.

Tìm niềm vui từ tiếng chim chào mào

.

Những cái nhìn đầy âu yếm, những ánh mắt âu lo, hồi hộp dõi theo từng động thái nhỏ nhất của chim và vui sướng khi biết “con cưng” của mình lọt vào vòng đấu tiếp… Những hình ảnh này được ghi nhận tại Hội thi tiếng hót chim chào mào quận Hải Châu lần thứ II, năm 2014, do Phòng Văn hóa, Thông tin quận phối hợp với CLB Chim chào mào Đại Ngàn Đà Nẵng tổ chức vào sáng 14-9.

Ban tổ chức gỡ bỏ những lồng chim thua cuộc sau mỗi hiệp đấu.
Ban tổ chức gỡ bỏ những lồng chim thua cuộc sau mỗi hiệp đấu.

Sôi nổi tranh tài

Hơn 8 giờ 30, hội thi mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm tinh mơ, khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu) rộn rã bởi sự có mặt của hàng trăm nghệ nhân cùng hơn 550 lồng chim đến từ 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội thi có tổng cộng 68 CLB tham dự; trong đó, riêng Đà Nẵng có 54 CLB.

Anh Đào Hữu Vũ (SN 1977), Chủ nhiệm CLB Chim chào mào Đại Ngàn, Trưởng ban tổ chức (BTC) hội thi cho biết: “Hội thi là nơi hội tụ của chim chào mào, làm tăng tình đoàn kết của các nghệ nhân chơi chim của cả ba miền Bắc - Trung - Nam”.

Với các tiêu chí chấm chọn như giọng hót, phong cách thi đấu, thể lực, trong hơn 3 giờ, hơn 550 chú chim đã trải qua gần 60 vòng đấu để tuyển chọn những chú chim hót khỏe, hót hay nhất. Kết thúc từng lượt đấu, tiếng hò reo xen lẫn tiếng thở dài của các nghệ nhân mỗi khi nghe thông báo số lồng chim bị loại hay được đi tiếp. Kết quả, giải nhất thuộc về chim chào mào số báo danh 189 của nghệ nhân Đặng Minh Quang (SN 1982), thuộc CLB chim chào mào Chí Quảng (Đà Nẵng). Cầm chiếc cúp chiến thắng khắc hình chú chim chào mào rất tinh xảo, anh Quang xúc động nói: “Đây là giải thưởng cao nhất mà tôi từng đạt được”.

Ăn ngủ cùng chim

Trong 68 CLB tham dự hội thi lần này, có nhiều đội đến từ những tỉnh, thành phố khá xa như Kon Tum, Đắc Lắc, Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội... Anh Nguyễn Quốc Toản (SN 1974), Chủ tịch Hội chào mào Hà Nội cho biết, năm nay, đội quân chào mào Hà Nội có 10 CLB tham gia với 15 lồng chim. Làm nghề lái xe du lịch thường xuyên đi đây đi đó nhưng mỗi khi trở về nhà, anh Toản lại quấn quýt bên 10 chú chim chào mào của mình. Anh nói vui: “Vợ tôi khuyến khích chơi chim vì thà chơi chim còn hơn dính vào những tệ nạn khác ngoài xã hội”.

Trong hơn 600 nghệ nhân có mặt tại hội thi, chị Phạm Thị Mỹ Hoàng  (SN 1985, quận Cẩm Lệ) có lẽ là nghệ nhân nữ duy nhất. Suốt 4 năm nay, chim chào mào đã trở thành niềm vui, niềm đam mê và mang lại sự hứng khởi mỗi ngày cho chị. Mỗi sáng thức giấc, việc đầu tiên của chị là xem những chú chim của mình có khỏe không rồi thay thức ăn, nước uống và vệ sinh lồng chim. Chị nhớ lại khoảng thời gian đầu tham gia sinh hoạt CLB Phước Thái, chị có đôi chút ngại ngần vì mỗi chị là nữ nhưng lâu dần cũng quen.

Trong giới chơi chim Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, có lẽ không ai không biết tới anh Lưu Quang Trung (SN 1959, thôn Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). “Nhà tư vấn tâm lý của chim”, “Bác sĩ của chim”, “Cha của các loại chim”… là những cái tên mà giới chơi chim miền Trung ưu ái dành cho anh. Anh Trung chia sẻ: “Tự nhiên niềm đam mê chim cảnh thấm vào người mình mà mình không thể nào lý giải được. Nhiều hôm quên ăn quên ngủ vì chim, con nào có dấu hiệu bệnh là mình nóng ran như con ruột mình bị bệnh vậy. Chỉ cần nghe tiếng chim hót, tôi lại thấy lòng mình phơi phới, bao phiền muộn đều tan biến”.

Hiện tại, anh Trung là Chi hội trưởng Chi hội chim cảnh thành phố Hội An, Trưởng ban Giám khảo miền Trung - Tây Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội chim cảnh miền Trung - Tây Nguyên. Những công việc không có thu nhập này được anh làm bằng tất cả niềm sự say mê, toàn tâm toàn ý để các nghệ nhân có sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Bài và ảnh: MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.