Văn hóa - Giải trí

Giới thiệu sách "Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân"

18:40, 25/02/2017 (GMT+7)

ĐNĐT - Nhân 10 năm ngày mất của ông Hồ Nghinh (16-3-2007 - 16-3-2017), sáng 25-2, Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức giới thiệu cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhan đề Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tặng sách cho đại diện trường vinh dự mang tên ông Hồ Nghinh.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tặng sách cho đại diện Trường THCS Hồ Nghinh.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tham dự.

Tại buổi giới thiệu sách, các cộng sự từng công tác, chiến đấu với ông Hồ Nghinh lúc sinh thời, những người được ông Hồ Nghinh đào tạo như: Nguyễn Đình An, Lê Đào, Hồ Duy Lệ, Hồ Duy Diệm… đã chia sẻ kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc của mình về ông Hồ Nghinh bằng sự kính trọng và yêu thương.

Những hồi ức đó không chỉ khắc họa một hình ảnh Hồ Nghinh – người tri thức luôn đồng hành với cách mạng và dân tộc, một vị lãnh đạo luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý mà còn là một con người giàu tình nghĩa, luôn hết mình vì nhân dân, đồng chí, đồng đội.

Nhiều kỷ niệm, dấu ấn của ông Hồ Nghinh được tái hiện rõ nét hơn trong tác phẩm “Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân” với hơn 30 bài viết của các tác giả nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, các nhà nghiên cứu… dày 350 trang.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Khoa học Lịch sử thành phố thì “Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân”, giúp người đọc hình dung rõ hơn về một Hồ Nghinh luôn khát khao cái mới, luôn đổi mới cách nghĩ cách làm, một Hồ Nghinh hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Phát biểu tại buổi giới thiệu, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ sự biết ơn đối với công lao to lớn của ông Hồ Nghinh đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, là thế hệ đi sau, chưa có dịp gặp gỡ, tiếp xúc nhưng mỗi câu chuyện về ông Hồ Nghinh là bài học, là tấm gương để mỗi lãnh đạo học hỏi, noi theo về đức độ và tài năng, sự chân chính, ứng xử trân quý với trí thức, hết lòng phục vụ nhân dân…

Hồ Nghinh (1915 – 2007) là nhà cách mạng Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng nam Đà nẵng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ông có tên thật là Hồ Hữu Phước, sinh ngày 15-2-1915 tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; thường trú tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Ông tham gia cách mạng năm 1929, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên.

Năm 1946, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 1947 được bầu làm Phó bí thư Huyện ủy Duy Xuyên.

Tháng 1-1949, được bầu vào Tỉnh ủy, một năm sau được cử vào ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Mặt trận Liên Việt Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến năm 1954.

Sau Hiệp định Genève (7-1954), được bố trí ở lại hoạt động (trong Ban Chấp hành Tỉnh ủy bí mật); năm 1955 được Khu ủy cử ra miền Bắc bằng con đường hợp pháp. Đến tháng 5-1955, được điều về Ban Liên hiệp đình chiến (gồm cả sĩ quan Pháp và Việt Nam).

Năm 1959, trở về chiến trường miền Nam và tham gia chiến đấu cho đến ngày toàn thắng (30-4-1975), đã kinh qua các chức vụ Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà (1962-1972), Ủy viên Thường vụ Khu ủy V, Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong Đại hội Mặt trận lần thứ nhất (2-1962).

Sau ngày giải phóng, Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, ông có công lớn trong việc chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp không hoàn toàn theo công thức rập khuôn, giáo điều như nhiều nơi khác và đạt được những thành tích lớn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã thuyết phục được những người lãnh đạo ngành thủy lợi và những quan chức lãnh đạo kinh tế trung ương cho phép xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh Quảng Nam trong điều kiện nguồn vốn xây dựng cơ bản còn rất eo hẹp.

Nhờ đó mà nửa tỉnh đất cằn cỗi ở phía nam, rộng 25.000 ha từ một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp thành cánh đồng lúa hai vụ xanh tươi.

Cả cuộc đời cách mạng của ông luôn gắn bó với chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, là Bí thư Tỉnh ủy gần như liên tục suốt 19 năm (1963-1982).

Trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, và ở Đại hội khóa V, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1982, ông được cử làm Phó ban Kinh tế Trung ương cho đến khi nghỉ hưu.

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

 

.