.

Khán giả Đà Nẵng yêu nghệ thuật

.

Khán giả Đà Nẵng rất có “gu”, không dễ dãi trong thưởng thức nghệ thuật… là nhận xét của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về khán giả Đà Nẵng khi họ có dịp biểu diễn tại thành phố biển này.

Ca sĩ Uyên Linh và Vũ Thắng Lợi trong đêm nhạc “Chỉ là giấc mơ” tại Đà Nẵng. Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Ca sĩ Uyên Linh và Vũ Thắng Lợi trong đêm nhạc “Chỉ là giấc mơ” tại Đà Nẵng. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Cách nhìn nhận trên dường như trái ngược với những ý kiến lâu nay cho rằng, người Đà Nẵng khá thờ ơ với nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Thực tế, nhiều sân khấu ca nhạc diễn ra ở Đà Nẵng trong thời gian qua đã chứng minh rằng, người dân thành phố bên sông Hàn rất yêu âm nhạc. Chỉ cần không gian âm nhạc được đầu tư khá bài bản, khơi gợi đúng cảm xúc, niềm yêu thích của khán giả thì sẽ được đón nhận, thậm chí đón nhận một cách nồng nhiệt, say sưa…    

Không cần “chiêu trò”

Ca sĩ Ánh Tuyết nói rằng, mỗi lần biểu diễn tại Đà Nẵng, gần đây nhất là minishow riêng mang tên “Ô! Mê ly” vào tháng 9 vừa qua, chị đều cảm nhận được tình cảm của khán giả dành cho mình. Chính cảm giác ấm áp, chân thành từ khán giả quê nhà đã mang lại cho chị những giây phút thăng hoa trên sân khấu.

Ca sĩ Thụy Long, khách mời trong minishow của Ánh Tuyết, người lần đầu tiên đứng trên sân khấu Đà Nẵng, cũng thú nhận rằng trước những khán giả đến để thưởng thức âm nhạc thật sự, anh cảm thấy rất áp lực. Song, đó là nguồn cảm hứng để Thụy Long phải “rút ruột, rút gan” ra mà hát.

Còn Vũ Thắng Lợi, giải nhì Sao Mai 2011 dòng nhạc thính phòng, cũng cảm thấy áp lực không kém trong việc chọn bài hát khi biểu diễn chung với ca sĩ Uyên Linh trong đêm nhạc “Chỉ là giấc mơ” tại Đà Nẵng vào ngày 31-8 vừa qua. Với khán giả Đà Nẵng, Vũ Thắng Lợi là gương mặt mới nhưng khi nghe anh hát Cô đơn (Nguyễn Ánh 9), Mẹ tôi (Trần Tiến), hay song ca với Uyên Linh các ca khúc: Tình em (Huy Du), Xanh bạc mái đầu (nhạc: Đức Trí, lời: Hà Quang Minh), cả khán phòng lặng im, để rồi vỡ òa trong những tiếng vỗ tay. “Thật sự tôi rất xúc động trước cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên tôi hát nhiều bài tại Đà Nẵng với cảm giác hạnh phúc như thế”, ca sĩ Vũ Thắng Lợi nói.

Những năm gần đây, các sân khấu ca nhạc ở Đà Nẵng xuất hiện nhiều hơn, từ các chương trình quy mô lớn ở Nhà hát Trưng Vương, Cung Thể thao Tiên Sơn, đến các minishow ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hay các phòng trà. Theo đó, người dân thành phố cũng có nhiều sự lựa chọn không gian âm nhạc phù hợp với mình. Điều đáng trân trọng là khán giả rất biết giữ khoảng cách trong việc bày tỏ sự yêu mến nghệ sĩ. Không hò hét, không ồn ã, mà bày tỏ sự đồng cảm bằng việc thưởng thức trong yên lặng, hoặc bằng những tràng pháo tay và cả bằng cách hát cùng ca sĩ. Như cách một khán giả Đà Nẵng tặng hoa ca sĩ Ánh Tuyết, nếu ai để ý thì có thể thấy anh dè dặt, đắn đo trước khi quyết định lên sân khấu. Được hỏi vì sao phải ngập ngừng vậy, anh nói rằng, vì anh không muốn làm gián đoạn cảm xúc của ca sĩ và vì anh không muốn làm “rối” chương trình.

Thế để biết rằng, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các ca sĩ khi đến Đà Nẵng, không cần “chiêu trò”, chỉ bằng giọng hát và cách tự sự với khán giả, từ những nữ danh ca như: Khánh Ly, Giao Linh, Ý Lan, Lệ Thu; hay Mỹ Linh, Đức Tuấn, Quang Dũng; đến các ca sĩ trẻ như: Uyên Linh, Hồ Trung Dũng, Hồ Ngọc Hà, Vũ Thắng Lợi… đều “cháy” hết mình.

Nồng nhiệt, nhưng không dễ dãi!

Nhiều nghệ sĩ biểu diễn ở Đà Nẵng cho rằng, khán giả nơi đây nồng nhiệt nhưng không dễ dãi; họ kín đáo và tinh tế. Phải tinh tế, sâu sắc mới có thể nhận ra vẻ đẹp trong trẻo, đằm sâu được bao bọc bởi vẻ ngoài rất thô mộc, như cách người Đà Nẵng đón nhận đêm nhạc Mùa thu trong em của Lê Cát Trọng Lý diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái. Không MC, không người dẫn chuyện, Lý tự kể chuyện mùa thu của riêng mình trên nền nhạc được tiết chế đến mức tối đa. Khi đó, chỉ có giọng ca trong trẻo và tinh thần nghệ sĩ của cô ca sĩ trẻ đã sớm ý thức vẻ đẹp đích thực của âm nhạc, của nghệ thuật chinh phục khán giả.

Khán phòng nhà hát Trưng Vương đêm diễn ra liveshow Mùa thu trong em kín chỗ, mặc dù nhạc của Lý rất “kén” khán giả. Trong không gian u trầm xưa cũ với đèn vàng, trầm hương, sách, thư pháp..., những thứ thường rất ít xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc, trang phục của nữ ca sĩ giản đơn thực sự là “phép thử” đối với người nghe. Nhưng tiếng vỗ tay vẫn giòn vang sau mỗi bài hát, sau mỗi tâm sự của Lý…

Trong đêm nhạc Lam Phương, Anh Bằng vào tháng 9 năm ngoái cũng vậy. Khán phòng của phòng trà Memory vừa đủ để tạo không gian ấm cúng cho những ai yêu âm nhạc của hai nhạc sĩ này. Những giai điệu sâu lắng của Chuyện hoa sim, Thu sầu, Ngọn trúc đào, Duyên kiếp, v.v… đã vang lên với tiếng hát của Đức Tuấn, Vi Thảo…   

Video khảo sát tình yêu âm nhạc của người Đà Nẵng được Ban tổ chức chương trình Duyên dáng Việt Nam 27 cài đặt, trong chừng mực nhất định của một clip ngắn có thể thấy rõ các “phân khúc” khá thú vị của khán giả Đà thành. Theo đó, khán giả dành tình cảm nhiều nhất cho âm nhạc Trịnh Công Sơn; trong khi nhạc rap, rock và hip hop được sự quan tâm của khán giả trẻ; còn nhạc trữ tình và bolero là sở thích của những tâm hồn U50 trở lên. Điều này cho thấy, khán giả Đà Nẵng không chạy theo những tên tuổi nổi tiếng, những ồn ào, hào nhoáng của ánh đèn sân khấu, mà họ là những khán giả đích thực, biết “gạn đục khơi trong”, yêu ghét rõ ràng.

Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian vừa qua, tại Đà Nẵng diễn ra khá nhiều chương trình ca nhạc khác nhau với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nhưng không phải chương trình nào cũng được khán giả đón nhận.

Thực tế, nếu đòi hỏi những chương trình nghệ thuật đẳng cấp như In the Spotlight (Tâm điểm âm nhạc) với sự góp mặt của các nhạc sĩ hòa âm phối khí, nhạc công, ca sĩ hàng đầu Việt Nam; hoặc như một số chương trình, liveshow được đầu tư bài bản ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… là điều khó với các “ông bầu” khi đến với Đà Nẵng. Song, sự hiện diện của các chương trình được đầu tư theo chiều sâu trong một vài năm qua đã mang lại những món ăn tinh thần mới mẻ cho người dân thành phố. “Khán giả cần những đêm nhạc chất lượng. Sân khấu ca nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung giờ đây không đơn giản là những giây phút giải trí dễ dãi nữa mà người xem cần những sản phẩm giàu tính nghệ thuật thật sự”, một nhạc sĩ lớn tuổi nói.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.