản. “Bạn đọc” tự tay ghi vào cuốn sổ con con đặt trong tủ sách, rồi tự mang tới trả. Có những “bạn đọc” nhí tới đọc sách, chơi cờ, ra về còn được chủ nhà thưởng cho viên kẹo be bé để ngày mai còn quay lại...

Chị Ngọc Mai tâm sự, “bạn đọc” toàn là người trong khu dân cư nên không sợ thất lạc sách vì sách được huy động từ trong chính nhân dân. “Tuy nhiên, có hôm thấy mấy chị đọc tới đọc lui vài cuốn sách, sợ “bạn đọc” chán, tôi phải lên thư viện quận mượn sách về phục vụ. Với sách mượn từ thư viện thì tôi nhắc chừng để khỏi bị thất lạc. Tôi chỉ mong được các ngành, đoàn thể hỗ trợ thêm sách, báo cho phong phú tủ sách, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con và thanh - thiếu nhi”, chị Mai nói.

Tại quận Sơn Trà, phong trào xây dựng văn hóa đọc cũng ghi dấu ấn với việc tổ chức hội sách trong hai năm gần đây. Dù quy mô chưa sánh bằng hội sách Hải Châu, nhưng Tuần lễ sách Sơn Trà cũng góp phần không nhỏ tạo không khí đọc sách nơi đây.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngày hội sách được tổ chức nhằm khẳng định tầm quan trọng và tôn vinh giá trị của sách; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia quá trình sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Tuần lễ sách Sơn Trà không chỉ là hoạt động mua bán sách đơn thuần mà còn lồng ghép các hoạt động văn hóa, kêu gọi hiến tặng sách từ người dân. Qua đó, mỗi người dân có trách nhiệm đối với việc gầy dựng phong trào đọc sách trên địa bàn, hướng đến môi trường văn hóa lành mạnh. “Chúng tôi đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách văn hóa đọc so với những khu vực được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, có điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc”, ông Xứng nói thêm.

 Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.