.

Thiên tiểu thuyết về tình yêu và tội ác

.

Làm thế nào để có thể duy trì sự tò mò của độc giả trong 700 trang sách khổ 15,5 x 23,2cm của một cuốn tiểu thuyết trinh thám như Sự thật về vụ án Harry Quebert hay chuyện nàng Nola.

Tiểu thuyết Sự thật về vụ án Harry Quebert hay chuyện nàng Nola đoạt các giải thưởng văn học uy tín của Pháp.
Tiểu thuyết Sự thật về vụ án Harry Quebert hay chuyện nàng Nola đoạt các giải thưởng văn học uy tín của Pháp.

Câu hỏi không dễ trả lời này đã được nhà văn Joel Dicker (sinh năm 1985 tại Geneva, Thụy Sĩ) trả lời. Sự hấp dẫn kéo tới tận trang cuối cùng khiến độc giả vỡ òa trong cảm xúc thỏa mãn như vừa vượt qua cánh rừng u u minh minh của những thật - giả liên tục bị hoán đổi nhau. Và không phải vô lý khi Christopher MacLehose, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dịch thuật của Anh nhận định: “Sự thật về vụ án Harry Quebert hay chuyện nàng Nola đã thổi bay vị trí đầu bảng trong danh sách bán chạy trên khắp châu Âu của Hỏa ngục do Dan Brown sáng tác trong suốt mùa hè vừa qua”.

Hài cốt của cô bé 15 tuổi Nola Kellergan được tìm thấy sau 30 năm mất tích ngay trên mảnh đất ngôi nhà thuộc sở hữu của giáo sư đại học lừng danh Harry Quebert. Chi tiết này trở thành điều cốt yếu trong câu chuyện trinh thám mà nhà văn 30 tuổi Dicker khai thác.

Nếu xem tiểu thuyết của Dicker là một trò chơi với các mảnh ghép thì chi tiết đó như miếng ghép quan trọng nhất, nhưng ẩn chứa quá nhiều bí ẩn, thách thức. Miếng ghép đó đúng là tâm điểm của bức tranh tổng thể, nhưng gần như mọi mảnh ghép xung quanh đều chưa thấy, và sự liên đới giữa các mảnh đã thấy hoàn toàn đứt rời. Khoảng thời gian 30 năm vừa đủ để người ta quên một chuyện buồn trong quá khứ với những người vô can, nhưng chừng ấy năm tháng dường như vẫn khiến nỗi day dứt trong lòng những kẻ liên quan vẹn nguyên.

Hài cốt Nola bị phát hiện cùng với bản thảo đánh máy cuốn sách Nguồn gốc của cái xấu xa, tác phẩm làm nên sự nghiệp và tên tuổi lẫy lừng của giáo sư Harry Quebert. Cùng với đó là chuỗi kết tội bỗng chốc hủy diệt sự nghiệp và tên tuổi của ông. Harry bị bắt giam với tang chứng, vật chứng rành rành. Khủng khiếp hơn khi người ta liên đới logic rằng, ông già này từng viết một thiên tiểu thuyết tình ái diễm lệ cho một cô bé mới 15 tuổi Nola. Tội ác, sự suy đồi đạo đức, bệnh hoạn trong xu hướng tình dục…, tất cả đã nhấn chìm Harry Quebert.

Nhưng học trò gần gũi nhất của Harry là Marcus, người từng được chính Harry dìu dắt trở thành nhà văn nổi tiếng, đã không tin thầy mình có tội. Marcus đã lao vào cuộc điều tra để dần dần vén bức màn bí ẩn từ 3 thập niên trước.

Nhà văn Joel Dicker quả là người giỏi trêu đùa độc giả khi anh liên tục có những cú “lật” ngoạn mục trong diễn tiến mạch truyện. Theo từng chương, độc giả bị cuốn vào những giả thuyết điều tra, để tin, rồi không tin, rồi lại tin chuyện này là thật, chuyện kia là giả, người này có tội, người kia không.

Thật hóa giả, giả hóa thật trong chuỗi sự kiện thoạt tưởng hợp lý nhưng rồi thoắt trở thành vô lý chỉ bởi sự đứt nối ở một chi tiết nhỏ. Người đọc “ngã ngửa” ở những chi tiết như: tấm ảnh vô lý của ông Robert Quinn bên chiếc Monte Carlo màu đen, căn bệnh rối loạn đa nhân cách và người mẹ độc ác trong tưởng tượng của Nola, sự lừa dối suốt 30 năm của nhà văn Harry khi nhận mình là tác giả Nguồn gốc của cái xấu xa…

Các lớp lang của cuộc điều tra như lớp bụi đất phủ mờ trên một món đồ cổ chôn sâu nhiều năm dưới lòng đất. Thoạt đầu người ta nghĩ thủ phạm giết Nola là Harry Quebert. Sau đó, người ta lại chuyển sang ngờ vực Pratt, Stern. Đã có lúc bạn đọc mười mươi đồng tình với kết luận thủ phạm giết Nola là Luther sau khi phát hiện chiếc xe gây án lao xuống vách núi với xác của anh này trong đó. Nhưng rồi rốt cuộc, kẻ gây án được xác định vào phút chót lại chính là những viên cảnh sát trong vùng. Những người mà sau khi giết nạn nhân, họ lại cầm chính vũ khí gây án để nhập vai lực lượng chức năng đi truy lùng thủ phạm. Và bởi thủ phạm chính là người đóng vai truy lùng nghi phạm nên vụ việc đã bị ém nhẹm đi trong suốt 30 năm.

Nhà văn Joel Dicker sử dụng bút pháp kể chuyện trinh thám linh hoạt và đầy ma thuật. Đôi khi anh lặp lại nguyên văn những trang viết, đoạn viết một cách chủ ý mà không làm người đọc bực mình hay sốt ruột. Họ cảm ơn anh vì đã giúp họ khôi phục mạch nối giữa một rừng tình tiết phức tạp của vụ án mạng 30 năm trước.

Có khi anh dựng lại cùng một tình huống truyện trong quá khứ từ những góc nhìn các nhân vật khác nhau. Việc Stern ghé nhà Harry trong lúc Nola ở trong bếp được tái hiện trong câu chuyện của Stern và Harry. Cuộc gặp gỡ giữa Stern và Harry tại nhà hàng Clark’s được kể lại qua góc nhìn của Jenny và Harry… Cứ thế, ngòi bút linh hoạt của nhà văn trẻ tự mình phân tách thành những góc nhìn khác nhau soi chiếu sự việc.

Đan xen với mạch truyện chính liên quan tới vụ án Nola bị giết hại, nhà văn Joel Dicker còn lồng vào những mạch đi riêng liên đới tới nó một cách duyên dáng.

Đó là câu chuyện sinh động về môi trường của giới xuất bản Mỹ với những đòi hỏi khắc nghiệt, nếu không muốn nói là khốc liệt trước áp lực cạnh tranh của thị trường.

Đó lại cũng là mạch truyện của những trao đổi về nghề văn giữa thầy Harry và Marcus. Những đoạn ngắn ngủi mở đầu mỗi chương trở thành dòng chảy riêng như một cách đúc kết thú vị về nghề của chính tác giả. Đó còn là áp lực của “những trang trắng”, áp lực để vượt qua chính mình của mỗi nhà văn sau một thành công vang dội trong quá khứ.

Như một lẽ tất yếu, đọc cuốn sách này, người ta cũng sẽ hiểu không ít điều về nhà văn trẻ Joel Dicker. Đó là sự trùng lặp phần nào đó giữa nhân vật Marcus và nhà văn tác giả Dicker: họ cùng là nhà văn trẻ, cùng rất thành đạt với cuốn sách đầu tiên, cùng trăn trở cho một cuốn thứ hai, cùng mơ những điều lý tưởng phía sau con chữ…

Ngay sau khi ra mắt vào năm 2012, tác phẩm Sự thật về vụ án Harry Quebert hay chuyện nàng Nola đã nhanh chóng nhận được các giải thưởng văn học uy tín của Pháp như Grand Prix du Roman de I’Académie francaise; Prix Goncourt des Lycéens và Prix Vocation Bleustein-Balanchet. Cuốn sách bán được 2 triệu bản trong năm và được chuyển nhượng bản quyền ở 32 quốc gia trên thế giới.

DƯƠNG QUANG

;
.
.
.
.
.