.
Trùng tu di tích ở Đà Nẵng

Bài 1: Thắc thỏm chờ trùng tu

.

Sở hữu 18 di tích quốc gia, 46 di tích cấp thành phố, 40 di tích trong danh mục kiểm kê là những con số đáng tự hào đối với thành phố trẻ như Đà Nẵng. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều di tích đã hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, tôn tạo sớm.

Đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) xuống cấp nghiêm trọng đang khắc khoải chờ kinh phí trùng tu.
Đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) xuống cấp nghiêm trọng đang khắc khoải chờ kinh phí trùng tu.

Khó giải bài toán kinh phí

Nằm trên địa phận xã Hòa Liên, đình Hưởng Phước, di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố, nổi tiếng với 15 sắc phong từ thời vua Gia Long, Minh Mạng đến Khải Định, đang bị xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay nhưng dân làng không thể làm gì khác hơn ngoài việc chờ đợi. Ông Phạm Xích, nguyên trưởng thôn Hưởng Phước cho biết: “Địa phương chúng tôi đã làm đơn không biết mấy lần, lên kế hoạch, bản vẽ đình đã hoàn thành vào năm 1999, 2004 rồi 2009…

Dự trù số tiền quyên góp trên đầu người cũng đã có con số cụ thể, nhưng nghe nói vẫn phải tiếp tục chờ kinh phí. Thông tin mới nhất từ xã cho biết, hình như thành phố đã đồng ý cấp 2 tỷ đồng để trùng tu đình, nhưng phải đợi đến năm 2015, không biết lần này có bị trì hoãn gì nữa không”, ông Xích nói.

Miếu Hàm Trung thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố cũng đang trong tình trạng “sốt ruột” chờ trùng tu. Nhưng ngoài vấn đề kinh phí, miếu Hàm Trung còn vướng quy hoạch nên chưa có kế hoạch cụ thể trùng tu, tôn tạo di tích này.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho biết toàn huyện Hòa Vang hiện có 26 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 5 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện nay, một số di tích trên địa bàn như đình Hưởng Phước ở Hòa Liên, đình An Ngãi Đông thuộc xã Hòa Sơn và một số di tích khác đang xuống cấp nghiêm trọng.

Song, theo ông Dũng, kế hoạch trùng tu, tôn tạo các di tích này từ trên xuống khá chậm, trong khi các di tích hoang phế từng ngày. Đơn cử, với đình làng Hưởng Phước, đã có nhiều đề nghị từ địa phương nhưng đến nay mới có quyết định và việc đầu tư được tiến hành vào năm 2015.

Ngay cả di tích Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang vừa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia cũng cần được nâng cấp, tôn tạo sớm. Sức hấp dẫn của di tích chủ yếu dựa vào địa hình hiểm trở, có sự kiến tạo của tự nhiên, những hang đá, những căn hầm được khoét sâu trong núi. Nhưng không gian chiến đấu với những nhân chứng, tư liệu lịch sử làm sinh động khu di tích thì rất thiếu. Vì vậy, ông Dũng nói rằng, việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử này rất quan trọng và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Sẽ đầu tư

Về vấn đề trùng tu di tích trên địa bàn thành phố trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng - cho biết năm 2013, đơn vị này đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2013-2015, trong đó có nội dung tham mưu triển khai trùng tu 9 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.

Riêng đình Hưởng Phước cùng di tích đình Khuê Bắc (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) và miếu Hàm Trung, theo kế hoạch của đề án, được trùng tu trong năm 2013. Nhưng do ngân sách tập trung cho các công trình trọng điểm cấp bách khác nên kế hoạch chưa được thực hiện. Trên cơ sở tham mưu của Sở VH-TT&DL, UBND thành phố đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các di tích này trong năm 2014 là 450 triệu đồng.

Cũng theo thông tin mới nhất từ Sở VH-TT&DL, UBND thành phố đã có các văn bản đồng ý phê duyệt quy mô đầu tư 6 di tích (di tích đình Khuê Bắc, đình Đại La, đình Hưởng Phước, đình An Ngãi Đông, đình Trúc Bầu, đình Phong Lệ Bắc), giao cho Sở triển khai hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2014 để có cơ sở tu bổ tôn tạo trong năm 2015.

Tổng kinh phí trùng tu 6 di tích nói trên là 12,650 tỷ đồng. Riêng miếu Hàm Trung đang vướng quy hoạch, chưa lập quy mô đầu tư và hai di tích còn lại là đình làng Thái Lai và đình làng Thái Hòa đã được điều chỉnh giãn tiến độ đầu tư vào các năm sau.

Ông Thanh cho biết, đối với di tích Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang - di tích cách mạng vừa được công nhận di tích cấp quốc gia, Sở VH-TT&DL cũng đã có văn bản báo cáo xin Bộ bố trí kinh phí nâng cấp, tôn tạo từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2015.

(Còn nữa)

Theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 ban hành ngày 20-3-2013, các di tích cấp quốc gia được chọn trùng tu, tôn tạo gồm: khu căn cứ cách mạng K.20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang); mộ Ông Ích Đường (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Ngoài ra, sẽ tu sửa cấp thiết các di tích: địa điểm nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê; nghĩa trủng Hòa Vang, đình Nại Nam.

Đồng thời, sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo 9 di tích cấp thành phố bị xuống cấp (theo thứ tự ưu tiên mức độ xuống cấp của di tích), bao gồm: đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang); đình Khuê Bắc (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); miếu Hàm Trung (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu); đình An Ngãi Đông (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang); đình Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang); đình Phong Lệ Bắc (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); đình Phú Hòa (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); đình Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); đình Trước Bàu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Kinh phí cho hoạt động tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, tu sửa cấp thiết di tích được phân cấp cụ thể. Theo đó, đối với di tích cấp quốc gia: sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa). Đối với di tích cấp thành phố: sử dụng 80% vốn ngân sách thành phố, 20% vốn ngân sách quận, huyện và xã hội hóa, trong đó vốn xã hội hóa không được thấp hơn 5% tổng mức đầu tư.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.