.

Danh ca Bạch Yến: Nỗ lực để khác biệt

.

Bí quyết thành công của danh ca Quách Thị Bạch Yến (tên thường được khán giả biết tới là Bạch Yến) chính là nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ, ý chí kiên định và sự đam mê ca hát. Bạch Yến từng nổi đình đám trên các sân khấu ca nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh từ trước năm 1975.

Danh ca Bạch Yến bên chồng, nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - GS Trần Quang Hải.	Ảnh: DÂN TRÍ
Danh ca Bạch Yến bên chồng, nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - GS Trần Quang Hải. Ảnh: DÂN TRÍ

Bạch Yến đi hát từ năm 14 tuổi (năm 1956), hát thoạt tiên bằng bản năng tự nhiên và tài bắt chước.

Mê đắm áo dài

Đã vượt khá xa ngưỡng cổ lai hy, nhưng Bạch Yến vẫn diện áo dài dạo ngắm chợ hoa thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết Giáp Ngọ. Với vóc dáng mảnh mai, nhanh nhẹn, đôi mắt tươi vui và miệng cười rạng rỡ, bà vẫn duyên dáng trong vẻ đẹp đài các, quý phái.

Bạch Yến mê áo dài dân tộc. Mỗi dịp về nước, bà tìm tới tiệm may quen thuộc duy nhất ở thành phố Hồ Chí Minh để đặt may vài chục bộ. Bà yêu kiểu áo được coi là quốc phục của dân tộc đến nỗi khi lên sân khấu, dù ở bất cứ quốc gia nào, bà chỉ mặc áo dài. Đến giờ bà không nhớ nổi mình có bao nhiêu bộ áo dài nữa.

Nhưng áo dài mà Bạch Yến mê đắm phải là kiểu áo may theo kiểu truyền thống, tức là có cổ cao, tay dài và vạt áo quá gối. Bà không thích lối cách tân khiến chiếc áo rất riêng của người Việt bị phá cách lúc theo Tàu, lúc lại kiểu Tây. Và nữa, áo dài của Bạch Yến thường được may hơi rộng, không ôm quá sát cơ thể để tạo sự thoải mái và lịch lãm.

Với Bạch Yến, lúc biểu diễn trên sân khấu trong trang phục áo dài, bà luôn hạnh phúc khi cảm nhận ánh mắt thích thú, trân trọng của khán giả dành cho trang phục rất kín đáo và gợi cảm của người Việt.

Tình yêu mê đắm với áo dài và văn hóa Việt của nghệ sĩ Bạch Yến có một phần lớn bắt nguồn từ nền nếp gia đình, nhất là người mẹ. Ngay từ những ngày phiêu bạt kiếm sống ở Campuchia, thấy các con gái sắp tới tuổi lấy chồng, người mẹ ấy giục chồng đưa các con về Việt Nam sinh sống chỉ vì sợ các con làm dâu ngoại quốc. Ngày chia tay Bạch Yến ở Paris (Pháp) để về Sài Gòn lo việc gia đình, bà dặn con 3 điều: không được cắt mái tóc dài, không lấy chồng Tây và không được... mặc bikini tắm biển!

Tự học và bắt chước

Sinh ra trong một gia đình có tới 8 người con ở Sóc Trăng, Bạch Yến trải qua tuổi thơ nhiều gian khó với những cuộc phiêu bạt. Sau biến cố chia tay của cha mẹ, bà tạm gác nhiều mơ ước học hành để bước vào trường đời và nghiệp cầm ca từ rất sớm.

Nhờ vốn học có được trong trường của người Pháp, cộng với niềm đam mê ca hát, khi biểu diễn tại các vũ trường ở Sài Gòn, Bạch Yến gây ấn tượng với người xem bằng các ca khúc nước ngoài.

Bạch Yến chưa một lần được đào tạo thanh nhạc, trường lớp dạy ca hát thời đó ở Sài Gòn không có. Cách duy nhất để bà trau dồi kiến thức và kỹ năng biểu diễn là học qua các đĩa hát của nước ngoài. Bà còn nhớ ngày đó, mỗi dịp có người thân, bạn bè ở nước ngoài về Sài Gòn, bà chỉ muốn được tặng những đĩa hát để có tài liệu học tập.

Không biết tiếng Anh, bà học bằng cách nghe thật kỹ cách phát âm của ca sĩ trong đĩa hát, sau đó ghi lại theo kiểu phiên âm của riêng mình và bắt chước. Tập thành thục tới mức dù chưa hiểu ý nghĩa của ca từ nhưng bà vẫn phát âm rất chuẩn. Sau này, khi gặp các thầy giáo giỏi tiếng Anh, bà đọc lại cho họ phần âm để nhờ chép lại phần lời, họ đã rất ngạc nhiên vì khả năng phát âm của bà.

Bắt chước lối hát thôi chưa đủ, bà còn chủ động mua vé vào xem các bộ phim nước ngoài chiếu rạp để học cách phát âm, cách biểu đạt cảm xúc trong ngôn ngữ. Miệt mài từ sáng tới chiều, bà xem hết suất chiếu này tới suất chiếu khác chỉ để học cung cách biểu diễn, thái độ, điệu thức của diễn viên nước ngoài. Và cứ thế, bà tự tập những bài hát mới để biểu diễn trên các sân khấu, rồi trở thành danh ca hát tiếng nước ngoài tại nhiều vũ trường của thành phố trước năm 1975.

Khát vọng học tập

Say mê với nghiệp ca hát, chưa bao giờ Bạch Yến hài lòng với những gì đã làm được. Vì lẽ ấy, ngay cả khi được khán giả Sài Gòn nhiệt liệt tán thưởng, bà vẫn ấp ủ khát vọng được ra nước ngoài học tập, trau luyện thêm kỹ năng thanh nhạc. Vậy là vừa biểu diễn kiếm sống, bà vừa dành dụm tiền bạc, chuẩn bị cho một chuyến “Tây du”.

Suốt từ năm 1961-1963, bà hiện thực hóa giấc mơ sang Pháp học thanh nhạc. Làm việc với các hãng thu âm và sản xuất băng đĩa tại đây, bà như được “mở mắt” trước chân trời rộng rãi và có tác động mãnh liệt tới nhận thức nghệ thuật. Người ta không chấp nhận những gì bà đã “sao chép” một cách thành thục phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ khác mà họ cần nét “rất riêng” của bà.

Từ đó, Bạch Yến rời bỏ tất cả những gì đã làm nên một danh ca Bạch Yến của Sài Gòn để học hát bằng trái tim, bằng xúc cảm của chính mình. Lại là những chuỗi ngày khổ luyện. Lần này, áp lực cạnh tranh còn lớn hơn nhiều so với ở quê nhà. Tài năng đã có. Kỹ thuật cũng sẽ có nếu rèn giũa. Nhưng còn phải làm thế nào để khẳng định mình giữa thị trường giải trí nói chung và thị trường âm nhạc nói riêng đã có quá nhiều tên tuổi? Bạch Yến buộc phải nghĩ tới một lối đi riêng.

Câu hỏi đó càng trở nên bức thiết hơn khi bà được mời sang Mỹ biểu diễn và thu âm. Đã có quá nhiều ca sĩ châu Á hát tiếng Anh thành danh ở Mỹ. Bạch Yến quyết định chọn hát tiếng Pháp và những tiếng khác: Tây Ban Nha, Ý.

Sự độc đáo và khác biệt là những thách thức gian khổ nhưng cũng nhiều ngọt ngào với một nghệ sĩ luôn bắt mình phải “mới” như Bạch Yến. Bà đã khổ luyện mỗi ngày để có thể trình bày những ca khúc dân ca của người Mexico bằng tiếng Tây Ban Nha với những thay đổi cao độ và khúc thức rất phức tạp. Cho tới giờ, trong số những tác phẩm âm nhạc đã biểu diễn, bà vẫn tâm đắc nhất với bài La Llorona (Người tình nữ khóc than) - dân ca của người Mexico, ca khúc không dễ gì để thể hiện thành công.

Mối tình “sét đánh”

Dù cùng ở tuổi ngoài 70, nhưng vợ chồng danh ca Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải (con trai GS Trần Văn Khê) vẫn đang chung hưởng cuộc hôn nhân ấm áp tình tri kỷ.

Người ta sẽ ngưỡng mộ và thậm chí có phần kinh ngạc khi biết rằng, cuộc hôn nhân vượt qua mốc “đám cưới bạc” rất nhiều năm này được bắt đầu từ lời cầu hôn sau phút đầu gặp gỡ chỉ một ngày của nhạc sĩ Trần Quang Hải với nghệ sĩ Bạch Yến tại Paris.

Tại thời điểm ấy, nhạc sĩ Trần Quang Hải đã ly hôn và sống cùng cô con gái nhỏ. Xét về địa vị xã hội, nghệ sĩ Bạch Yến đã là danh ca, còn vị hôn phu của bà vẫn chỉ đang là nhạc sĩ bình thường, chưa có tên tuổi. Thế mà chỉ 2 tuần sau khi lời cầu hôn được chấp thuận, một đám cưới nhẹ nhàng, giản dị diễn ra trước sự bất ngờ của nhiều người, trong đó có GS Trần Văn Khê.

Trong một bài báo, Bạch Yến từng chia sẻ, bà nhận lời kết hôn với nhạc sĩ Trần Quang Hải thoạt tiên vì sự chân tình và thật thà của ông. Nhưng rồi càng sống, bà và ông càng chia sẻ được với nhau nhiều điều, nhất là chuyện nghề. Cho tới giờ, ngoài những show tân nhạc, bà thường cùng chồng tham gia các chương trình cổ nhạc, trong đó chồng đàn, vợ hát.

Dự án âm nhạc

Dù tuổi đã ngoài 70 nhưng tiếng hát Bạch Yến vẫn được đông đảo khán giả yêu mến. Dịp về nước Tết Giáp Ngọ 2014, bà cùng hai nghệ sĩ trẻ khác là Hoài Ân và Vĩnh Thiện thực hiện thu âm hai đĩa nhạc Lam Phương.

Với bà, mỗi lần được đứng trên sân khấu là một lần không chỉ dâng hiến tài năng và cảm xúc của mình thông qua tác phẩm âm nhạc, mà còn là khoảnh khắc thăng hoa, tận hưởng cuộc đời và nghệ thuật. Vì thế, hát là niềm vui, là lẽ sống, là ý nghĩa rất đỗi lớn lao.

Cũng nằm trong kế hoạch công việc dịp đầu năm này, Bạch Yến dự định thu âm một đĩa nhạc hát riêng nhạc Lam Phương. Dĩ nhiên kế hoạch này cụ thể ra sao thì vẫn chưa được tiết lộ.

Trong một lần chia sẻ ở sân khấu Thúy Nga Paris, nhạc sĩ Lam Phương từng nói, rất nhiều ca khúc của ông đã được viết từ nỗi nhớ dành cho một người bạn gái thuở thiếu thời. Và người đó chính là Bạch Yến.

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.