.

Xôn xao nhưng thơ vẫn… ế

.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 đã và đang tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Có thể thấy, công chúng vẫn không hề quay lưng với thơ. Thế nhưng, các nhà thơ không ai sống được bằng nghề. Mỗi năm vài ngàn tập thơ được in, chủ yếu để tặng.

Các tập thơ mới xuất bản trong năm 2013 của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Hưng và Đoàn Văn Mật.
Các tập thơ mới xuất bản trong năm 2013 của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Hưng và Đoàn Văn Mật.

Dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện bàn tròn với 3 nhà thơ trẻ: Nguyễn Ngọc Tư (Hội Văn nghệ Cà Mau), Nguyễn Quang Hưng (báo Nhân dân), Đoàn Văn Mật (tạp chí Văn nghệ Quân đội). Cả ba đều mê thơ một cách tỉnh táo, không quá ồn ào nhưng có sự tinh tế, đắm say.

* Cứ đến tháng Giêng, đến dịp Ngày thơ được tổ chức, người ta lại thấy còn quá nhiều người quan tâm đến thơ. Theo anh/chị, điều đó đủ để khẳng định: dù cuộc sống còn nhiều tác động, công chúng không hề quay lưng với thi ca?

- Nguyễn Quang Hưng: Không những không quay lưng mà không ít lần chúng ta thấy sự hưởng ứng của công chúng với thi ca thật nhiệt liệt. Hãy xem mọi người nô nức đến ngày thơ, nghe thơ, dự các cuộc giao lưu thơ và nói về thơ. Sự hào hứng như những làn sóng trào lên mà có khi tôi cũng tự băn khoăn, liệu đó có phải chính là một sự quay lưng…

- Đoàn Văn Mật: Điều này cho thấy tình yêu thơ ca vẫn còn khá mặn mà và tôi cho rằng không hề có chuyện công chúng quay lưng với thơ ca như nhiều người nghĩ. Nhưng nếu phân tích và nhìn nhận ở góc độ thực tế của công chúng trong Ngày thơ, chúng ta có thể thấy những người nhiều tuổi thường áp đảo giới trẻ.  

- Nguyễn Ngọc Tư: Còn tôi thấy mối quan tâm đó đâu có đợi tới rằm tháng Giêng, mà trong những câu chuyện thường ngày, buổi nhậu, đến cả… tòa án, người ta vẫn giữ thơ ở bên mình. Chỉ là, không nhận biết được đó là thơ hay là một thứ có vần ê a giống như thơ.

* Cả nước vẫn yêu thơ, yêu những văn bản “có vần ê a giống như thơ” như Ngọc Tư vừa nói. Vậy vì sao các nhà thơ vẫn kêu rằng khó mà sống được bằng thơ?

- Nguyễn Ngọc Tư: Không sống nhờ vào tiền, nhưng người ta sống bằng thơ, theo nghĩa khác. Chữ “sống” đa nghĩa, nhiều giá trị. Tôi cứ thấy có gì đó không hợp cho lắm khi một nhà thơ bảo thơ tôi bán đắt hàng lắm, ai cũng ưa.

- Đoàn Văn Mật: Cơm áo không bao giờ đùa với khách thơ cả. Nhìn lại, ngẫm lại, tôi thấy điều này thấy đúng. Từ cổ chí kim có ai sống được bằng thơ đâu, ngay cả những bậc tài danh bậc nhất về thơ ca cũng phải chịu chung điều này, huống chi phần nhiều người làm thơ đều là những người thường thường…, có chăng họ làm thơ và sống được do họ có một công việc ổn định khác ngoài thơ. Cứ thử hỏi sự sáng tạo nghiêm túc trong thơ ca là không hề dễ và nếu đem bài thơ, chùm thơ in ở một báo nào đó thì nhuận bút cũng chưa bao giờ đủ cho một thời gian ấp ủ, thai nghén ra nó. Vậy thì thơ ca sao có thể sống được.

- Nguyễn Quang Hưng: Dễ nhận thấy thôi, mọi người yêu, thích, đọc, hưởng ứng nhưng ít người mua. Việc yêu mến nồng nàn, hưởng ứng nhiệt liệt đâu có đồng nghĩa với việc… mua thơ tới tấp! Các nhà thơ in thi phẩm hiện nay, đa phần biếu, tặng, sử dụng để giao lưu chứ việc phát hành luôn gặp trở ngại. Một số thường xuyên hoặc thỉnh thoảng hoặc lâu lâu có thơ đăng báo, nhuận bút thơ phổ biến ở mức 100.000 - 200.000 đồng... Thơ Tết thường cao hơn, 500.000 đồng, có nơi 700.000 đồng hoặc hơn một chút. Ai đăng nhiều thơ Tết thì năm ấy cũng gọi là có một khoản kha khá. Nhưng báo Tết có phải ra liên tục đâu. Ngoài các báo chí chuyên về văn học thì đất đai cho thơ trên báo chí nói chung ngày càng eo hẹp. Chúng ta thử đặt chút nhuận bút ấy vào đời sống biết bao đòi hỏi hiện nay, sẽ thấy ngay rằng, nếu trông vào thơ như một nguồn sống mang tính vật chất thì thật là không tưởng. Các nhà thơ cứ kêu vậy thôi, chứ ai cũng hiểu rằng cần phải sống bằng công việc khác.

* Đúng như Nguyễn Quang Hưng vừa nói, đa số những người làm thơ hiện nay đều phải chọn một công việc khác để làm, còn thơ giống như một thứ… gia vị trong cuộc sống, thậm chí có người coi như món đồ trang sức. Vậy với anh/chị, thơ ca là gì, có vị trí như thế nào trong cuộc sống?

- Nguyễn Ngọc Tư: Thơ là bày tỏ bản thân, vì nó gần với lòng nhất. Thứ cảm xúc làm nên thơ ca không thuộc về lý trí, dù đôi khi, có lẫn vào một tí.

- Đoàn Văn Mật: Thơ ca là một cuộc chơi đẹp trong một tình yêu chưa khi nào tắt. Mỗi khi viết ra một tác phẩm nào đấy thì thấy trong lòng dâng lên muôn vàn niềm vui rất khó diễn tả. Lâu lâu không thấy mình viết được gì thì cảm thấy buồn buồn, thấy bứt rứt, cảm giác như đời sống của mình đang mất đi phần ý nghĩa nào đó.

- Nguyễn Quang Hưng: Là một nguồn sống, nuôi dưỡng cho sự lành thiện, lòng nhân ái, trắc ẩn và niềm hứng khởi, khi mà đời sống vật chất đã đạt được những yêu cầu tối thiểu hoặc tương đối để tạm yên tâm. Một cách vừa lãng mạn, vừa thực tế, thơ ca cũng là động lực cho sự phấn đấu về nhiều mặt, bởi muốn phần nào vững vàng, yên tâm và thành thật để làm thơ, thì chúng ta cũng phải sống cho tốt. Nhiều khi tôi nghĩ về thơ ca, sáng tác thơ như đi tìm ánh sáng, như sự dẫn hướng cho cách sống của mình.

* Là những tác giả trong thời gian qua có ra mắt những tập thơ mới. Xin được tò mò hỏi anh/chị, ở góc độ thương mại, những tập thơ đó có… đắt hàng?

- Nguyễn Ngọc Tư: Ế lắm, tôi cứ áy náy cho bên xuất bản (cười).

- Nguyễn Quang Hưng: Trong ba tập thơ của tôi, thì Vườn ánh sáng mấy năm trước có đưa ra sân thơ trẻ ở Văn Miếu, bán được một ít, nhưng tặng là nhiều. Hai tập tiếp theo, Mùa Vu Lan và Lòng ta chùa chiền, tôi cũng tặng là chính, có thử bán nhưng chưa thấy dấu hiệu khả quan.

- Đoàn Văn Mật: Tôi nhớ tập thơ đầu tay Giữa hai chiều thời gian xuất bản năm 2008, lúc ấy tôi còn là sinh viên nên được một số nhà thơ lớp trước đứng ra lo kinh phí in ấn toàn bộ. Ngày thơ năm 2009 diễn ra ở sân Văn Miếu tôi đã ký tặng độc giả đến mức tay không còn cầm chắc được cây bút. Lúc đầu là bán, nhưng sau nghĩ bạn bè đã in cho mình thì sao mình không tặng lại cho những người quan tâm đến thơ mình. Tập thơ Bóng người trước mặt vừa xuất bản cuối năm 2013 cũng thế…

* Xin cảm ơn anh/chị về cuộc trò chuyện này!

Người “trúng mùa” nhất và khá hy hữu thời gian qua là Nguyễn Phong Việt ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm ngoái, tập thơ Đi qua thương nhớ đã lập kỷ lục trong ngành xuất bản, khi độc giả xếp hàng chờ mua thơ. Tác giả tiết lộ, chỉ trong hơn 10 tháng đã bán được 30.000 bản. Đầu năm nay, Phong Việt cho ra mắt tập tiếp theo Từ yêu đến thương, dù không gây dư luận như tập đầu nhưng hơn 20.000 bản đã được tung ra thị trường. Giữa lúc các tập thơ in ra chủ yếu để biếu tặng thì Nguyễn Phong Việt là một gợi ý thú vị để người làm thơ lý giải, tìm cách chinh phục công chúng cho riêng mình.

HOÀNG THU PHỐ thực hiện

;
.
.
.
.
.