.
GS,TS Trần Quang Hải

Bảo tồn nhạc dân tộc là công việc của nhiều thế hệ

.

Theo GS, TS Trần Quang Hải, đâu cần phải đợi UNESCO xác nhận giá trị của di sản nghệ thuật dân tộc, chính người Việt phải biết nâng niu, gìn giữ trước khi các di sản phi vật thể đó mất đi...

Hai cha con GS, TS Trần Văn Khê và GS, TS Trần Quang Hải hòa đàn tại tư gia.
Hai cha con GS, TS Trần Văn Khê và GS, TS Trần Quang Hải hòa đàn tại tư gia.

Nhân việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, GS, TS Trần Quang Hải chia sẻ thêm về việc bảo tồn, phát triển nhạc cổ truyền dân tộc.

GS, TS Trần Quang Hải cho biết:

- Việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được khởi xướng từ năm 2013. Năm nay, Bộ VH-TT&DL muốn bổ túc để hoàn thiện hồ sơ trước khi đưa trình chính thức vào ngày 30-6.

Tất cả chúng ta đều mong dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng chuyện được hay không, theo tôi, cũng chỉ là vấn đề bề mặt. Nhìn sâu hơn, chúng ta không cần phải đợi được UNESCO công nhận rồi mới phát triển.

Tôi thấy mọi người hiện hướng về sự ghi nhận của UNESCO, đó là sai lầm. Chúng ta không thể dựa vào sự phán xét của người nước ngoài. Không có lý do gì cần phải có sự nhìn nhận của UNESCO ta mới thấy đó là loại hình nghệ thuật có giá trị. Chân giá trị của hát ví dặm không phải ở đó. Điều quan trọng nhất là khi chính người dân sở tại thấy được giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống ở địa phương mình và tìm cách bảo tồn, phát triển.

* Theo ông, điểm đặc sắc nhất ở dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh là gì?

- Hát ví dặm có điểm khác với hát quan họ và ca trù ở chỗ người hát không phải luyện tập, người dân nào cũng hát được. Họ hát ngẫu hứng, hát trong khi đi chơi, hát trong lúc lao động.

Điểm đặc sắc nữa của nó là tính tương tác, đối đáp. Đó là khi có anh chàng ngồi đan nón bên này, thấy bên kia có cô gái trông “vui vui”, bèn tìm cách hát trêu chọc. Cô gái kia bị chọc thì mắc cỡ, phải tìm cách ứng đối. Trong sự đối đáp đó, giai điệu không quan trọng bằng ngôn từ.

Đặc trưng tiếng nói của người Nghệ khá nặng, chỉ có ba âm. Theo đó, trong âm nhạc chỉ có tam cung, tứ cung chứ không phải ngũ cung như dân ca miền Bắc hay miền Nam. Riêng trong hát dặm, có điệu dặm ru có thang âm ngũ cung của miền Bắc, do sự du nhập từ Bắc vào. Tôi cũng nhận ra sự phong phú trong cách luyến láy rất hay của giai điệu dân ca ví dặm.

* Vậy có sự tương đồng hay khác biệt nào giữa tính ngẫu hứng trong dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và tính ngẫu hứng trong đờn ca tài tử Nam Bộ?

"Giáo dục một thế hệ, không phải chỉ là vấn đề văn hóa, mà còn là giáo dục về âm nhạc. Đó là cách thức có thể mang tới sự sống còn của nhạc dân tộc"

GS, TS Trần Quang Hải

- Tính ngẫu hứng trong đờn ca tài tử thể hiện rõ nhất trong khi đờn với nhau. Tùy theo trình độ hiểu biết, tùy theo cách đờn chân phương hay hoa lá, một bản đờn hòa chung sẽ diễn ra theo những cách khác nhau. Trong khi đờn, tính ngẫu hứng còn khiến người ta chọc phá để thử tài nhau, điều này không có trong tính ngẫu hứng của dân ca ví dặm.

Trong đờn ca tài tử, một anh chạy xích-lô, anh thợ cắt tóc có thể đờn chung với một ông kỹ sư, bác sĩ. Còn trong hát ví dặm, sự giao lưu thường diễn ra giữa những người cùng một làng hay cùng một nghề như phường vải, phường nón.

Như vậy, khác biệt cơ bản ở chỗ, hát ví dặm Nghệ Tĩnh có sự phóng túng trong lời ca, không phải trong giai điệu. Còn ở đờn ca tài tử, phóng túng trong giai điệu (tiếng đờn), không phải trong lời ca.

* Cũng giống các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, để tồn tại và phát triển, cần có không gian của nó, chúng ta vẫn gọi đó là không gian diễn xướng. Ông nói, năm ngoái đã có dịp đi thực địa tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Vậy không gian diễn xướng của dân ca ví dặm theo ông thấy như thế nào?

- Bây giờ về lại những vùng đó, tôi không thấy những gì như đã đọc trong sách vở vì tất cả đều được dựng lại. Tuy vậy, có thể thấy họ đã dựng lại với sự cố gắng và hồ hởi của những người muốn bảo vệ giá trị âm nhạc truyền thống. Họ tới gặp các nghệ nhân để thu âm và thống kê các làn điệu ví dặm còn lại.

Nhưng thời đại bây giờ khác nhiều. Chỉ nói riêng chuyện giặt giũ, ngày xưa người ta ra sông giặt áo, bây giờ còn ai ra sông La vừa giặt vừa hát hết nguyên một ngày, rồi vừa làm việc, lại vừa hát đối đáp với một anh đánh tôm đánh cá nào gần đó.

Chưa kể bây giờ người ta phải dùng loa đài để hát vì hát “chay” không mấy người đủ giọng. Cùng với hệ thống máy phóng thanh thì dàn nhạc đệm cũng khiến người hát không còn chú tâm được vào cảm xúc, tình cảm của làn điệu. Dù thế, vẫn phải khẳng định rất nhiều làn điệu trong dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh đã được các nghệ sĩ thanh nhạc vận dụng thành công trong tác phẩm của mình.

* Ông có thể phân tích rõ hơn nguy cơ sân khấu hóa có thể làm mất các giá trị bản sắc của dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh?

- Khi bị sân khấu hóa, ví dặm có nguy cơ không còn là loại hình nghệ thuật ở trong nguồn gốc dân ca nữa. Từ việc bị sân khấu hóa, nó đi tới chỗ hướng về du lịch. Thêm vào đó, người ta còn phụ họa về hòa âm theo kiểu Tây phương. Họ nói làm như vậy để nâng cao giá trị âm nhạc, có bề dày âm nhạc là không đúng. Nhạc Việt Nam là nhạc đơn ca, đơn điệu, không phải nhạc đa âm. Do đó, việc đệm vào hòa âm là đi sai đường.

Thêm nữa, khi biểu diễn trên sân khấu, người hát bị đèn chiếu vào, đủ các loại xanh, đỏ, tím, vàng. Nguy hiểm nhất là vũ đạo. Những màn múa tới lui phụ họa làm phân tán người nghe khi thưởng thức dân ca.

Tôi nhận thấy, tình trạng sân khấu hóa ở ví dặm cũng nằm chung trong tình trạng sân khấu hóa tổng thể trên toàn quốc. Sân khấu hóa trong quan họ chúng ta đã thấy. Sân khấu hóa trong ca trù chúng ta cũng đã thấy. Rồi còn sân khấu hóa trong hát xoan, trong đờn ca tài tử… Tất cả nhạc dân ca Việt Nam đều đi tới tình trạng sân khấu hóa cũng bởi chuyện sinh kế. Người dân bây giờ không để ý tới chân giá trị của âm nhạc, nghe một điệu hát chay thì “chán lắm”. Giới trẻ nghe dân ca mà không có nhạc đệm đúng theo cách các bạn trẻ thường nghe trong các loại nhạc pop, rock thì cũng “chán lắm”.

Chưa kể tới vấn đề trang phục khi trình diễn hoàn toàn không liên hệ gì tới truyền thống. Cho nên nói tóm lại, sân khấu hóa là hướng đi có thể làm sai lệch tất cả những gì chúng ta cần phải bảo vệ và phát huy.

* Từ góc độ của một nhà nghiên cứu âm nhạc đã đi giảng dạy ở nhiều quốc gia trên thế giới, theo ông, đâu là cách giải quyết vấn đề hiệu quả lâu dài để vừa bảo tồn, phát triển, vừa giúp âm nhạc truyền thống của dân tộc hòa nhập với đời sống đương đại?

- Đây là vấn đề quan trọng, liên hệ tới cả một đường lối giáo dục. Phải đưa dân ca, nhạc truyền thống vào chương trình giáo dục. Chúng ta thấy rằng, cho tới hôm nay, trong chương trình giáo dục của Việt Nam, không có chương trình nào về âm nhạc dân tộc. Nếu có chỉ là một phần rất nhỏ, lại không có phần giảng về lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Thử hỏi có bao nhiêu sinh viên Việt Nam du học nước ngoài nắm được nguồn gốc âm nhạc và số loại hình nhạc dân tộc của đất nước mình. Cùng lắm họ chỉ biết tới cải lương, quan họ, hát chèo, đàn tranh, đàn bầu, mà quên mất rằng, ngoài dân tộc Kinh, chúng ta còn 53 dân tộc khác, mỗi dân tộc lại có âm nhạc với bản sắc riêng. Làm sao để đưa vào giáo dục kiến thức âm nhạc truyền thống của các dân tộc anh em khác. Chính vì không hiểu hết sự phong phú, độc đáo của gia tài âm nhạc dân tộc, nhiều người trẻ có tâm thế vọng ngoại, xem cái gì của Tây phương cũng hay hơn vốn cổ ông cha để lại.

Như vậy, muốn bảo tồn, phát triển di sản âm nhạc truyền thống, chúng ta cần thực hiện chương trình giáo dục đi từ cấp tiểu học, trung học và đại học. Trong 12 năm học phổ thông, mỗi năm chỉ cần dạy từng chút về lịch sử âm nhạc, giúp người học biết được âm nhạc của những vùng, miền, dân tộc khác. Như vậy phải có các nhạc viện, trong đó đặc biệt quan tâm bộ môn sư phạm âm nhạc, hay giáo dục âm nhạc. Đây là bộ môn không đi vào vấn đề biểu diễn nhạc cụ, mà chỉ tập trung vào phương pháp giáo dục âm nhạc, giúp người học có hiểu biết chính xác về nguồn gốc âm nhạc.

Tôi đã giảng dạy âm nhạc ở nhiều nơi và thấy về thời lượng giảng dạy âm nhạc, ở Pháp mỗi tuần có một giờ, ở Hungary có 6 giờ một tuần về lịch sử âm nhạc. Ở Na Uy mỗi năm tổ chức 5.000 buổi trình diễn âm nhạc cổ truyền cho trẻ em. Tôi đã được mời sang Na Uy giảng 600 buổi về nhạc Việt Nam cho các em từ 3-16 tuổi. Na Uy là đất nước chỉ có khoảng 4 triệu dân mà họ còn để ý tới vấn đề nhạc Việt Nam, họ muốn trẻ em nước họ được thấy sự mới lạ trong âm nhạc của một đất nước tại Á châu.

Một điều quan trọng là một đứa trẻ sẽ nhớ suốt đời những gì được hấp thụ trong giai đoạn từ 6-10 tuổi. Cần đặt vào tiềm thức trẻ những hình ảnh rất đẹp của truyền thống âm nhạc Việt Nam. Đó là bước đầu của việc đào tạo.

Muốn vậy, giới chuyên môn cần bàn bạc, soạn thảo một chương trình giáo dục âm nhạc trên cả nước. Cũng cần có thêm nhiều học viện âm nhạc ở các địa phương khác nhau. Hiện tại, với 90 triệu dân, chúng ta mới chỉ có 3 nhạc viện, vậy là quá ít. Ở Pháp hiện có gần 6.000 nhạc viện. Tỉnh nơi tôi đang ở chỉ có 20.000 dân nhưng cũng có một nhạc viện nhỏ với 40 giáo sư và khoảng 700 sinh viên. Ở các tỉnh có 200.000-300.000 dân thì số sinh viên nhạc viện cũng tới vài ngàn, số giáo sư cũng tới vài trăm người.

Trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc, ở Pháp có sự hỗ trợ của chính phủ trong việc bảo đảm đầu ra cho các bộ môn sư phạm âm nhạc, vì sự bảo đảm đó mà các bậc cha mẹ yên tâm gửi con vào học. Nhưng bây giờ thử hỏi, trong số các du học sinh hằng năm của Việt Nam, bao nhiêu người đi nghiên cứu về nhạc học dân tộc? Hầu như không có. Ngay cả những người đi học để biểu diễn cũng chú trọng nhạc cụ Tây phương vì tâm lý vọng ngoại, cho rằng học xong có thể trở về làm việc trong các nhạc viện.

Nhiều sinh viên theo học nhạc cụ dân tộc trong các nhạc viện có tâm lý mặc cảm vì không đủ khả năng, không đủ tiền để học nhạc cụ Tây phương. Thành ra trong xã hội Việt Nam có sự phân chia giai cấp, cho rằng những người có tiền mới học nhạc Tây phương, người nghèo mới học nhạc cổ truyền. Chúng ta phải làm sao xóa bỏ tất cả những chuyện này. Đây không phải câu chuyện của một ngày, một tháng, một năm, mà là công việc của nhiều thế hệ. Nhưng muốn đi tới đó, chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Đất nước đã thống nhất 39 năm, nhưng trong 39 năm đó, chúng ta đã làm được gì để chấn hưng âm nhạc Việt Nam? Chưa gì cả. Những nghệ nhân dân gian - các “báu vật” của âm nhạc truyền thống đang mất dần, trong khi chính phủ vẫn chưa làm được nhiều trong việc đãi ngộ họ. Giới trẻ cũng nhìn vào thực tiễn đó để không ai muốn lăn xả vào con đường bảo vệ vốn cổ.

Trong vấn đề này, tôi khẳng định, cần có sự đồng tâm tham gia của chính phủ và hệ thống giáo dục. Giáo dục một thế hệ, không phải chỉ là vấn đề văn hóa, mà còn là giáo dục về âm nhạc. Tôi nghĩ, đó là cách thức có thể mang tới sự sống còn của nhạc dân tộc.

* Xin trân trọng cảm ơn GS, TS Trần Quang Hải.

DƯƠNG KIM THOA thực hiện

;
.
.
.
.
.