.

Đầu tư văn hóa phải hiệu quả

.

“Rà soát thật kỹ những công trình văn hóa trọng điểm cần đầu tư, những việc cần kíp phải làm, những chính sách cần thay đổi… để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của ngành văn hóa, tránh đầu tư dàn trải, hàng loạt, kém hiệu quả”.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến về phương hướng đầu tư cho ngành văn hóa trong thời gian đến - một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra tại cuộc họp thường kỳ của UBND thành phố chiều 29-7.

Đầu tư cho văn hóa phải bảo đảm tính hiệu quả, phát huy giá trị truyền thống kết hợp với chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. TRONG ẢNH: Giữ gìn nét văn hóa truyền thống hát bài chòi tại lễ hội đình làng Túy Loan (Hòa Vang). 						               Ảnh: VĂN NỞ
Đầu tư cho văn hóa phải bảo đảm tính hiệu quả, phát huy giá trị truyền thống kết hợp với chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. TRONG ẢNH: Giữ gìn nét văn hóa truyền thống hát bài chòi tại lễ hội đình làng Túy Loan (Hòa Vang). Ảnh: VĂN NỞ

Đầu tư cho văn hóa còn thấp

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngân sách thành phố bố trí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản đầu tư cho ngành văn hóa trong giai đoạn 2005-2014 là 424 tỷ đồng (trung bình 42,4 tỷ đồng/năm) - rất khiêm tốn so với kinh phí chi đầu tư phát triển của thành phố bố trí hằng năm (khoảng trên 5.000 tỷ đồng).

Vì vậy, một số công trình văn hóa trọng điểm bị hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng không có điều kiện sửa chữa, kiện toàn; nhiều di tích văn hóa lịch sử có giá trị chưa có điều kiện xếp hạng, không ít di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp chưa có điều kiện trùng tu, tôn tạo; thiết chế văn hóa cơ sở còn nhiều bất cập, hạn chế…

Giai đoạn 2005-2014, ngân sách thành phố cấp cho hoạt động sự nghiệp văn hóa là 244,6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 24,4 tỷ đồng. Trong tổng kinh phí sự nghiệp văn hóa, tỷ trọng bình quân dành cho hoạt động chuyên môn chiếm khoảng 25%, không đủ để thực hiện các nội dung của hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong năm như: Xây dựng các vở diễn mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các ngày lễ lớn trong năm; thiếu kinh phí đi tham gia các hội thi, hội diễn; chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ, diễn viên còn thấp…

Cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực

Tại cuộc họp, bàn về phương hướng đầu tư cho văn hóa trong năm 2014-2015 và thời gian đến, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã đưa ra những đề xuất khá cụ thể về kinh phí đầu tư cho ngành văn hóa trong năm 2014, 2015; những công trình trọng điểm cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; các di tích xuống cấp cần tôn tạo sớm; việc chuẩn bị đầu tư cho các thiết chế văn hóa có quy mô lớn; đầu tư nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sĩ có nhiều đóng góp quan trọng với hoạt động văn hóa thành phố…

Sau khi nghe đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho văn hóa phải được tính toán thật kỹ, không nên chỉ chú trọng chuyện tiền bạc mà phải xây dựng lộ trình bài bản, bàn thảo thật kỹ tính hiệu quả của sự đầu tư, không nên làm theo kiểu ồ ạt, làm lấy được. “Cần đơn giản hóa vấn đề, đừng xây thành quách, những công trình văn hóa kiểu đồ sộ, hoành tráng rồi để đó. Với ngành nào cũng vậy, phải chú trọng đầu tư nhân lực, chỉ có con người mới tạo nên linh hồn, bản sắc của văn hóa Đà Nẵng chứ không phải thành quách kia”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ.

Hầu hết các ý kiến cũng thống nhất cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa được coi là giải pháp căn cơ nhất đối với việc đầu tư cho ngành văn hóa trong thời gian đến của Đà Nẵng. Khi vấn đề xã hội hóa đi vào chiều sâu, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc của ngành văn hóa, như tính hiệu quả, sức lan tỏa của các hoạt động văn hóa trong công chúng, chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ…

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đồng ý với đề xuất kinh phí đầu tư cho sự nghiệp văn hóa năm 2014 tăng 1,5 lần so với năm 2013; đồng thời lưu ý, mọi thứ phải được dự toán kỹ, nâng cao tính hiệu quả, tránh lãng phí. Chủ tịch UBND thành phố cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể đối với việc phát triển dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Trưng Vương; việc nâng cấp Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật lên bậc cao đẳng cần triển khai sớm; Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố quá nhếch nhác, phải tu bổ ngay; vấn đề quy hoạch xây dựng Tượng đài Chiến tích Hải Vân; chế độ đãi ngộ với nghệ sĩ; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực kế cận cho ngành văn hóa phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính công bằng, đủ động viên văn nghệ sĩ hăng say sáng tạo...

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.