.
Tản mạn Chiang Mai

Bài cuối: Đường phố không tiếng còi và ẩm thực không bia, rượu

.

Văn hóa giao thông là nét nổi bật của người Thái. Ở Chiang Mai 4 ngày, hằng ngày chúng tôi phải di chuyển khoảng 200km, nhưng tuyệt nhiên tôi không nghe một tiếng còi xe. Trên đường, ô-tô chạy theo làn quy định: Xe rẽ phải chạy vào làn đường bên phải, xe rẽ trái đi vào làn đường bên trái, xe chạy thẳng đi vào 2 làn đường giữa dành cho tốc độ nhanh và chậm.

Những bữa tiệc ở Thái Lan chỉ có nước khoáng hoặc nước ngọt.
Những bữa tiệc ở Thái Lan chỉ có nước khoáng hoặc nước ngọt.

Cứ thế, xe nối đuôi nhau trật tự lăn bánh với vận tốc cao mà không hề va quệt. Viết đến đây, tôi nhớ mấy chiếc xe buýt chạy tuyến Đà Nẵng-Hội An làm náo loạn trên đường bằng tiếng còi xe. Có lần, anh bạn đồng nghiệp chụp được hình ảnh và xin đăng báo chiếc xe buýt chạy từ đầu cầu Sông Hàn, dọc đường Trần Phú đến bùng binh Núi Thành-Nguyễn Văn Trỗi liên tục bấm còi, nhưng không được tòa soạn chấp thuận vì không có bằng chứng thể hiện chiếc xe đang bấm còi.

Ở xứ ta, hình như cánh tài xế thích bấm còi cho vui tai, thể hiện “đẳng cấp”. Có trường hợp mẹ chở con đang lưu thông trên đường, bỗng chiếc xe tải phía sau trườn tới bấm còi choáng cả tai, khiến người mẹ giật mình buông tay lái, 2 mẹ con ngã theo chiếc xe. May chiếc xe ngã vào lề đường nên không xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Lại có trường hợp, lái xe đến nhà bạn rủ bạn đi chơi, thay vì xuống xe, vào nhà gõ cửa, chủ xe ngồi trong xe bấm còi gọi bạn, gây ồn ào khu phố. Tệ hại hơn, đi ô-tô gặp nhau trên đường, chào nhau bằng cách bấm còi vang náo cả đoạn đường.

Ngài Chủ tịch Hội Các nhà báo phát thanh-truyền hình Chiang Mai nói với tôi rằng: Ý thức giao thông của người Thái đã có từ lâu. Trên đường, mọi người lái xe không giành đường vượt ẩu. Có điều, hiện giờ ở Chiang Mai xảy ra vấn nạn du khách người Trung Quốc thuê xe đạp dạo phố không theo một trật tự nào cả, gây cản trở giao thông đô thị.

Những ngày ở Chiang Mai cũng như các tỉnh miền Bắc Thái Lan hoặc Bangkok, tôi luôn chú ý và thấy rằng ẩm thực nói không với bia, rượu. Không một quán ăn, cửa hàng hoặc khu ẩm thực các siêu thị, điểm du lịch nào bán thức ăn kèm theo bia, rượu; chỉ có nước khoáng hoặc nước ngọt các loại. Gần một tuần ở Chiang Mai, chúng tôi chỉ được uống rượu vang 2 lần bạn mở tiệc đón và tiễn đoàn. Tôi thầm nghĩ, có lẽ nhờ thế mà người Thái luôn tỉnh táo, tinh tế, nhẹ nhàng trong ứng xử cũng như công việc, kể cả khi lái ô-tô.

Chia tay Người kết nối

Về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi chia tay bác Trần Hữu Minh, người phiên dịch trong cả chuyến đi Thái Lan của Đoàn. Đến lúc này, tôi nhớ tới lời đề nghị của các đồng nghiệp Thái Lan rằng, về Việt Nam, các anh nên viết về bác Minh; bởi bác có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà báo Thái Lan; là Người kết nối các nhà báo Việt Nam và Thái Lan.

Anh Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng đoàn chúng tôi tiết lộ: Bác Trần Hữu Minh năm nay đã ngoài 70 tuổi, quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bác là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Thái Lan từ sau năm 1975 đến lúc về hưu.

Trong suốt chuyến đi của chúng tôi, bác Minh và anh Toàn như hình với bóng, thân tình với nhau đến nỗi bác Minh mua món quà nào là anh Toàn cũng mua cho được món quà đó, có điều bác Minh luôn mua rẻ hơn, vì bác giỏi tiếng Thái và “lanh” hơn. Cả hai người đã nhiều lần đến Thái Lan, về cả những địa danh ngày xưa Bác Hồ từng hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Bắc Thái Lan. Bác Minh cũng đã nhiều lần phiên dịch cho các Đoàn nhà báo TP. Đà Nẵng đi thăm và làm việc ở Thái Lan.

Chia tay bác Minh, tôi xin viết về bác một bài và chụp chung kiểu ảnh kỷ niệm, bác nói: Chụp ảnh thì được, còn viết bài về tớ thì chớ. Mình cũng xuất thân từ nhà báo mà. Nhà báo chỉ viết về người khác thôi, còn cá nhân mình thì xin đừng. Âu, đó cũng là cái nghiệp của những người làm báo!

Bài và ảnh: THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.