.

Lắng nghe đổi thay từ đời sống văn hóa

.

Nói về những đổi thay trong đời sống văn hóa của người Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng, nếu lấy những con số, số liệu thống kê và công trình, thiết chế văn hóa, hay những số liệu có thể thống kê khác làm thước đo thì quả là “làm khó” đối với các đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Sân khấu kịch nói đang trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với người Đà Nẵng.  TRONG ẢNH: Cảnh trong vở kịch nói Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Ảnh: T.T
Sân khấu kịch nói đang trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với người Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Cảnh trong vở kịch nói Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Ảnh: T.T

Hơn nữa, công cuộc cải tổ, đầu tư cho văn hóa từ ngày Đà Nẵng được chia tách đến nay, dường như mới bắt đầu. Vậy nên, không dễ để đưa ra những con số hay đánh giá thật xác đáng. Nhưng có một sự thay đổi không khó để nhận ra là, sự chuyển biến về mặt ý thức, thói quen của người dân trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; thói quen trong thưởng thức văn hóa - nghệ thuật nói chung…

Ý thức dựng xây từ những hành động nhỏ

Đó có thể chỉ bắt đầu từ những hành động rất nhỏ như thói quen bỏ rác vào thùng, không phóng uế bừa bãi... tại các khu dân cư ven biển.

Ngày xưa, khu vực dân cư gần cầu Phú Lộc (quận Liên Chiểu) được gọi là “Phố ruồi” vì tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, như một minh chứng để thấy sự khác biệt, đổi thay trong nếp sống văn hóa của cư dân Đà Nẵng. Theo người dân, chỉ cách đây chừng 15-20 năm, cả khu dân cư đông đúc nơi đây tuyệt nhiên không biết đến khái niệm thu gom rác; tất cả đều đổ ra biển, kể cả phóng uế. Rồi họ cùng tắm rửa, giặt giũ ngay ở biển với tất cả cái tanh tưởi, bẩn thỉu được cộng đồng dân cư nơi đây… thải ra hằng ngày.

Vậy mà nay, khi nghe đến chuyện phóng uế bừa bãi, đến nỗi, trẻ em khu vực ấy “không có đường đi học” do đường sá quá dơ bẩn…, thì ai cũng “bụm miệng xấu hổ” và có cảm tưởng, ấy là những chuyện đã “xưa, từ rất xưa” rồi. Bởi ngày nay, hình ảnh cùng cái tên “Phố ruồi” đã là quá vãng và nhanh chóng được thay thế bằng những con đường xanh, sạch, đẹp, từ trong nhà ra đến ngõ. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi khổ về một cửa sông Phú Lộc ô nhiễm… mà tự người dân không thể khắc phục được.

Không riêng câu chuyện của khu dân cư này, ngày nay, nếu có dịp đến những khu dân cư ven biển Liên Chiểu hay Sơn Trà, hay nhiều địa bàn vùng ven khác, không khó để bắt gặp những câu chuyện, những đổi thay tương tự.

Khoảng cách về thói quen, ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường giữa những địa bàn vùng ven với vùng trung tâm thành phố nhiều năm trở lại đây, đã giảm một cách đáng kể. Qua những hành động bình dị hằng ngày, có thể cảm nhận rằng, mỗi người dân Đà Nẵng dường như có sự “hãnh diện” khi tự tay mình, với những việc nhỏ, góp phần xây dựng thành phố môi trường, có nếp sống đẹp.

Người Đà Nẵng yêu nghệ thuật

Sau câu chuyện về những đổi thay trong ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, thói quen hưởng thụ văn hóa của đại bộ phận người dân Đà Nẵng cũng là vấn đề được dư luận quan tâm, trong đời sống văn hóa tinh thần người Đà Nẵng nói chung.

Còn nhớ, cách đây mấy năm, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch Adecaf  Hồ Chí Minh - trong những lần trò chuyện với người viết, đã tỏ ra khá dè dặt với ý định mở sân khấu kịch tại Đà Nẵng, vì lo ngại người Đà Nẵng chưa có thói quen thưởng thức sân khấu kịch… Song đầu năm 2014, sự phối hợp của sân khấu Adecaf với Nhà hát Trưng Vương đã cho ra đời những sản phẩm kịch đầu tiên dành cho thiếu nhi Đà Nẵng như Hoàng tử gấu và hạt đậu thần, Những đứa con của Rồng, Giải cứu mặt trăng…, các buổi diễn đều đã thu hút một lượng đông đảo khán giả nhí cùng phụ huynh đến xem.

Điều đáng nói ở đây là sự quan tâm của các khán giả nhỏ tuổi cùng phụ huynh ở Đà Nẵng không vì sự tò mò, mà xuất phát từ nhu cầu tự thân. Đã đến lúc người Đà Nẵng, mà trước hết là các em nhỏ có sân khấu nghệ thuật của riêng mình.

Từ những câu chuyện đầy tính nhân văn của sân khấu kịch, các em biết đâu là điều tốt, điều xấu, chuyện nên hay không nên làm, những quy luật nhân quả… Quan trọng nữa, đến nhà hát để xem kịch là cách để các em học giao tiếp, ứng xử nơi công cộng, với những bạn bè cùng trang lứa - những thứ các em không dễ học từ sách vở nhà trường, cũng như môi trường khá tách biệt trong gia đình hiện nay. Có lẽ, đó chính là lý do các bậc phụ huynh Đà Nẵng tỏ ra rất vui mừng khi sân khấu kịch thiếu nhi đã có mặt tại Đà Nẵng. Cũng từ đó hy vọng về một lớp khán giả yêu nghệ thuật của thành phố trong tương lai gần.

Tình yêu và nhu cầu tất yếu của khán giả Đà Nẵng đối với sân khấu kịch tiếp tục được khẳng định qua sự thành công ngoài mong đợi của các đêm lưu diễn của Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ. Nhiều đêm diễn liên tục của các vở Bệnh sĩ, Lâu đài cát… của tác giả Lưu Quang Vũ đều “cháy vé”. Hàng trăm khán giả đã đến Nhà hát Trưng Vương thời gian qua để thổn thức, khóc cười cùng nhân vật và những câu chuyện từ sân khấu kịch.

Thời gian gần đây, các sân khấu ca nhạc ở Đà Nẵng cũng xuất hiện nhiều hơn, từ các chương trình quy mô lớn ở Nhà hát Trưng Vương, Cung Thể thao Tiên Sơn, đến các mini show ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hay các phòng trà. Theo đó, người dân thành phố cũng có nhiều sự lựa chọn không gian âm nhạc phù hợp với mình. Buổi tối, thay vì kề cà trong những quán cà-phê, hay nhậu vỉa hè, lang thang trong vài quán bar, người dân mọi lứa tuổi, đặc biệt là các nam thanh, nữ tú Đà thành đã bắt đầu dành thời gian đến nhà hát xem ca nhạc, xem kịch; một số còn dành thời gian để xem tuồng. Họ cũng bắt đầu quan tâm hơn đến bảo tàng, thư viện, những cuộc triển lãm… Đó thực sự là những hình ảnh đẹp, hình ảnh cần có của một đô thị văn minh, văn hóa!

Có lẽ, qua lâu rồi cái thời người Đà Nẵng - như bao người dân Việt Nam ngày trước - phải ngóng từng chương trình văn hóa - nghệ thuật trên đài phát thanh hay một vài sân khấu nhỏ tại địa phương. Cũng không phải là lúc người ta cảm thấy quá thừa mứa với sự bùng nổ của những kênh thông tin giải trí mà không còn nhận ra đâu là kênh đáng xem, đâu là những thứ vô bổ. Đang có một sự bắt đầu về cách thưởng thức văn hóa - nghệ thuật thực thụ, đúng nghĩa của công dân thành phố bên bờ sông Hàn xinh đẹp.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.