.

Biếm họa Biển Đông

.

Vừa diễn ra tại Hà Nội, triển lãm tranh biếm họa với chủ đề “Hướng về Biển Đông” đã thu hút sự chú ý của dư luận. Song, qua 86 bức tranh biếm họa của gần 50 họa sĩ trong cả nước, người xem nhận thấy dường như sự phản ứng của làng biếm họa vẫn dè dặt.

Các tác phẩm của họa sĩ Phạm Phú Phong.
Các tác phẩm của họa sĩ Phạm Phú Phong.

Bước vào triển lãm, dễ dàng nhận ra thái độ thống nhất của các họa sĩ Việt Nam trước vấn đề chủ quyền của Tổ quốc: phản đối việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, phản đối đường lưỡi bò và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông…, nhưng vẫn thấy chưa nhiều tác phẩm có ý tưởng thâm sâu.

Ở tuổi 85, họa sĩ Phạm Phú Phong gửi 12 tác phẩm biếm họa tới triển lãm. Nổi tiếng với những bức biếm họa từ hồi kháng chiến chống Mỹ, nay ông ngày đêm trăn trở với sự kiện Trung Quốc rắp tâm thôn tính Biển Đông và đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. “Tôi suy nghĩ về đề tài này từ lâu, nhưng với 12 bức biếm họa, tôi chỉ vẽ trong 3 ngày”, họa sĩ Phạm Phú Phong chia sẻ.

Với 9 bức được chọn, Phạm Phú Phong là họa sĩ có nhiều tranh chất lượng nhất tại triển lãm. Đánh giá chung về các tác phẩm biếm họa lần này, ông cho rằng, nhiều tác phẩm “vẫn chưa đủ mạnh”. Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa (Còm) cũng có chung suy nghĩ như vậy, ông đã kỳ vọng nhiều hơn khi đến với triển lãm. “Sự kiện này lẽ ra phải tập hợp được nhiều họa sĩ hơn nữa”, Hữu Khoa nói. Theo ông, vài họa sĩ tên tuổi trong “làng biếm họa” như Văn Thanh, LAP vắng bóng tại triển lãm là điều đáng tiếc. “Đặc biệt, tôi kỳ vọng chất lượng tác phẩm phải cao hơn nữa, nhiều tác phẩm chưa thật sự làm người xem thỏa mãn”, họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (đơn vị tổ chức triển lãm), dường như nhận ra điều này ngay từ lúc triển lãm chưa khai mạc. Nguyên nhân các họa sĩ biếm “chưa tung hết chưởng” có thể do thời gian phát động rất ngắn, chỉ khoảng 15 ngày. Tuy vậy, trên bình diện phong trào, đây là hoạt động “đánh thức” làng biếm họa Việt Nam và đã quy tụ gần 198 tác phẩm, dù số lượng tranh chọn treo chỉ 86 bức. “Cái khó là dù mục đích đấu tranh kiên quyết, nhưng phải bảo đảm hòa bình, sự phát triển, chủ quyền của đất nước. Thành ra, nhiều khi muốn biếm sâu, cuối cùng phải giữ vừa sâu, vừa đấu tranh phù hợp tình hình và chính sách ngoại giao”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói. Còn họa sĩ Phạm Phú Phong bày tỏ sự quyết liệt: “Nếu Trung Quốc còn tiếp tục lấn sâu vào Biển Đông, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, chúng tôi sẽ tạo ra những tác phẩm mang ngôn ngữ biếm họa mạnh mẽ hơn nữa”.

Không chỉ xem hết các triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn còn là thành viên hội đồng duyệt tác phẩm trưng bày. Bằng góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật, ông cho rằng cũng có thể do đề tài quá lớn, thời gian vẽ lại gấp. Một số người sáng tác chỉ để giải tỏa bức xúc của mình cũng như cộng đồng. Ngoài ra, nhiều chục năm nay, biếm họa Việt đã không còn phát huy được thế mạnh như thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì vậy, khi dần trở lại, xây dựng một “đội hình” mới, với một đề tài lớn như lần này, nhiều tác phẩm vẫn khá sơ sài, thiếu tư duy hình tượng; sự dí dỏm cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, vẫn theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, mọi sự đều cần có bước khởi đầu để biếm họa Việt trở lại với sức mạnh châm biếm và tiếng cười trào lộng.

Dự kiến những tác phẩm biếm họa này sẽ được tiếp tục triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.