.

Địa chỉ mỹ thuật đáng xem

.

Gần đây, Studio Vũ Trọng Thuấn (227 Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) được nhiều khách du lịch tìm đến tham quan. Với giới hội họa, từ lâu địa chỉ này thành nơi hội ngộ của những người thích khám phá ngôn ngữ nghệ thuật đường nét và màu sắc.

Một góc triển lãm “Mùa xuân” tại Studio Vũ Trọng Thuấn. TRONG ẢNH: Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn (trái) giới thiệu bức tranh Việt Nam dài 12m của ông đang trưng bày tại triển lãm.
Một góc triển lãm “Mùa xuân” tại Studio Vũ Trọng Thuấn. TRONG ẢNH: Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn (trái) giới thiệu bức tranh Việt Nam dài 12m của ông đang trưng bày tại triển lãm.

Studio Vũ Trọng Thuấn trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu sáng tác của nhiều họa sĩ nổi tiếng trên khắp cả nước và tổ chức các triển lãm mỹ thuật chất lượng. Có thể kể đến như “Triển lãm cuối hè” của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi - triển lãm đầu tiên mà họa sĩ này tổ chức tại Đà Nẵng và lần thứ 4 tại Việt Nam kể từ khi ông định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1988.

Triển lãm tranh sơn mài chủ đề “Chúng tôi”, giới thiệu 41 tác phẩm của gia đình 3 họa sĩ yêu sơn mài đến từ Huế gồm Nguyễn Đức Huy, Lương Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Đức Phước cùng họa sĩ đến từ Nhật Bản Yoshifumi Hama. Triển lãm “Mùa xuân” của 11 họa sĩ tên tuổi như: Vũ Trọng Thuấn, Tường Vinh, Lê Huỳnh, Hoàng Đặng, Vũ Dương, Duy Ninh, Nguyễn Trung Kỳ, Hồ Đình Nam Kha...

Cũng từ đây, nhiều trại sáng tác được tổ chức như: Trại sáng tác tranh sơn mài hiện đại 2015 với sự tham gia của 27 tác giả là các họa sĩ chuyên và không chuyên ngành sơn mài đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; trại sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng 2016 thu hút 14 họa sỹ tên tuổi trong làng Mỹ thuật Việt Nam như họa sĩ Vĩnh Phối, Hồ Hữu Thủ, Dương Sen, Vũ Trọng Thuấn, Nguyễn Thượng Hỷ...

Trong thời gian tham gia trại sáng tác, các họa sĩ cùng ăn, ở và sáng tác ngay tại Studio Vũ Trọng Thuấn. Dù không thật tiện nghi nhưng với họ điều này lại vô cùng sảng khoái bởi như họ nói, chỉ Vũ Trọng Thuấn mới hiểu được cái “gàn” của người nghệ sĩ và chiều theo những “sở thích” khác thường của mấy ông bạn già.

Với họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, những cuộc triển lãm, trại sáng tác ông đi cùng với hội họa Đà Nẵng mấy năm qua cũng giống cuộc hội ngộ của những người yêu hội họa. Chính khám phá bí ẩn trong ngôn ngữ nghệ thuật màu sắc đã hướng các nghệ sĩ đến với nhau để đưa cái đẹp cùng thăng hoa, dù cá tính mỗi người mỗi khác.

Đó cũng là cảm nhận của họa sĩ đến từ Nhật Bản Yoshifumi Hama, khi lần đầu tiên tham dự triển lãm tranh tại Đà Nẵng. Yoshifumi Hama (sinh năm 1949) tốt nghiệp đại học chuyên ngành nghệ thuật và thiết kế tại Nhật năm 1974, sang Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu về sơn mài tại Huế năm 1997.

“Tôi đến Đà Nẵng nhiều lần, nhưng triển lãm tranh chỉ lần đầu. Không gian triển lãm, nhất là người chủ nơi đây là một họa sĩ danh tiếng đã mang lại cho tôi ấn tượng vô cùng đặc biệt. Rõ ràng hội họa đã giúp con người vượt qua khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ và hướng đến cái đẹp”, họa sĩ Yoshifumi Hama tâm sự.

Bên cạnh Bảo tàng Mỹ thuật, tại Đà Nẵng hiện nay có rất ít gallery mỹ thuật chất lượng như Studio Vũ Trọng Thuấn. Tuy nhiên, mải miết tập trung sáng tác, phòng tranh của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn chỉ gần như mở cửa khi có triển lãm, trại sáng tác và những vị khách “đặc biệt” bởi hơn 20 năm qua tranh ông vẽ để dành chứ không bán.

Thời gian gần đây, một số người tâm huyết đã thuyết phục họa sĩ Vũ Trọng Thuấn đẩy mạnh hoạt động trưng bày tại gallery. Theo đó, gallery hiện mở cửa thường xuyên phục vụ khách tham quan phòng trưng bày kể cả xưởng vẽ của họa sĩ này. Hiện tại, gallery vẫn đang trưng bày triển lãm “Mùa xuân” của 10 tác giả tên tuổi của Đà Nẵng.

Điểm nhấn triển lãm là bức tranh tên gọi “Việt Nam”, dài 12m, cao 2,5m, vẽ bằng chất liệu màu nước của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn. Ông đã mất 2 năm ròng rã để sáng tác, song họa sĩ này cho biết sẽ tiếp tục chỉnh sửa khi nào hài lòng mới thôi.

Trong cuốn sổ lưu niệm tại Studio Vũ Trọng Thuấn, dễ dàng bắt gặp những dòng chữ bằng nhiều thứ tiếng, tất cả chất chứa sự yêu mến đối với nơi lưu giữ sắc màu thời gian. Với Vũ Trọng Thuấn, đó cũng là nguồn động lực để ông tiếp tục sáng tác, cống hiến cho mỹ thuật thành phố. Ông mong rằng Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều gallery chất lượng làm điểm đến văn hóa cho người dân và du khách.

“Thành phố Đà Nẵng có nhiều thứ để tự hào, nhưng văn hóa Đà Nẵng còn thiếu nhiều. Tôi nói thật, không phải tự nhiên mà người phương Tây họ thích đến bảo tàng, thích đọc sách đâu. Hồi sống ở Paris, tôi thường thấy trẻ con từ 5-6 tuổi đã tìm hiểu về mỹ thuật. Dần dà, tình yêu ấy ngấm dần qua năm tháng. Tôi hy vọng có nhiều điểm đến văn hóa hơn cho người Đà Nẵng”, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn tâm sự.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.