.
Hình tượng sư tử và nghê

Nét tinh hoa của người Việt

.

Triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng đã giúp người dân, đặc biệt các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước có cái nhìn rõ nét hơn về những con sư tử và nghê thuần Việt. Triển lãm kéo dài từ ngày 12-12 đến ngày 23-12.

Hình tượng sư tử, nghê được trang trí đẹp mắt trên các lư hương bằng gốm.
Hình tượng sư tử, nghê được trang trí đẹp mắt trên các lư hương bằng gốm.

Gần 60 hiện vật từ các thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu như: đá, gốm, sành, gỗ, đồng và một số tư liệu, tài liệu khoa học, các bản vẽ đạc họa..., giới thiệu với công chúng những nét tinh hoa độc đáo của kho tàng di sản nghệ thuật tạo hình của dân tộc.

Hình tượng sư tử đá, niên đại thế kỷ XI, tại chùa Bà Tấm, Hà Nội.
Hình tượng sư tử đá, niên đại thế kỷ XI, tại chùa Bà Tấm, Hà Nội.

Đậm nét văn hóa Việt

Theo ông Nguyễn Doãn Minh, làm công tác nghiên cứu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tượng sư tử tập trung vào giai đoạn Lý - Trần. Đến các thế kỷ sau, nhất là thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI-XVIII), hình ảnh nghê xuất hiện nhiều trong tác phẩm điêu khắc. Nghê chầu ngoài cổng, chầu trước bàn thờ, nghê được sử dụng làm con vật đỡ chân đèn, chân nến, nghê trang trí trên kiến trúc đình, chùa, trang trí trên lư hương, chậu cảnh... Trên bất kỳ chất liệu nào, nghệ nhân xưa đều chú ý đường nét hoa văn, trau chuốt từng họa tiết trên linh vật.

Ông Nguyễn Doãn Minh cũng giải thích rõ thêm những nét khác biệt giữa hình tượng sư tử và nghê thuần Việt so với hình tượng linh vật sư tử ngoại lai. Theo đó, nét thuần Việt được thống nhất trong các tượng linh vật như hình khối đơn giản, không phô diễn cơ bắp; tượng nghê của Việt Nam đầu ngẩng cao như hoan hỉ, chào đón.

Ngoài ra, trên thân nghê, các hoa văn mây lửa biểu tượng cho mây, sấm chớp, nguồn nước thể hiện đúng nền văn minh nông nghiệp lúa nước của cha ông với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa. Trong các di tích, đình, đền, chùa..., người Việt luôn đặt tượng nghê “chầu” nhau (mặt quay vào), còn ở Trung Quốc hay một số quốc gia khác thường đặt tượng sư tử thế đứng trực (mặt quay ra). Cách đặt này của cha ông ta thể hiện sự hòa đồng, giao thoa giữa thế giới thần linh với con người, giữa chủ với khách...

Dù hình tượng linh vật sư tử và nghê Việt Nam có giá trị văn hóa độc đáo, là hình tượng biểu trưng cho tín ngưỡng của nhiều thế hệ cha ông nhưng ít được biết đến, trong khi linh vật ngoại lai lại phổ biến tràn lan. “Không thể đổ lỗi cho người dân về vấn đề này, lỗi hoàn toàn ở cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa”, ông Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận. Ông Tiến lý giải rằng, đã có khoảng trống trong giáo dục di sản nghệ thuật và người dân thiếu cơ hội khám phá, tìm hiểu căn bản nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số linh vật trong nghệ thuật cổ Việt Nam.

Nghê gỗ, thế kỷ XVIII với đường nét hoa văn trau chuốt.
Nghê gỗ, thế kỷ XVIII với đường nét hoa văn trau chuốt.

Tôn vinh giá trị truyền thống

“Nghe tin triển lãm linh vật thuần Việt tại Đà Nẵng, cả làng nghề ai cũng phấn khởi. Từ lúc có Công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, mặt hàng sư tử đá của làng nghề ế ẩm. Nhưng khổ nhất là “bí” ý tưởng sáng tạo, không biết phải làm ra sản phẩm như thế nào cho thuần Việt”, ông Huỳnh Chín, Trưởng ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước chia sẻ.

Theo đánh giá của ông Chín, nhiều tượng nghê tại triển lãm rất đẹp mà lâu nay những người làm trong nghề chưa biết đến. Do đó, triển lãm là cơ hội để các nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tiếp cận nghệ thuật tạo hình của cha ông. Từ những hình tượng này, nghệ nhân có thể chọn ra những đường nét sắc sảo và sáng tạo thêm để phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Về việc hỗ trợ tiếp theo cho làng nghề thời gian đến, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết sẽ mời khoảng 50 nghệ nhân tay nghề giỏi tham gia sáng tác dựa trên những tượng sư tử và nghê tại triển lãm. Những tác phẩm mà Hội đồng nghệ thuật công nhận không chỉ được trao giải mà còn làm hình mẫu để sản xuất và phổ biến cho người dân.

Trao đổi thêm vấn đề này, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đánh giá cao việc tuyên truyền đúng tinh thần Công văn 2662 của thành phố Đà Nẵng và khẳng định không cấm các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ kinh doanh mặt hàng sư tử đá.

“Đến tháng 7-2015, chúng tôi quyết liệt xử lý việc đặt linh vật ngoại lai, vật lạ tại các di tích lịch sử. Ở các nơi khác, chúng tôi tiếp tục vận động, khuyến khích sử dụng linh vật thuần Việt bởi cốt lõi của sự sống còn của dân tộc là bản sắc văn hóa. Vì sao chúng ta có giá trị văn hóa mà không cố gắng giữ gìn? Nhưng nhận thức là cả một quá trình, chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao người dân cảm nhận được vẻ đẹp của linh vật Việt và tôn vinh vẻ đẹp đó”, bà Liên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng: Tôi đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức để thực hiện chuyên đề triển lãm này. Triển lãm không chỉ giới thiệu những tác phẩm đẹp, quý giá mà còn giới thiệu được hồn dân tộc trong mỗi tác phẩm. Tôi mong có nhiều cuộc triển lãm như thế hơn nữa, không chỉ ở các thành phố lớn mà ở khắp cả nước và cả ở nước ngoài để mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những linh vật này.

Ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố: HĐND thành phố vừa ra nghị quyết chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, cần có định hướng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo bản sắc dân tộc. Triển lãm góp phần định hướng trong việc bảo vệ giá trị nghệ thuật tạo hình truyền thống, đặc biệt Đà Nẵng có làng nghề đá mỹ nghệ Non nước chuyên chế tác linh vật thì điều này càng ý nghĩa hơn nữa.

Ông Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố: Triển lãm đã đem đến cho những người yêu mỹ thuật cảm nhận mới về hình tượng linh vật của người Việt qua các thời kỳ lịch sử. Các tác phẩm đầy tính mỹ thuật, tinh tế và gần gũi.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.