.

Nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật

.

Thời gian qua, ngành văn hóa Đà Nẵng đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, sự kiện sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả đến xem nhân dịp lễ, kỷ niệm lớn của thành phố. Qua đó, nhiều đơn vị đã không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn, góp phần tạo nên diện mạo mới trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật tại thành phố.

Những dấu hiệu khởi sắc

Sở VH-TT&DL đã chủ trì sản xuất DVD với chủ đề “Tình yêu Đà Nẵng” gồm 10 ca khúc hay về thành phố được chọn lọc và Hội đồng nghệ thuật thành phố thẩm định. Đây là đĩa nhạc thứ hai được đầu tư bài bản, công phu giới thiệu, quảng bá ca khúc về thành phố, kể từ ngày giải phóng Đà Nẵng.

Các nhà hát, Cung Thể thao Tiên Sơn đã phối hợp tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân, du khách và thực hiện nhiệm vụ chính trị; đặc biệt, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng tạo ấn tượng trong lòng công chúng. Trung tâm tổ chức sự kiện và lễ hội duy trì việc tổ chức tốt chương trình “Âm nhạc đường phố”.

Bên cạnh đó, Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng tổ chức nhiều chương trình đáp ứng sự đa dạng nhu cầu giải trí của người dân cũng như du khách. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, Nhà hát Trưng Vương tham gia phục vụ và phối hợp tổ chức 107 chương trình nghệ thuật, sự kiện, thu hút khoảng 95.000 lượt người xem (trong đó Đoàn Ca múa nhạc biểu diễn 39 buổi, thu hút 30.000 lượt người xem). Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham gia và phối hợp tổ chức 110 buổi biểu diễn (trong đó tổ chức 55 buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch), thu hút khoảng 40.200 lượt người xem.

“Ngoài biểu diễn tại nhà hát, tháng 7 vừa qua, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã trình diễn thử nghiệm đưa tuồng xuống phố nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống đến đông đảo người dân và du khách. Qua 4 đêm diễn, chúng tôi nhận được nhiều tình cảm cũng như sự quan tâm của người dân và du khách”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng cho biết.

Trong khi đó, những đêm diễn tại Nhà hát Trưng Vương ngày càng đa dạng và chất lượng, hướng đến nhiều đối tượng khán giả như: chương trình hòa nhạc giao hưởng, những đêm tình ca, nhiều vở kịch thiếu nhi của CLB kịch Cầu Vồng của nhà hát phục vụ khán giả nhí...

Cần chính sách thu hút tài năng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, thành phố dành nhiều sự quan tâm đối với Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Cụ thể, đầu tư cho Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để mở rộng khán phòng; xây mới phòng kỹ thuật; cải tạo, bổ sung hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điều hòa, bố trí 331 ghế mới trong khán phòng. Đầu tư mua sắm, lắp thêm thiết bị cho Nhà hát Trưng Vương.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đó chỉ là những hỗ trợ cơ bản, trong khi chất lượng biểu diễn nghệ thuật nằm ở lực lượng biểu diễn.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, NSND Trần Đình Sanh, dẫn chứng: Những năm sau giải phóng, nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật coi Đà Nẵng là nơi có công chúng lý tưởng nhất. Nhiều hoạt động văn hóa đã có đất sống tại đây, như loại hình nghệ thuật uyên bác là nhạc giao hưởng đã đến biểu diễn 10 đêm liên tục với dàn nghệ sĩ hơn 100 người. Vở kịch Nhân danh công lý biểu diễn cả tháng vẫn có khán giả xem. Điều này chứng tỏ khán giả Đà Nẵng rất yêu nghệ thuật.

Quan trọng là chúng ta làm cách nào để thu hút họ đến nhà hát và bài toán đặt ra là phải có những người tài năng, tâm huyết với nghề trên các mặt: quản lý, đạo diễn, sáng tác, biên kịch, diễn viên… Muốn vậy, phải biết chọn đúng người có tài, tâm huyết với nghề bằng chính sách thu hút nhân tài đặc biệt. Sau đó, đào tạo bài bản và tạo cơ hội cho diễn viên biểu diễn. Nếu không, nhà hát vẫn còn đó, nhưng nghệ thuật mất đi một cách tự nhiên.

NSND Trần Đình Sanh cũng chia sẻ: “Thật khó để đạt lượng khán giả đông đảo như ngày trước, vì khán giả bây giờ bị phân hóa bởi nhiều kênh giải trí. Nhưng tôi vẫn hy vọng biểu diễn nghệ thuật của thành phố, nhất là nghệ thuật truyền thống sẽ thu hút một bộ phận khán giả đến với nhà hát nếu chúng ta đầu tư nghiêm túc...”.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.